Bạn đọc viết:

Nhìn học sinh, tôi muốn chúng thực sự hạnh phúc!

(Dân trí) - Tôi là một cô giáo tiểu học, 12 năm theo nghề với bao buồn vui, nhưng có điều khiến tôi trăn trở mãi và tự hỏi những gì mình đang làm cho bọn trẻ có đúng không, sao vẫn thấy thiếu điều gì đó rất quan trọng.

  
Nhìn học sinh, tôi muốn chúng thực sự hạnh phúc! - 1
Học sinh của một trường Tiểu học tại Hà Nội trong tiết học ngoài trời 

Và tôi chợt nhận ra rằng, những đứa trẻ đáng yêu của tôi cần phải được mang lại tuổi thơ đang bị “đánh cắp”.

Học sinh ngày nay, nhất là học sinh ở các thành phố lớn, như thủ đô Hà Nội chẳng hạn, dường như rất ít được vui chơi, được gần gũi với thiên nhiên, được chạy nhảy nô đùa... Hàng ngày, chúng phải học cả ngày ở trường, bị nhốt trong "bốn bức tường" của lớp học. Rồi đến khi về nhà, nhiều bé lại bị nhốt trong "bốn bức tường" của chính ngôi nhà mình, xem ti vi, chơi điện tử... vì bố mẹ bận việc và vì ngoài đường phố quá nhiều điều nguy hiểm với trẻ nhỏ. Đồng hành cùng các em hơn chục năm qua, tôi đau đáu nỗi niềm khi dường như mọi người quên mất trẻ nhỏ cần được vui chơi để khoẻ mạnh, cần thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn như trang giấy trắng của chúng. Chính những trò chơi giúp trẻ phát triển rất tốt về cả thể lực lẫn trí lực.

Tôi mơ ước đến một lúc nào đó tôi sẽ được dạy học sinh của mình trong một phòng học rộng thênh thang, với sĩ số chỉ 20 học sinh. Xung quanh lớp là các góc hoạt động với nhiều đồ dùng học tập phong phú. Ghế ngồi của học sinh không phải những chiếc ghế cứng ngắc mà phải thật linh hoạt để học sinh dễ dàng quay sang thảo luận với các bạn, luôn luôn được nói lên ý kiến của mình, tự tin và mạnh dạn thể hiện bản thân. Và trường học cũng thật rộng rãi với nhiều cây xanh, nhiều phòng học chức năng như phòng học múa hát, phòng thể dục thể thao... để trẻ nhỏ được tham gia thật nhiều hoạt động bổ ích vào buổi chiều.

Tôi còn mơ ước đưa các cháu thoát ra khỏi "bốn bức tường" của lớp học, hòa mình vào thiên nhiên và thực tế cuộc sống để học tập. Dạy các cháu tả cây, còn cách gì tuyệt vời hơn là đưa các cháu ra công viên nhiều cây xanh, thỏa thích ngắm nhìn, sờ tay vào thân cây, lá cây và thả hồn vào không khí trong lành của công viên. Dạy các cháu bài Tự nhiên xã hội "Bữa ăn đầy đủ", còn gì hay bằng việc đưa các cháu đến siêu thị thực hành mua một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng gồm chất bột đường, đạm, chất béo và vitamin...

Tôi trăn trở rất nhiều và quyết định nếu làm được gì, mình phải làm bằng được cho bọn trẻ. Cách đây mấy năm, tôi bắt đầu tiến hành cách dạy học ngoài trời cho học sinh. Trường tôi dạy ngay gần công viên Bách Thảo. Giờ tập làm văn tả cây cối, tôi đưa học sinh của mình ra đó để học sinh quan sát và cảm nhận. Hiệu quả giờ học thì tốt hơn nhưng tôi gặp khó khăn vì thời gian tiết học không đủ, học sinh đông quá nên việc hướng dẫn từng học sinh rất khó khăn.

Tôi lại suy nghĩ và đã tìm ra được một phương án tối ưu nhất. Tôi sẽ đưa học sinh ra ngoài vào sáng thứ Bảy, 2 tuần 1 lần, với sự tán thành và giúp đỡ của phụ huynh học sinh. Tôi chia đôi lớp để có thể quản lý được học sinh thật tốt. Để đảm bảo an toàn cho các cháu, tôi mời thêm vài cô giáo nữa đi cùng. Địa điểm và nội dung hoạt động phù hợp với nội dung học tập của các môn học trong hai tuần tiếp đó. Ví dụ, hai tuần tiếp theo học sinh học về chủ điểm Chim chóc và chủ điểm Muông thú (Tiếng Việt lớp 2), tôi sẽ đưa học sinh thăm quan vườn Bách thú. Học sinh sẽ được trực tiếp quan sát, tìm hiểu về nhiều loài chim, loài thú, tự ghi lại những điều mình cảm nhận được. Chắc chắn các tiết mở rộng vốn từ về Chim chóc và Muông thú, tiết tập làm văn viết về một loài chim và một con vật học sinh sẽ học tốt hơn rất nhiều.
 
Ngoài ra, tôi còn tổ chức thêm các hoạt động khác thích hợp với nội dung dạy học như vẽ tranh ngoài trời, chơi các trò chơi vận động như kéo co, đá bóng,... đem đến cho học sinh sự hứng thú và niềm vui của các chuyến đi học dã ngoại, đồng thời cũng giúp các em yêu quý và gắn bó với nhau hơn.

Tôi đang thực sự hạnh phúc, đúng như vậy, vì một phần ước mơ của tôi đang dần thực hiện được. Từ đầu năm học đến giờ, tôi và học sinh đã đi học như vậy được 4 buổi. Bố mẹ, học sinh và cả cô giáo đều vô cùng phấn khởi và hạnh phúc. Tôi cảm nhận thấy điều đó rất rõ trên nét mặt của các em, khi các em được hòa vào thiên nhiên, được vui chơi với các bạn trên bãi cỏ xanh, được ngồi vẽ tranh ngoài trời... Mỗi buổi đi như vậy đều đem đến những niềm vui và những kiến thức vô cùng bổ ích.

Có những bất ngờ thật thú vị khiến chúng tôi xúc động và nhớ mãi. Buổi đi học ở Bách Thảo, chúng tôi chỉ chủ động cho học sinh tìm hiểu các loài cây trong công viên, vẽ tranh và vui chơi. Nhưng trong công viên có một đàn chim bồ câu trắng rất đông. Chúng rất dạn dĩ nên bọn trẻ có thể đến gần và chơi cùng rất vui. Bọn trẻ phát hiện một con bị thương, chúng đã xúm lại và bế con chim đó về tận nơi người chăm sóc để nhờ giúp đỡ. Tôi nhớ như in những ánh mắt chia sẻ của các học sinh và vẻ mặt mãn nguyện của các phụ huynh có mặt lúc đó. Nếu không cho trẻ ra ngoài thì làm sao có được những giây phút tuyệt vời như vậy.
 
Lại nhớ buổi đi thăm quan hồ Gươm, sau khi bọn trẻ đi vào hiệu sách Kim Đồng để tập chọn và mua sách hay, bổ ích, tất cả ra hồ Gươm dạo chơi. Bỗng cả đoàn dừng lại, tôi nhìn ra phía trước thì thấy một đoàn các thanh thiếu niên tàn tật cũng đang đi tham quan hồ Gươm. Lúc đó tôi mới giảng giải cho học sinh rằng họ là những người kém may mắn hơn chúng ta rất nhiều, vậy mà họ vẫn thật vui vẻ và yêu đời. Chúng ta là những người khỏe mạnh, chúng ta lại càng phải sống vui vẻ và yêu đời hơn. Đúng là "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Nếu không đi như vậy thì chẳng bao giờ có được những trải nghiệm tuyệt vời như thế.

Và không biết từ bao giờ, cả cô và trò chúng tôi, lúc nào cũng mong ngóng đến ngày thứ 7 để được đi và học ngoài trời như thế. Ước mơ của tôi đang được thực hiện và bước đầu đã thành công. Để có được điều đó không chỉ có sự cố gắng và tâm huyết của những giáo viên như chúng tôi, mà còn có công rất lớn của các vị phụ huynh đã tạo điều kiện về cả vật chất lẫn tinh thần cho cả cô và trò, có công của cả những cộng tác viên cũng là những giáo viên yêu nghề, yêu trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện thật tốt ước mơ này để việc dạy học thực sự không phải là nhồi nhét vào một cái thùng rỗng, mà là thắp sáng lên những ngọn lửa khát khao tri thức trong mỗi chủ nhân tương lai của đất Việt.

Nguyễn Dịu
Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương-Hà Nội