Nhiều uẩn khúc trong phiên tòa “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” tại Thanh Hóa!

(Dân trí) - Cho rằng Chủ tịch UBND xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cùng một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ lập hồ sơ đất sai thời điểm khiến cho số tiền đền bù lớn hơn gây thất thoát tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, trong vụ việc này, luật sư khẳng định ngoài việc nhiều tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

TAND huyện Tĩnh Gia vừa đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với nhiều cán bộ UBND xã Hải Yến. Trong đó, bị cáo Trần Văn Quân, nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất bị tuyên phạt 8 năm tù giam.

Chưa đủ cơ sở kết tội?

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2013 xã Hải Yến đã tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm kê đền bù, thu hồi giải phóng mặt bằng cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn trên địa bàn xã.

Các bị cáo Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã, Hoàng Giáp, cán bộ địa chính xã cùng các cán bộ khác như Lê Quang Vịnh, Lê Thị Luận, Vũ văn Vui, Lê Hữu Lợi, Lê Thị Loan và Vũ Thị Duyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thất thoát tiền nhà nước. Ông Quân là người chịu trách nhiệm về việc xác định nguồn gốc đất để áp dụng chính sách đền bù.

Trong vụ án, có phần gây thất thoát tiền Nhà nước hơn 4,6 tỷ đồng liên quan đến thôn Đông Yến. Đây là khu đất trang trại chăn nuôi thuộc HTX Hải Yến cũ giải thể sau năm 1980. HĐXX cho rằng bản thân ông Quân có thời gian công tác lâu năm, giữ một số các vị trí chủ chốt của xã từ những năm 1990-1994 là xã Đội trưởng, từ năm 1995 -2009 là Phó Chủ tịch và Trưởng Công an xã; từ năm 2009-2015 là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND nên phải biết đất đó có trước hoặc sau năm 1980.

HĐXX cho rằng ông Quân căn cứ vào cuốn Lịch sử Đảng bộ để xét duyệt thì phải biết đất đó có sau năm 1980 chứ không phải có trước. Thế nhưng, ông Quân vẫn làm tờ trình đất khu trang trại có trước năm 1980 để người dân được hưởng tiền đền bù cao.

Từ căn cứ trên, HĐXX khẳng định ông Quân biết rõ tại khu đất trại chăn nuôi có từ sau năm 1980 nhưng vẫn chỉ đạo hội nghị xét duyệt bỏ phiếu cho 19 hộ xác nhận đất thời điểm trước năm 1980 để các hộ dân được nhận đền bù cao hơn không đúng quy định gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng của Nhà nước.

Đáng nói, tại phiên tòa xét xử, ông Quân cho biết đi bộ đội từ năm 1975 -1990 lúc trở về địa phương thì khu vực đất tại trại chăn nuôi thuộc khu đất của HTX Hải Yến cũ đã có dân cư ổn định nên bản thân ông không thể biết đất đó có trước hay sau 1980.

Khu dân cư mới xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) – nơi hàng nghìn hộ dân chuyển đến sinh sống để nhường đất cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Khu dân cư mới xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) – nơi hàng nghìn hộ dân chuyển đến sinh sống để nhường đất cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, xã Hải Yến không có bất kỳ tài liệu nào, bản đồ hay sổ mục kê để theo dõi diễn biến về đất và trước khi tiến hành họp xét nguồn gốc đất, địa chính xã không báo cáo việc đất đó có trước hay sau 1980.

Bởi thế nên khi tiến hành họp xét nguồn gốc đất, các lãnh đạo qua các thời kỳ, cũng có nhiều ý kiến nhưng phần đa số đều cho rằng đất đó có trước năm 1980. Kết thúc hội nghị, tất cả đều bỏ phiếu đất có nguồn gốc trước năm 1980. Từ cơ sở trên, ông Quân làm tờ trình gửi lên huyện để UBND huyện Tĩnh Gia thẩm định gửi UBND tỉnh.

Đáng nói, HĐXX lấy cơ sở là ông Quân nằm trong Ban biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ nhưng trên thực tế, ông Quân không nằm trong ban này. Ngoài ra, HĐXX căn cứ việc xét nguồn gốc đất dựa trên cuốn lịch sử Đảng bộ tuy nhiên, cuốn lịch sử Đảng bộ xuất bản năm 2015 còn xét nguồn gốc đất từ năm 2013.

Ông Trần Văn Quân cho biết: “Bản thân tôi nhận thấy trong vụ việc này, đất tại trang trại chăn nuôi thuộc khu đất của HTX Hải Yến cho đến thời điểm này vẫn chưa đủ cơ sở để xác định có trước hoặc sau năm 1980. 19 hộ dân vẫn làm đơn kiện vì cho rằng họ được nhận tiền đền bù đất đó với mức giá đất trước năm 1980 là hoàn toàn đúng.

Hơn nữa, nếu đất đó có sau năm 1980 thì bản thân tôi mang tội nhưng là tội không biết nên mới để xảy ra sai phạm vì khi làm tờ trình lên cấp trên đã làm đúng quy trình, việc xét duyệt được công khai minh bạch. Toàn bộ 100% người trong Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất đều bỏ phiếu cho rằng đất đó có trước năm 1980. Tôi không vì tư lợi cá nhân, hay cá nhân tự phê duyệt để các hộ dân được hưởng tiền Nhà nước sai quy định. Bản thân tôi để xảy ra sai phạm đến đâu tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó, chỉ mong HĐXX xử đúng người đúng tội”.

Lãnh đạo huyện có vô can?

Đáng nói, để 19 hộ dân nhận tiền sai quy định tại xã Hải Yến, phải qua quá trình xét duyệt ở xã sau đó xã làm tờ trình lên huyện để huyện thẩm định và chuyển lên tỉnh.

Cụ thể Phòng TN-MT huyện Tĩnh Gia và Chủ tịch UBND huyện này có trách nhiệm thẩm định việc làm trên. Thế nhưng, tại bản án của phiên tòa xét xử sơ thẩm không thấy UBND huyện Tĩnh Gia có liên đới trách nhiệm. Tại phiên xử sơ thẩm, không có bất kỳ cán bộ, lãnh đạo nào của UBND huyện Tĩnh Gia tham gia.

Theo ông Quân, bản thân là người đứng đầu 1 xã thực hiện nhiệm vụ làm tờ trình sau khi đã họp lấy ý kiến của ban kiểm kê giải phóng mặt bằng, còn người thẩm định việc đó có đúng hay không là do Phòng TN-MT và Chủ tịch UBND huyện, còn ký quyết định cuối cùng để dân nhận tiền là Chủ tịch UBND tỉnh, nên xét xử mình ông chịu tội là chưa đúng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Hợp Danh The Light (Thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Ông Quân không hề biết rõ nguồn gốc sử dụng đất của 19 hộ dân tại khu vực trại chăn nuôi cũ có nguồn gốc sau năm 1980 nên ông Quân đã căn cứ kết quả bỏ phiếu dẫn đến xác định sai thời điểm sử dụng đất của 19 hộ dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Quân không có một mục đích vụ lợi nào cho bản thân và gia đình”.

Cũng theo luật sư Hưng thì một số căn cứ để HĐXX luận tội ông Quân trong số tiền hơn 4,6 tỷ cần phải được làm rõ, tại sao HĐXX căn cứ vào việc ông Quân nằm trong Ban biên tập cuốn lịch sử Đảng bộ trong khi ông Quân không phải nằm trong ban này hay việc cho rằng ông Quân khi xét nguồn gốc đất dựa trên cuốn lịch sử Đảng bộ nhưng cuốn này xuất bản năm 2015 còn việc xét duyệt diễn ra năm 2013; ngoài ra không thể quy chụp cho ông Quân là cán bộ qua một số thời kỳ thì ông Quân phải biết đất đó có nguồn gốc trước hay sau năm 1980…

Luật sư Hưng cũng khẳng định không thể có chuyện cán bộ xã nhận án tù liên quan đến đền bù giải phóng đất đai mà lãnh đạo huyện lại vô can.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Bình Minh