Nhọc nhằn chuyện làm thêm của sinh viên

(Dân trí) - Chuyện cơm áo hàng ngày luôn là gánh nặng đối với dân nghèo. Những sinh viên nghèo cũng vậy. Họ phải bon chen, lo toan tìm công việc làm thêm để nuôi mình, nuôi giấc mộng học hành và thậm chí là phụ giúp bố mẹ nơi quê nhà.

Hè về là thời gian đi du lịch và đi nghỉ mát của không ít người và cũng là thời gian “xả hơi” của những bạn sinh viên sau một năm học xa nhà được về với ba mẹ, anh em, về với mái ấm gia đình ở quê hương.
 
Nhưng cũng có rất nhiều bạn sinh viên vì quê ở xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đã quyết định ở lại thành phố kiếm việc làm thêm để dành dụm ít tiền cho năm học mới. Nhiều bạn đi làm gia sư, bán cà phê hoặc chạy bàn ở các quán nhậu… Dù làm việc gì họ cũng cố gắng nhẫn nại, có khi phải nhẫn nhục, để kiếm thêm ít tiền phụ giúp bố mẹ trong lúc kinh tế khó khăn đỡ phải lo tiền ăn học cho các con.

 

Anh Dũng là sinh viên năm thứ hai của trường ĐH Kinh tế Huế. Hè này cậu quyết định ở lại, không về nghỉ hè ở quê nhà, cho dù rất nhớ ba mẹ và các em. Đầu hè cậu đã tìm cho mình một công việc nhẹ nhàng tại tiệm photo nằm ở đường Nguyễn Huệ. Dũng tâm sự: “Năm ngoái về nghỉ hè chán quá, được mấy ngày đầu cũng thấy vui vì được trở lại với không khí đầm ấm của gia đình, nhưng rồi cứ loay hoay với những công việc không tên suốt 2 tháng hè, thấy tiếc thời gian quá.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Hè này tớ quyết định ở lại, ngày đi làm ở tiệm photo, tối về tranh thủ học thêm để lấy cái chứng chỉ tin học văn phòng. Như vậy vừa kiếm thêm được ít tiền vừa có thêm kiến thức vi tính để chuẩn bị trước cho năm thứ 3”.

 

Còn Diệu Hiền là sinh viên của ĐH Khoa Học Huế. Quê ở xứ Nghệ. Hè đến cậu ấy cũng tìm cho mình một việc làm phù hợp. Ngày ngày sách cặp đi kèm đứa nhỏ lớp 10. Tối tối lại về căn phòng miệt mài với sấp tài liệu Anh văn. Cậu ấy đang tranh thủ học thêm một chứng chỉ tiếng Anh trước khi vào năm học mới.

 

Thời gian hầu như kín hết nhưng mỗi lúc rảnh rổi, ngồi một mình đối diện với bốn bức tường trong căn phòng vắng, Hiền lại thấy cô đơn, rất nhớ nhà, nhớ ba mẹ cùng các em và lại mường tượng ra lúc đó mọi người đang làm gì ở nhà, thế là có lúc nước mắt lại chảy ra…

 

Tôi biết rằng không riêng gì Hiền hoặc Dũng mà còn có rất nhiều bạn sinh viên, hàng ngày họ vẫn cố gắng làm mọi việc có thể để kiếm thêm tiền ăn học, giúp cho bố mẹ đỡ vất vả nơi quê nhà; tối tối lại về căn phòng vắng làm bạn cùng sách vở để tự trau dồi thêm tri thức.
 
Mặc dù bận bịu là vậy nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ vẫn nhen nhóm trong lòng mỗi khi được rỗi rảnh đôi chút, và đấy cũng nguồn động lực giúp họ tiếp tục phấn đấu đạt kết quả học tập tốt để trở thành người hữu ích theo nguyện vọng của ba mẹ.

 

Nhưng không phải ai cũng kiếm được cho mình một việc làm phù hợp và kiếm ra đồng tiền xứng đáng. Việc làm thì ít mà số người xin việc ngày càng nhiều nên nhiều bạn phải làm những việc rất nặng nhọc, vất vả mà đồng tiền kiếm được chẳng đáng bao nhiêu.

 

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể chu cấp đủ tiền ăn học, nhiều bạn sinh viên cần có việc làm thêm. Điều này rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, các Hội nghề nghiệp, Hội sinh viên, những trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức các “hội chợ việc làm” hoặc đứng ra làm “môi giới” cho những bạn sinh viên có cơ hội tìm được việc làm thêm thích hợp, nhất là trong những dịp hè, để chuẩn bị trước cho năm học sắp tới.

 

Nghĩ đến những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trong đêm khuya của nhiều bạn sinh viên xa nhà mà tôi thấy chạnh lòng. Họ vừa nhớ quê hương vừa thương ba mẹ phải lao động cực nhọc hàng ngày để dành dụm chút tiền cho con ăn học. Càng thương ba mẹ bao nhiêu thì họ càng phải cố gắng tìm việc làm thêm để phụ giúp gia đình, để cho ba mẹ và các em đỡ lao động cực nhọc nơi quê nhà. Họ đáng được xã hội quan tâm và tạo điều kiện  giúp đỡ.

                                                                          

                                                                         Lê Anh Khoa

                                           Trường Đại Học Khoa Học Huế,TP Huế

 

LTS Dân trí - Vừa học vừa làm là con đường tiến thân của không ít sinh viên con nhà nghèo. Ngoài những công việc lao động đơn giản, những sinh viên ngoại ngữ, công nghệ thông tin hoặc một số ngành chuyên môn khác có thể tìm được việc làm bán thời gian phù hợp với chuyên môn đang học. Điều đó không chỉ giúp kiếm thêm tiền mà còn tạo cơ hội gắn việc học với hành và giúp làm quen với môi trường nghề nghiệp. Vì vậy, khi ra trường dễ thích ứng với hoàn cảnh và dễ xin được việc làm.

 

Nhìn nhận như vậy thì việc làm thêm đối với sinh viên không phải là “chuyện cực chẳng đã” mà đem lại những lợi ích thiết thực đối với sinh viên cũng như đối với xã hội và nên khuyến khích.