Nhiều người còn “quên” đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy

Sau gần 3 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cho đến nay quy định đó vẫn chưa trở thành nếp sống mà nhiều người còn xem thường, nhất là thanh niên, coi đó là “chuyện vặt”, cho nên dễ “quên”!

Nhiều người còn “quên” đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy - 1
Mũ bảo hiểm để “bảo vệ”… đầu gối
Theo nghị quyết 32/CP của chính phủ, từ 15 tháng 12 năm 2007, bắt buộc mọi người ngồi trên môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ. Lúc đầu, qua việc tuyên truyền, vận động cũng như sự tăng cuờng kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, ý thức đội mũ bảo hiểm của người dân đã được nâng lên rõ rệt thể hiện ở tỉ lệ người chấp hành chủ trương đúng đắn này đã tăng lên đáng kể so với trước thời điểm 15/12/2007. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, gần đây lại thấy hiện tượng nhiều người, nhất là thanh niên, khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hiện tượng này càng tăng lên đáng kể  vào ban đêm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đây là điều rất đáng quan tâm và cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời bởi vào ban đêm mặc dầu lưu lượng người tham gia giao thông có giảm hơn nhưng điều kiện ánh sáng không thể như ban ngày. Việc hạn chế tầm nhìn cùng với những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác khiến cho tình hình tai nạn giao thông vào ban đêm đang có chiều hướng gia tăng.

Hiện tượng người tham gia giao thông không tự giác đội mũ bảo hiểm vào ban đêm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết do thói quen của đa số người tham gia giao thông đặc biệt là tâm lý giới trẻ ngại sử dụng mũ bảo hiểm mặc dầu đây là đối tượng chính tham gia giao thông vào ban đêm. Thói quen trên cộng với tâm lý chủ quan dẫn đến phóng nhanh vượt ẩu và tai nạn giao thông rất có thể xảy ra.

Một nguyên nhân quan trọng khác, vào ban đêm công tác kiểm tra xử lý của cảnh sát giao thông có phần buông lỏng so với ban ngày. Số lượng các chốt kiểm tra và cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ cũng ít hơn. Việc xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để cộng với thói quen ngại sử dụng mũ bảo hiểm vào ban đêm tạo nên sức ỳ tâm lý cho người dân.

Người dân cần lựa chọn những hiếc mũ đúng quy cách, đảm bảo chất lượng để sử dụng

Nếu như trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, số người tham gia giao thông chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm chiếm tỉ lệ khá cao thì trên các tuyến đường liên thôn, liên huyện, sô người chấp hành chủ trương đúng đắn này còn thấp, chỉ mới khoảng từ 40%-50%.

Nguyên nhân của tình trạng trên một mặt do thói quen, tâm lý cố hữu bấy lâu nay của người dân: ngại sử dụng mũ bảo hiểm khi lưu thông trên những đoạn đường ngắn, tâm lý chủ quan cho rằng khó có thể xảy ra tai nạn trên những tuyến đường này do mật độ người tham gia giao thông ít. Công tác tuyên truyền, đôn đốc ở thôn xóm, khối phố, phường xã còn nặng về hình thức.

Mặt khác, việc xử lý người vi phạm gặp nhiều khó khăn do chế tài xử lý chưa đồng bộ, nghiệp vụ tuần tra, xử lý còn nhiều hạn chế do tâm lý nể nang của những người thực thi nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát…

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để tự bảo vệ mình trước những tai nạn có thể xảy ra

Để khắc phục những tình trạng trên, về phía người tham gia giao thông cần điều chỉnh nhận thức của mình trong thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm không kể ban ngày hay ban đêm. Mỗi người khi đi xe máy ra đường cần thấy rằng việc đội mũ bảo hiểm vừa tạo phong thái tự tin vì không vi phạm quy định của pháp luật vừa là biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ bản thân.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, nhất là vào ban đêm, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Để nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện, cần có chế tài xử lý triệt để những người vi phạm đồng thời có những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với những người thực thi nhiệm vụ, nhất là ở các thôn xóm, khối phố.

Trong tình hình hiện nay, khi ý thức chấp hành chủ trương đội mũ bảo hiểm của người dân đã được cải thiện, nghị quyết 32 của chính phủ đã thu được những kết quả tích cực ban đầu, các cấp, các ngành chức năng, các cơ quan truyền thông báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xử lý, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hay “đầu voi đuôi chuột”.

Bùi Minh Tuấn

(Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)

LTS Dân trí - Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là biện pháp tự bảo vệ an toàn khi tham gia giao thông. Nhưng tiếc rằng một bộ phân người dân, nhất là ở các vùng ngọai thành hay nông thôn chưa có ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Nhiều thanh niên ở thành phố cũng hay “quên” đội mũ bảo hiểm khi đèo nhau trên xe máy, nhất là về ban đêm, hay đi những đọan đường ít có cảnh sát giao thông tuần tra.

Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, đi đôi với việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của lực lượng tuần tra giao thông, điều quan trọng là mọi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ an tòan giao thông nói chung và tự giác tạo cho mình có thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi đi xe máy dù ban ngày hay ban đêm, có công an kiểm tra hay không. Đấy cũng là nếp sống cần thiết trong xã hội văn minh.