Tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học:

Mục tiêu giáo dục, cách dạy và học còn nhiều bất hợp lý

Bài của thầy Trần Quang Đại đã phân tích và đưa ra một số giải pháp thiết thực cho vấn đề này. Ở đây tôi muốn đưa thêm một số ý kiến mà tôi đã suy nghĩ cũng như cảm nhận qua quá trình học tập của bản thân.

Tôi là một sinh viên mới tốt nghiệp thạc sĩ ở Nhật, chưa làm về giáo dục nên nếu những suy nghĩ của tôi phiến diện haykhông hợp lý trong điều kiện hiện nay thì mong mọi người góp ý thêm.

Trước hết, ta hãy giả sử có một học sinh (HS) giỏi của nước ngoài đến học một năm tiếng Việt rồi vào học chung với HS phổ thông hay đại học của Việt Nam thì anh ta có học nổi không? Anh ta sẽ dễ dàng chết đuối trong những môn thuộc lòng hoàn toàn của ta như Sử, Địa, GDCD, các đoạn văn…Còn nếu học ở đại học thì những môn “khó nhằn” là Triết, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Môi trường, v.v…, thậm chí môn Vật Lý cũng khiến anh ta cũng ngợp khi đề thi Đại học yêu cầu phải học thuộc một lượng lý thuyết đồ sộ (cá nhân tôi đã phải “nhằn” không dưới 1 tháng). Thói quen học tập ở của anh ta không cho phép quay cóp hay đi học thêm, luyện thi để mong trúng tủ.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ngược lại, một HS Việt Nam sang nước ngoài vẫn học tốt, vẫn có cơ hội cạnh tranh tương đối ngang bằng với sinh viên bản địa mặc dù ngoại ngữ luôn là vấn đề trở ngại. Như vậy đã rõ chương trình của ta nặng, lại nặng không đúng chỗ cần thiết.

Theo tôi, mục tiêu giáo dục cũng như cách dạy và học ở Việt Nam còn nhiều điều bất hợp lý. Đã lâu nay, HS phải học thuộc một đoạn văn, học thuộc một giai đoạn lịch sử với nhiều chi tiết ngày tháng, địa điểm rất khó nhớ, làm bài tập Toán như một thói quen ráp công thức đã học, hay theo đúng bài mẫu thầy đã dạy. Để rồi thi xong ta lại quên hết, có muốn nhớ cũng không được vì bộ não con người không phải là ổ đĩa cứng máy tính, mà ổ cứng máy tính đi nữa nếu bị dùng nhiều quá cũng hư hỏng đi. Hay khi đề bài ra hơi khác một ít so với những gì thầy đã chép lên bảng là HS bối rối ngay. Trong lần thi tuyển học bổng đi Nhật năm đó, đề thi rất căn bản nhưng rộng và hơi lạ làm một số sinh viên thuộc top trên của các trường đại học cũng không đạt yêu cầu - điều này khiến tôi cảm nhận có một sự hụt hẫng trong giáo dục phổ thông ở ta.

Giải quyết vấn đề này thực sự khó khăn vì nó đụng đến chương trình dạy cũng như nhân tố quyết định là các giáo viên phổ thông, đặc biệt là cấp 1, cấp 2. Tôi không có trình độ để trình bày chi tiết việc này nhưng xin gói gọn lại là xin hãy dạy phương pháp suy luận để làm được bài Toán, chứ không phải chép bài giải và đáp án lên bảng.

Khi dạy một vấn đề, một công thức nào đó nên chỉ ra nó có ích gì, được ứng dụng vào những lĩnh vực nào và cách vận dụng như thế nào để gây hào hứng cho HS, chứ không biến HS thành những cái máy chỉ biết giải vô số bài đạo hàm, tích phân mà không hiểu tích phân để làm gì, các bài tích phân đó sinh ra từ đâu, vì sao mình phải giải quyết nó? Khi đọc đề bài ta nên làm gì để nắm được yêu cầu của đề ra, ta có trong tay dữ liệu gì, phân tích dữ liệu thế nào để có các hướng giải quyết và cuối cùng hướng đúng là gì, cần phải áp dụng "công thức nguồn" nào. (Tôi nhấn mạnh "công thức nguồn" vì không ai có thể nhớ hết các công thức chi tiết, ta chỉ nên nhớ một số cái chính và phương pháp biến đổi tạo ra các công thức chi tiết).

Ở các môn học khác cũng nên như vậy. Đề thi chỉ tập trung vào nhớ một số ý chính, căn bản nhất, có ý nghĩa cho cuộc sống. Ví dụ một đề thi Sử ở Nhật mà tôi từng thi chỉ là điền vào ô trống của một đoạn viết về lịch sử, những mốc lịch sử, những địa danh, hay sự kiện nổi tiếng, không đòi hỏi HS phải nhớ nguyên một quyển sách như ta (Việc điền vào chỗ trống tốt hơn trắc nghiệm vì phải tự nghĩ ra đáp án, nên không “ăn may” được). Mà thực tế cuộc sống cho thấy chỉ cần nhớ những điều căn bản như vậy là được, chi tiết có thể tham khảo những quyển sách về chủ đề đó.

Nếu làm được như vậy, HS sẽ thấy thú vị hơn, đồng thời tự tin rằng mình biết cách giải và sẽ giải quyết được vấn đề chứ không như hiện nay, điều suy nghĩ đầu tiên đến trong đầu nhiều HS là tìm sách giải, còn khi thi phải dùng tài liệu, hay nhìn bài bạn.

Như vậy, việc HS bỏ học - ngoài yếu tố kinh tế, điều kiện sống còn một yếu tố căn bản nhất là người ta được gì khi đi học phổ thông? Một khi phụ huynh thấy con họ đi học cũng không đọc thông, viết thạo, không làm được các phép tính tương đối khó, không biết cách suy nghĩ khi đụng đến một vấn đề mới nào đó thì đi học để làm gì. Có khi đi làm với gia đình người ta lại được tự đào tạo nhiều hơn. Bộ GD - ĐT và các giáo viên cần tĩnh tâm nhìn lại, cùng giải quyết vấn đề này sớm sẽ là hồng phúc cho các HS, rồi phụ huynh sẽ vui vẻ cho con đến trường.

Phần cuối của bài viết xin nói về việc nêu gương, thưởng cho các HS giỏi hiện nay. Giữa một HS đã cố gắng từ trung bình lên khá, khá lên giỏi với một HS gia đình khá giả, lúc nào cũng đạt HS giỏi thì bên nào đáng thưởng hơn? Tôi chợt nghĩ sao ta không xây dựng lại phần thưởng ở lớp, chỉ nên tuyên dương những HS đã có sự tiến bộ, còn những HS lâu nay vẫn thế thì chỉ cần một câu động viên là được. Tôi nghĩ các HS đều vui vẻ chấp nhận và ganh đua với chính bản thân mình để tiến bộ chứ không như hiện nay chỉ ganh đua với nhau, thấy vui khi mình hơn người khác.

Việc nêu những tấm gương HS giỏi lên báo chí, truyền hình là tốt nhưng có phải những tấm gương đó quá sáng, khiến những HS bình thường không dám vươn tới? Thấy ngọn núi cao ngất ngưởng sẽ không ai dám trèo, nhưng có những đồi nhỏ nối tiếp nhau cao dần thì người ta tự nhiên đủ tự tin rồi trèo được. Vì vậy tôi nghĩ tuyên truyền những tấm gương tiến bộ vừa phải, thật gần gũi với đông đảo HS sẽ có hiệu quả cao hơn cách làm hiện nay.


Dang Ba KhacTrieu
University of Tsukuba - Reconfigurable Computer Systems Laboratory
Tel: (81)(0)80-5686-2343
Homepage: http//www.dangtrieu.net

LTS Dân trí - Nhiều ý kiến gửi đến Diễn đàn Dân trí cho rằng, khi tìm hiểu về nguyên nhân HS bỏ học, ngoài nguyên nhân khó khăn về kinh tế; kiểm tra, thi cử bị xiết chặt, còn những nguyên nhân cốt lõi cần nhấn mạnh: Đó là chương trình học quá nặng nề, dàn trải nhiều nội dung không thiết thực; cách dạy và kiểm tra, thi cử vẫn nặng về truyền thụ một chiều và học thuộc, không chú trọng cách dạy suy luận để “học một biết mười”. Vì vậy, HS không tìm thấy sự hứng thú trong học tập; cha mẹ HS cũng không thấy lợi ích thiết thực khi cho con đi học.

Tác giả bài viết trên đây so sánh tình hình giáo dục của ta với giáo dục của Nhật càng làm rõ hơn nhận định nói trên. Chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại mục tiêu giáo dục gọi là “toàn diện” mà kết quả thực tế thì hình như “không diện nào ra hồn”, nhất là ở những vùng khó khăn, HS bỏ học nhiều. Những giải pháp khắc phục tình trạng HS bỏ học phải bắt đầu từ sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này.