Những thông tin “nhiễu” xung quanh vụ Sudico thay Tổng Giám đốc

(Dân trí)- Trước việc Sudico thay Tổng Giám đốc mới theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục của luật định, Sở KH&ĐT Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho đơn vị này, thì lại xuất hiện một số thông tin “nhiễu” tại đây. Vậy thực hư của việc này ra sao?

Những thông tin “nhiễu” xung quanh vụ Sudico thay Tổng Giám đốc - 1
Theo luật sư Trương Anh Tú: “Căn cứ các quy định của pháp luật
 thì việc thay thế Tổng Giám đốc ở Sudico là đúng thẩm quyền,
trình tự, thủ tục theo luật định”.

Trước nhiều ý kiến “nhiễu” xung quanh việc thay đổi người “cầm cương” tại Sudico, chúng tôi tiếp tục vào cuộc thu thập thông tin xung quanh vụ “lình xình” này.

Ngày 24/09/2011, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Sudico tổ chức họp Hội đồng quản trị Công ty để kiểm điểm thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CT-ĐHĐCĐ ngày 18/04/2011 của Đại hội đồng cổ đông Công ty Sudico trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện Quý IV/2011 về nội dung: Công tác SXKD; Công tác Tài chính; Công tác định biên, tổ chức nhân sự tổ hợp Công ty Sudico. Đây là cuộc họp thường lệ được tổ chức theo đúng quy định của Điều lệ, các quy chế nội bộ của Công ty và trên cơ sở nắm bắt của Hội đồng quản trị việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Sudico tính đến tháng 9/2011 đạt kết quả rất thấp.

Tại cuộc họp HĐQT Công ty Sudico, với sự chứng kiến của các thành viên Ban kiểm soát Công ty Sudico, đã nghe báo cáo của Tổng giám đốc Công ty về các nội dung theo yêu cầu của HĐQT Công ty. HĐQT Công ty Sudico cũng nghe các báo cáo, ý kiến bổ sung của các thành viên Ban điều hành, các Trưởng phòng ban Công ty đối với báo cáo của Tổng giám đốc Công ty, nghe báo cáo của Văn phòng HĐQT Công ty về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011 theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết, Quyết định của HĐQT, của Ban Tổng giám đốc.

Các báo cáo trên đã thể hiện rõ tình hình thực tế của Công ty Sudico. Cụ thể kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đạt kết quả rất thấp: Tổng giá trị đầu tư đạt 19% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 18% kế hoạch; Doanh thu đạt 6%; Lợi nhuận đạt 3% kế hoạch.

Tại cuộc họp các thành viên HĐQT Công ty đã xem xét, phân tích số liệu sản xuất kinh doanh từ năm 2008 đến năm 2011 và thấy rằng kết quả sản xuất kinh doanh đạt rất thấp đối với các chỉ tiêu giá trị đầu tư, giá trị sản xuất kinh doanh, có xu hướng giảm dần. Công ty Sudico hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất từ ngày thành lập đến nay. Các công việc không được triển khai thực hiện, khoản nợ vay lớn với lãi suất cao, dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư tại các dự án.

Việc triển khai các nhiệm vụ của Ban Tổng giám đốc đối với nhiều công việc không được thực hiện triệt để hoặc triển khai theo kiểu hình thức, không đôn đốc và chỉ đạo cấp dưới làm việc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty.

Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc nhưng không báo cáo Hội đồng quản trị để xin chỉ đạo. Việc phân công nhiệm vụ Ban Tổng giám đốc của Tổng giám đốc không rõ ràng, chồng chéo, giao việc cho các phòng ban không theo chức năng nhiệm vụ. Việc định biên, tuyển dụng không được Ban lãnh đạo Công ty coi trọng. Đây là các nguyên nhân chủ quan lớn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2011 cũng như trong một số năm gần đây đạt kết quả thấp như đã nêu trên.

Cuộc họp của Hội đồng quản trị diễn ra theo thông lệ. Tuy nhiên với kế hoạch sản xuất kinh doanh như đánh giá ở trên, các nguyên nhân dẫn đến kết quả như vậy, một số thành viên đề xuất tại cuộc họp yêu cầu Chủ tịch HĐQT Công ty phải cơ cấu lại nhân sự chủ chốt để đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển công ty trong thời gian tới.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định: Vấn đề trên về mặt cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý (Luật doanh nghiệp, Điều lệ Công ty và các quy chế nội bộ của Công ty) là phù hợp.

Tại cuộc họp xuất phát từ tình hình thực tế, cơ sở pháp lý, các ý kiến của các thành viên HĐQT và mục tiêu cao nhất là vì quyền lợi của các cổ đông trong đó có cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Sông Đà và Công ty. Vì vậy, HĐQT đặt vấn đề xem xét trách nhiệm của những thành viên chủ chốt và quyết định vấn đề thay đổi Tổng giám đốc Công ty. Tách bạch giữa vai trò điều hành với với trò thành viên HĐQT của chức danh Tổng giám đốc.

Hội đồng quản trị Công ty đã quyết định thôi kiêm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật đối với ông Vi Việt Dũng để tập trung thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách. Đồng thời lựa chọn ông Ngô Vĩnh Khương để ký hợp đồng với chức danh Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty.
 

Ngày 3/10/2011, Sở Kế hoạch và Đầu Tư TP. Hà Nội vừa cấp đổi giấy phép đăng ký kinh doanh lần thứ 7 cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà theo đúng quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Ngô Vĩnh Khương, chức danh Tổng Giám đốc thay ông Vi Việt Dũng.

Tổ PVĐT