Nhiều ý kiến quanh vụ công dân đầu tiên kiện CSGT

(Dân trí) - Qua sự việc công dân đầu tiên của Việt Nam kiện CSGT, nhiều người liên tưởng ngay đến vụ “ầm ĩ” giữa HLV Lê Minh Khương và Hãng hàng không quốc gia Vietnam airline... Bởi cả hai đều là những công dân đầu tiên khiếu kiện cơ quan công quyền.

Rất đáng khen, mặc dù chưa thu được kết quả nhưng những người như anh Đông thật là người dũng cảm vì đã có cố gắng trong việc cải thiện cuộc sống của người dân” -   huync1978: huync1978@gmail.com   

 

Điểm giao cắt giữa hai đường không phải là ngã ba thì là ngã gì? Hiệu lực của biển cấm đỗ bắt đầu từ nơi đặt biển tới ngã ba, ngã tư tiếp theo. Vì vậy, kể cả có biển cấm ở đầu đường thì tới ngã ba đó cũng hết hiệu lực. Trong trường hợp này ông Đông không có lỗi gì cả. Chúng tôi là dân Hà Nội không có nghĩa là chúng tôi phải thuộc 56 tuyến phố văn minh, và chúng tôi cũng không thể thuộc nổi. Nếu chúng tôi phải thuộc biển vì hàng ngày đi qua tuyến đường đó, tại sao trường hợp những tuyến đường mới đặt biển cấm, chúng tôi vi phạm lại không bỏ qua cho chúng tôi vì chưa quen đường, mà lúc đó CSGT lại nói rằng đi xe phải nhìn biển? Tôi ủng hộ ông Đông kháng cáo lên cấp cao hơn!” - Lê văn Thắng: future_await@yahoo.com  

 

Tôi ủng hộ ông Đông. Không thể nói 'ông Đông thường xuyên đi qua tuyến đường này nên phải biết hết các biển báo'. Người làm ra quy định luật làm không đúng lại đổ lỗi cho người thi hành là sao? Tôi thấy nhiều cán bộ của chúng ta vẫn mắc một bệnh trầm trọng khi mắc lỗi, đó là đổ lỗi cho người khác: 'Lý giải về việc này, bị đơn lại cho rằng, trách nhiệm cắm biển báo thuộc Sở GTVT, công an không phải đơn vị đi cắm biển'. Cơ quan chức năng làm việc vì nhân dân mà lại không tự biết thông báo để ngành khác khắc phục sai lầm là sao...” - the death: batca08@yahoo.com   

 

Với những phân tính cùng sự hiểu biết của những người hiểu luật, không ít bạn đọc đã đưa ra nhiều ý kiến:

 

Vấn đề đầu tiên Luật là trên hết, tất cả các cái khác phải tuân thủ Luật. Vấn đề thứ hai là hình như công an chỉ muốn có những "cái bẫy" để dề bề có lý do xử phạt.... Lẽ ra họ cần có trách nhiệm yêu cầu đơn vị có trách nhiệm cắm biển ở những nơi xe có thể đi vào đường cấm, nhằm nhắc lại để người tham gia giao thông biết mà không vi phạm. Nhưng có lẽ cứ để như vậy mới có nhiều người bị như ông Đông, nhất là người không quen đường hoặc ở tỉnh ngoài về. Thứ ba là trách nhiệm của đơn vị cắm biển, nếu ông Đông phải nộp tiền và xin lỗi (mà điều này  đâu phải ông Đông sai) thì đơn vị cắm biển phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Hy vọng khi ông Đông kháng án thì phiên tòa tới sẽ được xử một cách thấu tình đạt lý...” - Nguyễn Đức Tá: ndt.hdg@gmail.com  

 

Trong luật giao thông, đi xe ô tô gặp phía trước có biển báo cấm, người lái xe phải tuân thủ chấp hành khi xe tiến lên phía trước. Trường hợp bạn rẽ sang một đường khác mà ở ngã 3 nghã 4 đó không có biển cấm phía trước, người lái xe có được phép dừng là đúng luật” - Đoàn: doanpdong@yahoo.com.vn
 
Nhiều ý kiến quanh vụ công dân đầu tiên kiện CSGT - 1

Ông Nguyễn Đức Đông quyết làm rõ sự việc đến cùng (ảnh: P.Thảo)

 

Dù ông Đông có sai, nhưng theo tôi nghĩ quy định luật cũng nên rõ ràng như ý kiến của ông Đông đưa ra. Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài hoặc là tại các ngã ba, ngã tư có xe đi vào đoạn đường ấy, thì các biển cấm phải được đặt nhắc lại. Nếu không có biển cấm thì người lưu thông sẽ không biết và hiểu đoạn đường đó không cấm. Như đại diện VKS tham gia phiên tòa nhận định: ông Đông thường xuyên đi qua tuyến đường này nên phải biết hết các biển báo. Nhưng nếu là người chỉ mới đi qua một vài lần thì sao, người ta không thể quan sát một cách như vậy. Một số quy định LUẬT của ta KHÔNG SAI, NHƯNG HAY LÀM NGƯỜI THỰC HIỆN HIỂU THEO NHIỀU Ý” - nguyen anh thuong: yomi192000@gmail.com  

 

Việc cắm các biển báo thiếu minh bạch và không rõ ràng tràn lan và gây lãng phí rất nhiều hiện nay. Người tham gia giao thông đôi lúc không hiểu sao mình vi phạm luật tham gia giao thông nữa. Cách giải thích “Công an không phải đơn vị đi cắm biển” tôi thấy vô lý và thiếu trách nhiệm... Nếu không phải ông Đông mà là người ít điều khiển phương tiện giao thông trong thành phố, thì liệu cách giải thích của quý toà án như trên có chấp nhận được không? Thật không hiểu được lập luận lý lẽ của tòa án này?”- Người Dân: pkt.tvt@gmail.com  

 

Theo tôi ông Đông đúng, cảnh sát GT phạt ông Đông là sai vì không có biển cấm dừng, cấm đỗ thì làm sao mà phạt được. Bất luận cơ quan nào được giao nhiệm vụ cắm biển thì cũng phải thực hiện theo Luật giao thông. Cho nên trong những trường hợp như thế này thì CSGT chỉ nên nhắc nhở để mọi công dân chấp hành cho đúng” - Nguyễn Ngọc Đề: detai1967@yahoo.com

 

Theo tôi, ở đây chúng ta nên phân tích về sự đúng sai của các bên, chứ không nên nói theo kiểu “có 800 nghìn thì kiện làm gì?”. Theo tôi, ông Đông kiện CA quận Cầu Giấy là sai vì CA chỉ xử phạt, còn GTCC mới là đơn vị cắm biển. Nếu kiện thì kiện ngành GTCC chứ không phải CA. Đi ở đường Phan Văn Trường ra rẽ phải mà không có biển thì ông Đông cho rằng mình đúng là có lý, vì đường Phan Văn Trường là một tuyến phố. Đại diện của VKS nói như kiểu cho vui chứ không có vẻ dùng luật để nói” - Nguyên Nam: volantsd@yahoo.com

 

Không có biển báo nhắc lại thì phạt lỗi gì? Giao thông công chính cắm thiếu biển thì lấy cơ sở đâu để phạt? Xử như vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi là không đúng. Nếu cứ không dám nhìn thẳng vào sự thật thì bao giờ xã hội mới khá lên được. Bác Đông kiên cường theo đến cùng không phải vì 800k, mà là công lý cần sự công bằng cho xã hội...” - Trần công: congtq@nhuanpht.com.vn  

 

Có quy định nhưng không có hướng dẫn đầy đủ, cụ thể để người dân thực hiện. Theo tôi: 1- Sai từ cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc hướng dẫn thi hành (ở đây là chưa cắm biển báo đầy đủ, rõ ràng, cho mọi hướng đi đến đều dễ dàng nhìn thấy). 2- Tòa án xử máy móc, xa rời thực tiễn... Như vậy làm người dân cảm thấy cơ quan công quyền bênh vực lẫn nhau, chứ không phải làm theo pháp luật. 3- Người lái xe sai do nguyên nhân của bên bị đem lại, lỗi ấy bên bị phải chịu trách nhiệm” - Đồng Hoàng: hoangdong@yahoo.com

 

Sao tòa lại căn cứ vào chi tiết "ông Đông là công dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, được cấp giấy phép lái xe từ năm 2007 nên khi tham gia giao thông phải tuân theo luật giao thông đường bộ, các biển báo giao thông đường bộ. Như đại diện VKS tham gia phiên tòa nhận định ông Đông thường xuyên đi qua tuyến đường này nên phải biết hết các biển báo", để rồi phạt ông. Nếu không phải ông Đông đỗ xe mà là một ông Tây nào đó người miền Nam, không biết đó là "một trong số 56 tuyến phố văn minh" thì tòa có phạt ông khi ông Tây đỗ xe hay không? Không lẽ với cùng một tình huống đỗ xe như nhau mà ông Đông bị phạt còn ông Tây thì không, tòa phải xử theo chứng lý chứ.

 

 Còn công an nói giao lộ giữa 2 tuyến phố mà không phải là ngã ba thì bó tay rồi, vậy xin hỏi thế nào thì được gọi là ngã ba. Theo tôi được biết ngã ba là điểm mà ở đó có thể đi ra ba hướng khác nhau, vậy giao lộ giữa 2 tuyến phố không phải ngã ba thì là gì?” - Nguyễn Hùng Anh: demen3_8@yahoo.com 

 

Nếu luật là duy nhất dành cho tất cả công dân bắt buộc phải tuân theo, thì việc khởi kiện của ông Đông hoàn toàn đúng luật. Qua vụ án này, tôi thấy năng lực của cơ quan tố tụng là yếu kém.

 

 Ví dụ: bị đơn nói "trách nhiệm cắm biển báo thuộc Sở GTVT, công an không phải đơn vị đi cắm biển" - như vậy là không hiểu luật, mà chỉ hiểu một quy định ngoài luật đó là "vì tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy nằm trong số 56 tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường theo quyết định 2053 của UBND TP. Hà Nội. Biển cấm đỗ đã được cắm tại 2 đầu đường". Vô tình, một quyết định của TP lại làm thay đổi cơ bản một nội dung của luật Giao thông. Nếu TP ra văn bản này thì phải dựa trên quy định của luật, nghĩa là phải cắm biển đúng như trong luật quy định. Người thi hành luật pháp phải tuân thủ các quy định của luật, chứ không phải tuân thủ quy định 1 quyết định không năm trong luật. Vậy thì quyết định xử phạt 800.000đ là dựa theo cái gì?

Thứ 2: "CA quận Cầu Giấy khẳng định điểm giao giữa đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy không phải là… ngã ba." - nếu đường giao nhau không phải là ngã 3 thì là ngã tư, ngã 5 ... Rất nhiều ngã chứ không thể là không có ngã, nếu không phải ngã thì nó sẽ giao nhau với cái gì
?” Lê Văn Phú: phutedco4@yahoo.com 

 

Thiết nghĩ Luật pháp là nơi mang lại sự công bằng cho người dân vì thế dù là “vua hay dân thường” đi chăng nữa nếu vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử ngang nhau.

 

Qua sự việc của HLV Lê Minh Khương cũng như của ông Nguyễn Đức Đông cho thấy phần lớn người dân thường hay có trong tư tưởng ngại va chạm, ngại mất thời gian nên đã tạo nhiều tiền lệ xấu cho xã hội.

 

Chúng ta hãy từ bỏ lối suy nghĩ “con kiến mà kiện của khoai” hay “trứng chọi đá” đó cũng là nghĩa vụ của một công dân như ý kiến của độc giả với nickname lazy_man: Lazy_man00@yahoo.com:

 

Chúng ta đang sống trong một xã hội tiến tới sự văn minh bình đẳng, chỉ vì tư tưởng ngại va chạm nên cái gọi là: “con kiến mà kiện củ khoai” vẫn tồn tại tới ngày hôm nay. Cá nhân tôi ủng hộ việc ông Đông đi kiện, và việc bồi thường của cơ quan chức năng khi xử phạt sai phải được thực thi minh bạch...”.

 

Bách Linh
(tổng hợp)