Người nước ngoài môi giới mại dâm ở Việt Nam có bị trục xuất?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, với người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Hình sự còn quy định một hình phạt riêng là trục xuất. Trục xuất có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM (PC02) vừa triệt phá đường dây bán dâm do Son Teaheum (47 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, chủ nhà hàng Luxury Business Club) cầm đầu.

Bước đầu, Son Teaheum khai vì ham lợi nên đã chỉ đạo cho quản lý người Hàn Quốc và một số người phụ nữ Việt Nam điều tiếp viên nữ của nhà hàng đi bán dâm với khách. Việc làm này nhằm mục đích kéo khách, kéo doanh thu hàng tháng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Người nước ngoài môi giới mại dâm ở Việt Nam có bị trục xuất? - 1

Son Teaheum cầm đầu đường dây mại dâm (Ảnh: Thuận Thiên).

Nhằm đối phó việc bị lực lượng chức năng theo dõi, các nghi phạm không tiếp khách Việt Nam mà chỉ tổ chức cho khách người Hàn Quốc vào cơ sở để ăn uống, mua dâm với tiếp viên nữ.

Các nghi phạm liên tục thay đổi phương thức hoạt động mại dâm, thường xuyên tổ chức họp kín, chỉ đạo quản lý, "madam" nhiều phương thức để che đậy hành vi phạm pháp. Ngoài ra, nhóm cầm đầu thường xuyên chỉ đạo, tuyển dụng thêm lực lượng bảo vệ, cảnh giới nghiêm ngặt; thay đổi ký hiệu mua bán dâm trên hóa đơn tính tiền.

Trước thông tin sự việc, độc giả Dân trí thắc mắc: Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không?

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết trong trường hợp này, phía công an sẽ xác minh đối tượng Son Teaheum có thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự hay không, nếu không, thì sẽ vẫn phải chịu hình phạt giống như công dân Việt Nam phạm tội theo pháp luật Việt Nam.

Vấn đề này được nêu rõ tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về vấn đề người nước ngoài phạm tội tại khoản 2 Điều 5 như sau:

"Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao".

Nếu đối tượng Son Teaheum không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

Người nước ngoài môi giới mại dâm ở Việt Nam có bị trục xuất? - 2

Cơ sở Luxury Business Club tại quận 7 (Ảnh: Asher Kim).

Điều 328 Bộ luật Hình sự quy định Tội môi giới mại dâm như sau:

1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Phạm tội 2 lần trở lên;

đ) Đối với 2 người trở lên;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, với người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Hình sự còn quy định một hình phạt riêng là trục xuất. Trục xuất có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong một thời hạn nhất định (theo Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015).

Ngoài ra, trong trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.

Những trường hợp được từ chối dẫn độ quy định tại Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp.