Người lái xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch: Từ thực tiễn cần bổ sung

PV

(Dân trí) - Sáng ngày 21/11, tại Quốc hội, một số đại biểu đề xuất bổ sung quy định đào tạo, sát hạch, sử dụng xe máy dung tích dưới 50 phân khối. Bên cạnh những quan điểm đồng tình cũng nhiều ý kiến trái chiều.

Trong phiên góp ý vào báo cáo hoạt động tư pháp, phòng chống tội phạm tại Quốc hội, sáng 21/11, đại biểu Lý Thị Lan, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã trình bày về vấn đề tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đến từ nhóm người trên 16 tuổi, khi sử dụng xe máy dưới 50 phân khối tham gia giao thông, chủ yếu là học sinh cấp ba, chưa được đào tạo, sát hạch, thậm chí nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Từ đây, bà Lan đề xuất xem xét ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, người lái xe máy dung tích dưới 50 phân khối và các loại xe có kết cấu tương tự.

Người lái xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch: Từ thực tiễn cần bổ sung - 1

Thực tế nhiều học sinh cấp 3 sử dụng xe trên 50 phân khối mà chưa có bằng lái. (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Người điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối chủ yếu là học sinh cấp 3?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi - lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi - lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 59 Luật này quy định về giấy phép lái xe, tại Việt Nam hiện nay có 13 hạng giấy phép, trong đó, bằng hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi - lanh từ 50cm3 đến dưới 175 cm3; bằng hạng A2 được cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.

Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy rằng, một người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối không nhất thiết phải trải qua đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, chỉ cần đáp ứng điều kiện đủ 16 tuổi trở lên.

Do đó, trong thực tiễn, các loại xe máy dưới 50 phân khối hoặc các xe có kết cấu tương tự được sử dụng phổ biến bởi nhóm đối tượng đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, chủ yếu là học sinh cấp trung học phổ thông. Bởi lẽ, nhiều phụ huynh mong muốn giảm bớt thời gian, công sức bằng cách để các con chủ động đi xe đến trường. Mặt khác, việc các em học sinh điều khiển loại xe máy này hoặc các loại xe có kết cấu tương tự khi tham gia giao thông cũng phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm về việc tiết kiệm thời gian, công sức, cũng không ít trường hợp trẻ vị thành niên vi phạm trật tự an toàn giao thông do chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật cũng như kỹ thuật lái xe chưa qua kiểm chứng về khả năng xử lý các tình huống khi lưu thông trên đường.

Những "quái xế" vị thành niên vi phạm trật tự an toàn giao thông!

Như Dân trí đã đưa tin, trong quý IV năm 2023, tại Hà Nội, các tổ công tác của Công an thành phố tăng cường kiểm tra, làm nhiệm vụ và đã xử lý hàng loạt "quái xế" gây náo loạn đường phố trong đêm, phóng nhanh, vượt ẩu trên nhiều tuyến đường.

Theo ghi nhận, các đối tượng bị xử lý đều có tuổi đời rất trẻ, một số trường hợp đang là học sinh cấp ba và chưa có bằng lái xe nhưng vẫn điều khiển xe máy thực hiện các hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện khác và trật tự an toàn giao thông.

Không chỉ riêng Hà Nội, tại Đà Nẵng, khoảng 20h30 ngày 6/11, Công an quận Hải Châu đã tiến hành triển khai lực lượng ngăn chặn một nhóm thiếu niên khoảng 40 người chạy xe máy nẹt bô, bóp còi, lạng lách đánh võng gây mất an ninh trật tự trên đường phố.

Hay tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/11, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự TP. Thủ Đức đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 thiếu niên: N.T.N. (15 tuổi); Đ.H.G.B. (15 tuổi); P.T.L. (13 tuổi) cùng ngụ tại TP. Thủ Đức về hành vi điều khiển xe một bánh đối với xe hai bánh; người chưa đủ tuổi điều khiển xe; xe không có gương chiếu hậu,…N.P.T.A. (8 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) với lỗi chưa đủ tuổi điều khiển xe.

Người lái xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch: Từ thực tiễn cần bổ sung - 2

Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất

Xuất phát từ những vụ việc thực tiễn nói riêng, sự quan tâm của người dân đối với vấn đề trật tự an toàn giao thông nói chung, đề xuất của đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan đang được thảo luận trên nhiều diễn đàn.

Một tài khoản cho rằng: Thắt chặt là đúng, hàng loạt vụ tai nạn xảy ra đều do các em thiếu kiến thức về an toàn giao thông nhưng lại được phép tham gia giao thông ngang hàng với một người lớn.

"Nên có sát hạch, các cháu chạy xe nghĩ xe phân khối nhỏ nhưng nhìn các cháu chạy xe dưới 50 phân khối hay xe điện rất nhanh mà thấy nguy hiểm", một ý kiến bày tỏ. Một bạn đọc khác cũng đồng tình với đề xuất: Đi xe ngoài đường lớn, cũng cần hiểu luật giao thông, kỹ năng xử lý, giờ nguy hiểm hơn xưa. Nên làm.

Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm đồng tình việc nên ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50 phân khối thì cũng không ít ý kiến nói quy định như vậy có thể gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc và chưa phù hợp với thực tiễn.

Các ý kiến này đều cho rằng xe máy dưới 50 phân khối hay các loại xe tương tự có tốc độ không lớn, nguy cơ tai nạn xe không cao như các xe khác. Bên cạnh đó, các trường học đã lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào chương trình phổ thông, cùng với sự dạy bảo của gia đình thì không nên bắt buộc học sinh phải trải qua đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe rồi mới được điều khiển xe dưới 50 phân khối.

Hiện nay, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ vẫn đang được Quốc hội xem xét. Song, trong hai dự luật này đều không có quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép đối với người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối.

Phùng Thảo