Mùng Một Tết cha, mùng hai Tết Mẹ…

(Dân trí) - Tết năm nay thời tiết đúng là như mơ. Làn nắng ấm báo hiệu mùa Xuân bắt đầu đẩy lùi giá rét kể từ sau đêm giao thừa. Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ… Chồng là con trưởng nên năm nào gia đình tôi cũng chọn quê nội làm hướng xuất hành.

 
Mùng Một Tết cha, mùng hai Tết Mẹ… - 1
Giếng làng (ảnh minh họa từ VOV.vn).
 
Gốc gác nhà chồng tôi là từ một làng nhỏ gần núi Đôi. Xe chạy lướt qua hai ngọn núi nho nhỏ bao đời nay như cứ muốn ngả vào nhau ấy chưa được bao lâu, đã thấy hiện ra cái giếng đất quen thuộc đầu làng.

 

Nhớ cái Tết năm xưa khi  mẹ chồng còn sống. Bà dẫn bầu đoàn con cháu về tết quê nội. Dáng bà cao lớn,  rất nổi với chiếc áo dài nhung, quần xa tanh trắng, nhưng cũng khá ấn tượng với đôi ủng cao su dận dưới chân vì đường làng quá lầy lội.

 

Làng quê chồng tôi nghèo lắm, thủa ấy chẳng mấy nhà có giếng khoan, nhà trần đúc bê tông, tường hoa sân gạch như bây giờ. Bù lại, cái giếng đất đầu làng nước trong veo sáng sáng, chiều chiều luôn tấp nập các bà, các cô, các chị, các em ra gánh nước sạch về ăn. Còn nước rửa ráy, giặt giũ chủ yếu trông vào ao riêng của mỗi nhà.

 

Nay làng xóm đã khang trang, đường bê tông tới từng ngõ, nhà ai cũng xây cao ráo, sạch sẽ cả rồi. Nhưng chùa làng thì vẫn giữ nguyên dáng cổ xưa, trầm mặc. Mỗi lần xách đồ lễ, vàng hương  bước vào cái sân gạch nho nhỏ, cũ kỹ, rêu phong, thoảng hương hoa lan, hoa mộc lẫn hương trầm, là lòng tôi lại chùng xuống trong một cảm giác man mác buồn nhớ vô định.

 

Cũng nẻo đường về quê, nhưng phố Thắng, Bắc Giang lại tấp nập, sôi động chẳng kém gì thành thị. Nhiều người dân nơi đây, trong đó có đại gia đình quê ngoại chồng tôi, từ lâu hầu như đều đã chia đôi: một nửa vẫn bám ruộng giữ đất, nửa kia xê dịch dần ra bám hai bên trục đường chính, chủ yếu lo kinh doanh, nuôi con cái ăn học.

 

Chẳng cần báo trước, Tết nào các dì, các cậu cũng đã chu tất  mâm cao cỗ đầy đón các cháu con nhà chị cả (mẹ chồng tôi). Lần nào về đây, các con tôi cũng đều rất thích thú bởi được các anh lái xe chở vèo vèo khắp các bờ kênh, bờ ruộng thăm thú đồng quê. Trưa trưa trở về những ngôi nhà khang trang rộng rãi, hiên nhà nào trông cũng rất bắt mắt với bên trên lúc lỉu những chùm ngô vàng ruộm hoặc ớt đỏ tươi,  dưới sàn chất đầy cải bắp, su hào, khoai tây, khoai lang. Ngoài sân gà vịt chạy tung tăng.  Trong chuồng thì nào lợn  tranh ăn kêu inh ỏi, nào trâu bò mình khoác chăn ấm, chân “đi giày” nilon ấm áp nhàn tản vẫy đuôi…

 

Bữa cỗ tết thật đông vui, nhộn nhịp. Họ nhà chồng đông con, nhiều cháu, ai cũng cao lớn, ăn như rồng cuốn, nói cười rổn rảng. Mấy cái nồi cơm điện to đùng cộng thêm mỗi  mâm một đĩa bánh chưng cũng to không kém. Những đĩa thức ăn đầy ắp, chủ lực là các loại giò nhà làm, gà luộc vàng nhẫy, cùng món bất di bất dịch không thể thiếu được là thịt ba chỉ luộc chấm mắm tép đỏ au do đích thân các dì “ra tay”ăn kèm rau xà lách sạch… Tất cả chẳng mấy chốc đã sạch bách. Rồi những đĩa bánh  mứt kẹo quà Hà Nội, cùng nào mía, nào chuối, nào cam… Chiêu cùng vài tích nước chè xanh, cũng nhanh chóng hết veo. Nhìn mọi người ăn uống vui vẻ, thoải mái như vậy quả là thích!
 
Mùng Một Tết cha, mùng hai Tết Mẹ… - 2
Chợ quê (ảnh minh họa từ internet).
 

“Quê bố tuyệt thật!” - Cuối năm nào các con tôi cũng nắc nỏm nhắc nhở, để lại được về quê, được khám phá bao điều vô cùng giản dị mà cũng rất thú vị. Quan trọng nhất là chúng cũng như vợ chồng tôi luôn cảm thấy ấm lòng khi được hòa mình trong cuộc sống yên ả, thấm đẫm tình người, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Những điều bình dị đó, ở thành phố bây giờ khó có được lắm.

 

Tết này, đường về quê có phần kém sắc màu vì những luống hoa trồng hai bên đường ít nở. Nhưng đâu đây đã vẳng tiếng chim hót ríu ran, tiếng trống  rộn rã báo hiệu những đám hội làng mở sớm Và tuyệt nhất là lại được trải tầm mắt qua  lớp lớp màu xanh của rau quả, của những thửa mạ vừa kịp hồi lại chờ cấy…

 

Hương đồng gió nội đây rồi! Quê cha đất tổ đây rồi! Cội nguồn gắn bó của  mỗi con người chúng ta. ‘Quê  hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người…”

 

Thanh Nguyễn