Bạn đọc viết:

Nên thay đổi việc ấn định thời hạn sử dụng kết quả kiểm định công chức

PV

(Dân trí) - Việc quy định như vậy sẽ dẫn đến sự bất cập - đó là hiện nay nhiều địa phương không tổ chức thi tuyển công chức thường xuyên, định kỳ hàng năm mà chỉ khi có nhu cầu thì mới tổ chức thi tuyển.

Có thể nói, công tác tuyển chọn người tài, người giỏi vào công tác trong cơ quan nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Bác Hồ từng dạy: "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "muôn việc công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay xấu".

Những năm qua việc tuyển dụng công chức, viên chức đã từng bước đi vào nề nếp nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là tình trạng tiêu cực trong thi tuyển công chức, viên chức.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Theo đó, thay vì phải thi vòng 1 trong kỳ thi tuyển công chức như hiện nay thì người muốn trở thành công chức phải đạt kết quả kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Nên thay đổi việc ấn định thời hạn sử dụng kết quả kiểm định công chức - 1

Ảnh minh họa.

Khi đó, những người đạt kết quả kỳ kiểm định không phải thi vòng 1 mà thực hiện thi ngay vòng 2 khi tham gia thi tuyển công chức ở bất cứ cơ quan, tổ chức nào có nhu cầu tuyển dụng theo vị trí, việc làm. Kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định chất lượng công chức.

Việc tổ chức kỳ kiểm định được giao cho Bộ Nội vụ và kết quả được sử dụng trên phạm vi toàn quốc thay vì giao cho các ngành, địa phương thi tuyển vòng 1 và vòng 2 như hiện nay.

Đây là lần đầu tiên nước ta thực hiện kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Do đó, nếu việc kiểm định đầu vào công chức được triển khai đồng bộ, bài bản, thiết thực sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, nhất là khi hình thức kiểm định bằng thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, cá nhân tôi thấy rằng việc quy định thời hạn sử dụng kết quả kiểm định chưa hợp lý. Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định số 06/2023/NĐ-CP thì: "Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ".

Có thể nói, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến sự bất cập - đó là hiện nay nhiều địa phương không tổ chức thi tuyển công chức thường xuyên, định kỳ hàng năm mà chỉ khi có nhu cầu thì mới tổ chức thi tuyển. Thậm chí, có nơi 2 - 3 năm mới tổ chức một lần, do đó sẽ thiệt thòi cho những người muốn tham gia thi tuyển ở địa phương nơi họ sinh sống hoặc họ muốn làm việc, cống hiến cho quê hương và được gần gũi với gia đình.

Ngoài ra, có thể vì nguyên nhân khách quan mà những người đạt kết quả kiểm định nhưng không thể tham gia tuyển dụng công chức trong thời gian 24 tháng như không có điều kiện đi thi địa phương khác, xa nhà. Do đó, theo tôi Bộ Nội vụ nên tham mưu Chính phủ quy định, sau khi đạt kết quả kiểm định thì người đó được phép tham gia thi tuyển công chức không quá 3 lần, trong thời hạn 5 năm.

Điều này vừa hợp lý, khoa học, vừa nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người đạt kết quả kiểm định mà vì lý do nào đó mà chưa thể tham gia thi tuyển công chức trong thời hạn 2 năm.

Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho người đạt kết quả kiểm định sắp xếp, bố trí thời gian phù hợp để tham gia các kỳ tuyển dụng công chức. Bên cạnh đó, giúp họ có thời gian lựa chọn ngành, nghề, lĩnh vực và địa điểm công tác phù hợp với bản thân, gia đình.

Đặc biệt, sẽ phát huy tối đa những ưu điểm, tiến bộ khi triển khai kiểm định chất lượng đầu vào công chức, nhất là thu hút được người có đức, có tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị.

                                         Luật gia Phạm Văn Chung