Hà Nội:

Những dấu hỏi trong bản án vụ dân khởi kiện Chủ tịch phường Ngọc Hà

(Dân trí) - Ngày 28 và 29/9, TAND quận Ba Đình đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính chị Thục Anh khởi kiện Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm có nhiều điểm khiến dư luận rất băn khoăn.

Ngày 22/5/2010, Dân trí đăng tải bài viết “Chủ tịch phường Ngọc Hà bị dân kiện ra tòa”, về việc chị Hà Thị Thục Anh (trú tại số nhà 28 ngách 158/23 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) khởi kiện ông Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà ra TAND quận Ba Đình. Chị Thục Anh khởi kiện vì Chủ tịch phường Ngọc Hà đã ban hành các quyết định hành chính cưỡng chế phá dỡ đối với công trình cải tạo, sửa chữa nhà bếp không đúng pháp luật, quyết định này không hợp pháp, sai cả hình thức lẫn nội dung, trình tự ban hành gây hậu quả thiệt hại lớn cho gia đình chị.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 6/2009, do nhà bếp cũ chung của các gia đình anh, em chồng chị Thục Anh xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, có nguy cơ sập, chị có làm đơn gửi UBND phường Ngọc Hà để tạo điều kiện giúp đỡ việc sửa chữa (đơn có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố). Việc sửa chữa gồm: thay mái phibroxi-măng bằng mái tôn và thay một số hàng gạch xỉ tường bao bằng gạch 110, việc sửa chữa này hoàn toàn không thay đổi kiến trúc và kết cấu chịu lực.

Sau khi hoàn thành việc sửa chữa, UBND phường đến gia đình chị lập biên bản cho rằng gia đình xây dựng không phép và ban hành các quyết định đình chỉ thi công xây dựng số 112/QĐ-UBND ngày 14/07/2009, quyết định cưỡng chế phá dỡ số 126/QĐ-UBND ngày 22/07/2009.

Thấy các quyết định này không hợp pháp, chị Thục Anh đã khiếu nại lần 1 đến Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà. Không đồng ý với kết luận giải quyết khiếu nại lần 1, chị tiếp tục khiếu nại lần 2 đến chủ tịch UBND quận Ba Đình. Trong khi đang chờ kết quả lần 2, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà đã chỉ đạo cưỡng chế nhà bếp vừa sửa chữa xong. Trước sự việc này, chị Thục Anh đã khởi kiện ông Chủ tịch phường ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình.

Trong 2 ngày 28 và 29/9/2011, TAND quận Ba Đình đã xét xử sơ thẩm vụ án này. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm có nhiều điểm khiến dư luận băn khoăn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện ủy quyền của chị Thục Anh đã phân tích, chứng minh, đồng thời viện dẫn các văn bản pháp luật để chỉ rõ các quyết định của Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà là không hợp pháp vì việc sửa chữa không phải xin phép, trình tự ban hành các quyết định không đúng.

Cụ thể, nguyên thủy nhà bếp là nhà khung sắt, mái phibro xi-măng, tường bao gạch xỉ. Hạng mục sửa chữa, cải tạo nhà bếp gồm: thay mái phibro xi-măng bằng mái tôn và thay một số hàng gạch xỉ tường bao bằng gạch 110. Việc sửa chữa này hoàn toàn không thay đổi kiến trúc và kết cấu chịu lực. Kiến trúc vẫn là nhà cấp 4, kết cấu nhà vẫn khung sắt chịu lực. Tuy nhiên, tòa vẫn cho rằng sửa như vậy cần phải xin phép để bác đơn khởi kiện.

Hơn nữa, việc sửa chữa, cải tạo nhà bếp của chị Thục Anh trên nền nhà cũ, giả thiết phải xin phép thì việc sửa chữa, cải tạo này thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, khoản 2, điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP. Chị Thục Anh được phép trong phạm vi 60 ngày xin giấy phép, chứ không phải bị cưỡng chế phá dỡ ngay như Chủ tịch UBND phường đã chỉ đạo thực hiện.

Trong tất cả các biên bản, quyết định đều ghi công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 28 ngách 158/23 phố Ngọc Hà. Các số nhà này đều do UBND phường thu tiền để đánh và đóng biển số nhà, UBND quận cấp giấy chứng nhận số nhà. Căn nhà tại địa chỉ 28 ngách 158/23 là nhà 3 tầng không hề vi phạm. Công trình UBND phường cho rằng vi phạm cách số nhà 28 ngách 158/23 khoảng 20m, cách số nhà 32 ngách 158/23 hơn 2m.

TAND quận Ba Đình lại có lập luận rằng: “Các số nhà được đánh thứ tự như vậy nhưng vì chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đánh số như vậy là để quy ước và chưa có tính pháp lý” bởi thực tế HKTT của gia đình vẫn địa chỉ cũ là 38A tổ 3 K63 phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Trong khi đó, trên Giấy chứng nhận số nhà theo quy định của thành phố Hà Nội cấp cho các hộ ghi rõ: “Số nhà cũ được bảo lưu hai năm kể từ ngày đánh lại số mới để các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm thủ tục sửa đổi giấy tờ liên quan (hộ khẩu, giấy tờ khác…)”. Và đặc biệt, Giấy chứng nhận số nhà của chị Thục Anh được cấp từ ngày 15/11/2002, nghĩa là gần 7 năm cho đến ngày UBND phường Ngọc Hà có các biên bản, quyết định cưỡng chế đối với gia đình chị.

Trước những lý lẽ như vậy, HĐXX của vẫn bác đơn khởi kiện của chị Thục Anh. Được biết, chị Thục Anh đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo trình tụ phúc thẩm. Dư luận đang kỳ vọng vào bản án phúc thẩm khách quan, đúng pháp luật.

Phương Anh