Nhức nhối “chạy” vào lớp một

(Dân trí) - “Chạy” để có chức quyền, “chạy” để có công việc, “chạy” làm sổ đỏ...dẫu sao thì cũng... đã đành. Nhưng chuyện trẻ em mà cũng phải "chạy" vào lớp một, nghe sao mà chua xót!

Chỉ còn vài tháng nữa thôi, các cô cậu 6 tuổi sẽ bước chân vào lớp một. Trái ngược với tâm trạng háo hức chờ đợi ngày khai trường của các bé,  không ít bậc phụ huynh cháy ruột ngày đêm đôn đáo “kiếm cửa” để “chạy” trường tốt cho con. Họ quyết tâm “chạy” cho bằng được dù có phải bỏ ra hàng nghìn USD để lo cho con có một suất vào trường điểm, trường có tiếng.

 

Tiếng nói người trong cuộc

 

Trước thực trạng tiêu cực cả với các bé mới sắp bước chân vào ngưỡng cửa tiểu học này, nhiều bậc phụ huynh không nén nổi bức xúc và đưa ra những dẫn chứng cụ thể.  

 

Ngatran: tttn_2006@yahoo.com.vn:

 

“Con tôi năm nay học lớp 2 rồi. Tuy nhiên kỷ niệm khi cháu vào lớp 1 thì không bao giờ phai mờ. Tháng 7 đọc thông báo tuyển sinh của trường bán trú đóng trong phường có 7 tiểu chuẩn, thì bé của tôi đã đạt 5. Chỉ thiếu tiêu chuẩn trẻ khuyết tật và con cháu của mẹ VNAH nữa thôi. Vậy là yên tâm rồi.

 

Nhưng tháng 9 nhập học, bé đến trường vào ngày thứ 3. Chiều đón bé tôi đã nghe GVCN thông báo lên gặp hiệu trưởng. Vừa vào phòng đã nghe hiệu trưởng thông báo một câu xanh rờn “Con chị bị chậm phát triển tinh thần. Mà đây là trưởng chuẩn quốc gia, nên chị chuyển cháu sang trường khác, chứ vài bữa nữa cháu không theo kịp”, rồi thì than thở “Các mẹ chỉ muốn gửi con cả ngày, không muốn chăm con” ...

 

Tá hỏa cả mặt mày. Trời ơi nuôi con suốt 6 năm không thấy một điều gì bất thường. Vậy mà mới 3 ngày đi học thì mất ngày đầu nhận lớp, ngày hai làm quen với cô và bạn, ngày 3 cô dạy các điều cháu phải chấp hành ở trường. Hiệu trưởng chỉ vào quát hỏi cháu 2 câu làm cháu sợ rúm người, lí nhí trả lời, vậy là hiệu trưởng đã "chẩn đoán" cháu chậm phát triển tinh thần. Có tài không?

 

Cuối cùng tìm hiểu mới biết hiệu trưởng đã nhận phong bì của một số người có con không đủ tiêu chuẩn, vậy nên phải có bài "chẩn đoán" này. Ai nhát thì chuyển con đi . Còn tôi cương quyết không chuyển, cuối năm lớp 1 cháu đạt học sinh giỏi. Vậy đó, ngành giáo dục nghĩ gì ? lương tâm hay "lương lậu"?”...

 

Cũng vì quá cảm thấy bất công và vô lý, không ít độc giả đề nghị phải xử lý nghiêm những vụ việc chạy chọt này để răn đe:

 

Trần minh Đức: minhductran27@gmail.com: “Đây là thời vụ làm ăn của của những kẻ biến chất. Tôi đề nghị ngành công an điều tra, thu hồi chứng cứ, cơ quan kiểm sát tiến hành khởi tố một vụ thu tiền trái phép để răn đe. Nếu không tệ nạn này sẽ chở thành vấn nạn”.

 

Thế Huynh: huynh@yahoo.com: “Đây là một thực tế diễn ra từ hơn chục năm nay, chỉ có điều giá ngày một tăng theo thời gian mà thôi. Đây đích thị là tham nhũng trong giáo dục, nó góp phần làm hỏng nhân cách con người ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hủy hoại nền giáo dục nước nhà, làm tăng các nguy cơ tệ nạn khác như đấu đá, tranh giành, hối lộ. Tôi nghĩ cơ quan điều tra cần vào cuộc, đưa ra ánh sáng các nhà sư phạm biến chất, mất chất để xử lý trước pháp luật làm gương, lấy lại sự trong sạch trong ngành được coi là cao quý: Trồng người”.

 

Từ phía ngược lại, những người có điều kiện hơn lại "phản pháo" rằng đó cũng là cơ chế thị trường, có cung ắt có cầu... rồi đổ lỗi cho quản lý, chứ không phải tự do giáo viên tự đưa ra luật đó để phụ huynh phải mất tiền ?!?

 

Dũng: lvdung2810@gmail.com:“Xin thưa với các bạn là: Nếu bạn có nhiều tiền, mối quan hệ tốt, liệu bạn có để con bạn vào 1 trường không tốt trên danh nghĩa không. Điều đó chắc chắn là không. Cái chính ở đây là vấn đề quản lý. Cứ với tình hình quản lý kiểu này thì những chuyện chạy trường là điều tất yếu sẽ xảy ra”.  

 

Dẫu vậy, vẫn còn đó nhiều phụ huynh yên tâm với lựa chọn của mình, khi vẫn để con học trường đúng tuyến gần nhà, “trường làng” với những phân tích có tình, có lý.

 

Minhthu: kcs27dhtl@ymail.com: “Tôi cũng có con năm nay vào lớp 1 và sẽ vào trường làng cách nhà 500m (Phúc Xá).  Con trai lớn của tôi đã vào lớp 1 trường này và đến giờ cháu chuẩn bị tốt nghiệp để vào cấp 2 cũng trường làng. Năm năm học cấp 1 cháu đều tự đi học, trưa về nhà ăn cơm và cả 5 năm cháu đều đạt học sinh giỏi. Hiện cháu đang chuẩn bị đi thi HSG lớp 5 cấp quận.

 

Tuy chưa có gì là xuất sắc, song với một đứa trẻ bình thường thì thành tích như thế là cũng quá được so với chi phí bỏ ra có 50.000đ học phí mỗi tháng (cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của cháu nói rằng: “Học ở đây hơi bị rẻ đấy”) ở một trường làng rồi, đúng không các bậc phụ huynh? Vậy tại sao cứ phải bỏ cả ngàn đô để chạy chỗ học làm gì nhỉ, rồi lại phải đưa đón làm ách tắc giao thông ...Chỉ là "chạy" trường thôi nhưng sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác. Ôi trời! hay là tại tôi không có tiền nhỉ?”.
 

 

Anh Ngoc: anhngoc5524@yahoo.com.vn: “Chạy cho con vào trường điểm với sĩ số lớp học từ 45-50 học sinh/lớp thì chất lượng dạy và học làm sao tốt được. Thầy cô không thể kèm hết được các con với lớp đông như thế, nên sẽ lại sinh ra tình trạng "bồi dưỡng" giáo viên để con mình được "quan tâm" nhiều hơn mà thôi... Mình cho con học trường làng với sĩ số 30-35 học sinh/lớp cho lành vậy”.

 

Tiếng nói giáo viên

 

Đó là ý kiến từ phía phụ huynh, còn giáo viên, họ nói gì về tệ nạn "chạy chọt" này:

 

Trời đất, tôi cũng là giáo viên mà sao tôi thấy choáng quá! Tôi dạy ở 1 vùng quê nghèo. Tôi cũng biết gần đây ở thành phố chạy cho con vào lớp chọn thì phải xếp hàng từ 2- 3 giờ sáng, nhưng con số hàng nghìn $ thì tôi rất là ngạc nhiên. Không hiểu các bậc phụ huynh nghĩ gì mà phải vất vả như thế nhỉ? Tôi là giáo viên mới ra trường nên số tiền lương đi dạy 1 năm trời của tôi tổng cộng lại cũng chỉ khoảng 1.000$ thôi. Mà tôi cũng rất muốn biết con số hàng nghìn $ sẽ vào túi những ai? Các bạn thử làm phép tính như thế này nhé 1 năm 1 trường sẽ có 1-3 lớp 1, 1 lớp 20- 25 HS, 1 HS mất trung bình 1.500$ thì con số sẽ như thế nào? Quá là tiêu cực! lớp 1 cũng phải chạy thì chắc chắn ở Việt Nam cái gì cũng sẽ phải chạy ...chạy ....chạy ....” - Nguyễn Tiến Tuấn: minhtuanspn_k10@yahoo.com  

 

Hoàng Bảo Trâm: cambaotram@yahoo.com.vn : “Tôi đang là một giáo viên dạy tiếng Anh cấp THPT tại Hà Nội và năm nay con trai tôi cũng vào lớp 1. Tôi thấy mọi người đang rất tất bật với việc chạy trường, lớp cho con, còn riêng tôi thì vẫn bình chân như vại. Tôi sẽ cho con trai đi học trường đúng tuyến và sẽ không bon chen với ai cả. Con mình thế nào còn phải do mình dạy dỗ con ra sao, khả năng của con thế nào.

 

Là người làm trong ngành giáo dục, tôi thấy việc chạy trường đó là không cần thiết và không nên. Có ai đảm bảo rằng con mình học ở những trường mà mình cho là "điểm" và mình phải mất rất nhiều tiền để cho con vào đó thì con mình sẽ hơn con nhà người khác? Tôi vẫn có những học trò giỏi mà không cần phải ở trường điểm ...”.

 

Trần Chung:  tranchungtt@yahoo.com.vn: “Tôi cũng là một giáo viên, tôi thấy không phải ngành giáo dục tiêu cực mà do chính các phụ huynh tạo nên cơn "sốt" đó. Ngày trước, chúng tôi đi học làm gì có trường chọn như bây giờ mà vẫn học giỏi, vẫn thành đạt. Chẳng qua một số nhà giàu đua nhau, làm cho các gia đình khác phải theo mệt. Thiết nghĩ, trường điểm đâu phải các thầy cô 100% đều như mong muốn của phụ huynh. Mong các phụ huynh tỉnh táo hơn khi chọn trường cho con học”.

 

Hoàng Bắc: vuhoang.2l89@gmail.com: “Tôi là một sinh viên trường Sư phạm Ngoại ngữ. Sau khi tôi đọc xong phần tin này thì với những gì tôi được học trong bộ môn quản lý giáo dục, tôi thấy tình trạng này hết sức đáng báo động và phản giáo dục.

 

Mới chỉ lớp một mà nhân vật chính là bố mẹ các em đã phải "chiến đấu" quyết liệt để con mình được học trường tốt. Như thế là việc quản lý cơ cấu giáo dục ở đây vô cùng bất cập. Hoàn cảnh này cho thấy sự phân biệt "đẳng cấp" giữa các vùng, dẫn đến rất nhiều trở ngại cho người dân. Hơn nữa, nhiều "dịch vụ" ăn theo sẽ diễn ra rất lộn xộn. Phần quản lý là như vậy, còn phần xã hội thì sao? Nhiều gia đình tự đẩy mình vào hoàn cảnh như thế vì suy nghĩ theo đám đông một cách quá đơn giản: là phải vào trường "đẳng cấp" thì con mình mới đẳng cấp.

 

Tuổi tiểu học là lứa tuổi cần nhiều môi trường tình cảm và thế giới sinh động. Vậy thì trên hết, các bậc cha mẹ, người thân phải quan tâm ở bên các em, tạo cho các em môi trường sống và học hỏi bên cạnh trường lớp. Sự kết hợp gia đình nhà trường mới là sự cần thiết nhất cho trẻ. Mong các bậc phụ huynh suy nghĩ kỹ cho chính con cái họ, chứ không phải giao con vào trường cho thầy cô là đã hết trách nhiệm”. 
 
Nhức nhối “chạy” vào lớp một - 2

Đừng để những tác động tiêu cực làm mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ của các em HS

 

Trần văn Ngô: tranvanngo@yahoo.com.vn   

 

Chuyện này là chuyện dài tập, mà nguyên nhân là do ngành giáo dục không tạo đủ điều kiện cho các cháu đến trường mà thôi. Đừng tạo kẽ hở cho những người như vậy có đất làm ăn. Học phí công lập hiện nay quá thấp so với trường tư thục nên ai cũng tranh vào. Theo tôi thì tăng học phí lên chút ít nhưng vừa phải, lấy đó mà xây trường cho con em.

 

Tôi là thầy giáo xin kể một chuyện như sau: Trường tôi chỉ tuyển 450 HS lớp 10, nên số học sinh rớt 150 em, tôi bàn với PHHS lo kinh phí xây thêm 2 phòng học vì đất trường còn trống và họ đồng ý ngay. SGD lo bàn ghế, giáo viên... Vậy là các em có chỗ học, giáo viên ra trường có chỗ dạy. Cần tập hợp cộng đồng xã hội lo cho các em cũng là lo cho đất nước sau này. Mấy vị đừng nói chung chung nữa. Chặt đứt ngay hiện tượng "chạy trường", ai trong ngành tham gia thì đuổi việc đi. Đừng kiếm tiền từ PHHS như thế nữa”. 

 

Không đổ lỗi mà cùng tìm giải pháp

 

Suy đi ngẫm lại thì đã là bố mẹ ai cũng muốn con mình được sống và học trong môi trường tốt nhất. Vì thế cũng không thể trách hay đổ lỗi hoàn toàn cho họ, mà ở đây chúng ta nói chung và ngành giáo dục nói riêng cần đưa ra biện pháp để dẹp bỏ tệ “chạy” trường này.

 

hongletam: hongletam@yahoo.com: “Tốt nhất chúng ta không nên phân biệt trườnng điểm mà phân theo khu vục để không gây trở ngại cho người dân hoặc nhũng nguòi nghèo để trẻ em không bị phân biệt. Ở vùng nông thôn nhiều em học rất giỏi mà không qua trường điểm. Mong các lãnh đạo Bộ Giáo dục ĐT nghiên cứu để người dân bớt khổ, để xã hội được công bằng, trẻ em được học và giáo dục trong môi trường như nhau”. 

 

Bui Tinh: traitimbinhyen_612@yahoo.com: “Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp tối ưu nhất có lẽ là nhà nước nên có nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư tư nhân hơn nữa vào giáo dục tiểu học, thì mới có thể mong cải thiện tình hình này”. 

 

Bạn Kim Oanh: Luckystar.co@fpt.vn đã nêu lên một sáng kiến mà chúng tôi thiết nghĩ Bộ Giáo dục ĐT có thể xem xét, tham khảo:

  

Muốn cho con học ở trường tốt, thuận tiện là nhu cầu rất chính đáng của người dân. Vấn đề là cách ứng xử của ngành giáo dục. Thay vì “chạy chọt”,  "xin xỏ", Bộ Giáo dục ĐT hãy cho đấu giá công khai suất học trái tuyến từ trước 2-3 năm, tiền thu được sẽ được dùng để xây dựng thêm trường lớp và 1 phần để lại cho nhà trường làm quỹ. Như vậy các trường sẽ phải lo dạy cho tốt, các bố mẹ cũng đáp ứng được nhu cầu của mình. Chẳng ai còn phải lo chạy trường chạy lớp nữa..."   

 

Nguyệt Thu