Người đi bộ "nóng mặt" vì phải đi dưới lòng đường

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Chiến dịch "dẹp loạn" vỉa hè tại Hà Nội ra quân hồi đầu năm 2023 mặc dù rất rầm rộ, tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều người dân cho rằng tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" đang dần hiện ra rõ rệt.

Theo phản ánh của nhiều người dân và ghi nhận của phóng viên trên các tuyến đường trung tâm của Hà Nội như Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Đê La Thành, Hoàn Kiếm, Mỹ Đình… tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh… tái diễn trở lại.

Lối đi bộ của người dân nghiễm nhiên bị chiếm dụng. Không còn lựa chọn nào khác, dù trời nắng như thiêu như đốt, nhiều người đi bộ vẫn phải "liều mình" đi xuống lòng đường cùng dòng phương tiện đang lưu thông với tốc độ nhanh.

Người đi bộ nóng mặt vì phải đi dưới lòng đường - 1

Vỉa hè dành cho người đi bộ nghiễm nhiên bị chiếm dụng thành nơi để xe và bán rau tại phố Hào Nam.

Ông N.V.T (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Được mấy hôm vỉa hè thông thoáng, sau đâu lại vào đấy. Người già như chúng tôi nhiều lúc không biết đi vào đâu, trong khi trời thì nắng, đường phố xe cộ lại đông như mắc cửi".

Chị V.T.T (Sinh viên ĐH KHTN): "Không hàng quán thì ô tô, xe máy đều dựng chiếm dụng hết vỉa hè, người đi bộ gần như phải đi dưới lòng đường khi mà các phương tiện đi với tốc độ nhanh, rất nguy hiểm".

"Vỉa hè là dành cho người đi bộ nhưng tôi gần như chưa được sử dụng bao giờ, đi dưới lòng đường cứ phải quay ngang quay ngửa đến chóng cả mặt để quan sát xe cộ. Người đi bộ thực sự rất khổ và nguy hiểm", bà A.Q (Hào Nam, Đống Đa) chia sẻ.

"Đường đi đã nhỏ, nhiều hàng quán lại còn ngang nhiên lấn chiếm, khiến con đường luôn trong tình trạng chật cứng, đặc biệt vào chiều tối khi tan tầm việc đi bộ di chuyển quả thật là khổ sở. Ô tô thì đỗ bừa bãi, người đi bộ phải len giữa những khe hở của các xe để đi", chị M.T (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ.

Anh H.A.T (Đê La Thành, Hà Nội) cho biết: "Vì mức phạt còn khá nhẹ nên bất chấp lệnh cấm, nhiều người dân vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra thì họ hô hào nhau cất đồ, vỉa hè lại thông thoáng trở lại, chỉ sau vài phút khi tổ kiểm tra rời đi, hàng hóa lại tiếp tục được bày kín hè".

Người đi bộ nóng mặt vì phải đi dưới lòng đường - 2

Hàng dài xe máy án ngữ trên vỉa hè phố An Trạch khiến người đi bộ bắt buộc phải di chuyển dưới lòng đường.

Bên cạnh đó, theo nhiều người dân, có cung ắt có cầu, nhiều người đi đường vì thế mà thường đỗ xe ngay dưới lòng đường để mua bán, không dừng đỗ xe đúng nơi quy định, làm cho vỉa hè, lòng đường càng thêm chật hẹp. Người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo các chuyên gia, "cuộc chiến" giành lại vỉa hè vẫn sẽ kéo dài và có nhiều khó khăn. Để giải quyết được vấn đề này cần có chính sách đồng bộ và thực sự quyết liệt từ các cơ quan, ban ngành. 

Trước đó, trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã chia 3 mốc thời gian để các địa phương thực hiện việc xóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

Giai đoạn 2, từ ngày 1-31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.

Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 - 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.