Hà Nội:

Mục sở thị sân vận động 65 tỷ của huyện Hoài Đức

(Dân trí) - Những ngày qua, báo Dân trí đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc liên quan đến sân vận động có giá hàng chục tỷ đồng của huyện Hoài Đức vừa đưa vào hoạt động. Để làm rõ vụ việc, PV Dân trí đã có chuyến “thị sát” công trình này.

 
Với tổng diện tích 82,38km² và được xếp vào vùng quy hoạch trọng điểm của Thủ đô, huyện Hoài Đức có tốc độ phát triển kinh tế và dân số nhanh nhất nhì trong số những huyện ngoại thành. Theo số liệu thống kê, hiện dân số huyện Hoài Đức vào khoảng gần 300.000 người, gần tương đương dân số một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Là huyện có tốc độ phát triển dân số nhanh của Hà Nội, nhưng Hoài Đức lại không có nhiều công trình thể thao phục vụ nhu cầu người dân ở các xã, thị trấn, khu đô thị đã và đang mọc lên. Để giải quyết nhu cầu chính đáng của nhân dân, sau khi được các cấp có thẩm quyền thông qua, ngày 29/10/2010, ông Đàm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã ký Quyết định 3743 ngày 29/10/2010, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Sân vận động - Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Hoài Đức.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 1/8/2013, ông Nguyễn Trí Bình, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức cho biết, từ khi đưa vào hoạt động, nhà thi đấu và sân vận động (SVĐ) huyện Hoài Đức đã phát huy tốt công năng và năng suất với 200 - 300 lượt người dân vào tập thể dục, thi đấu thể thao. SVĐ luôn có 2 - 3 trận đấu/ngày, phù hợp với mục tiêu phục vụ nhu cầu nhân dân khi phê duyệt dự án.

Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, SVĐ và nhà thi đấu huyện Hoài Đức đã tổ chức được 23 giải đấu cấp huyện, một số giải cấp thành phố. Từ khi có cơ sở vật chất tập luyện, thành tích thể thao của huyện Hoài Đức cũng được cải thiện đáng kể. Trong nửa năm 2013, các VĐV huyện Hoài Đức giành 150 huy chương các loại/18 giải đấu tham dự.
 
Sân vận động Hoài Đức được đánh giá phù hợp với nhu cầu của người dân trong khu vực
Sân vận động Hoài Đức được đánh giá phù hợp với nhu cầu của người dân trong khu vực

Về tiêu chuẩn công trình, ông Nguyễn Trí Bình cho biết, cán bộ chuyên môn Liên đoàn BĐVN đã về tham quan và đánh giá SVĐ với sức chứa 3400 người chỉ đủ điều kiện tổ chức các giải bóng đá phong trào cấp huyện. Hệ thống đường piste mà dư luận cho rằng có giá hàng tỷ đồng là nhựa trộn đá rồi quét sơn lên tạo mỹ quan, đường piste không được rải chất dẻo tổng hợp như nhận định của một số người.

Đánh giá về giá trị, ý nghĩa và hiệu quả công trình, một lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức cho biết: “Việc xây dựng SVĐ là phù hợp với sự phát triển hạ tầng chung của Hà Nội. Cho đến nay, gần 50% diện tích đất tự nhiên của huyện đã được quy hoạch, Hoài Đức chính là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố hiện nay.

Theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du dịch, mỗi xã cần có 1 nhà thi đấu, 1 SVĐ để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Tuy nhiên, ở Hoài Đức không phải xã nào cũng có điều kiện, ngay như các khu đô thị mới cũng không đảm bảo đủ diện tích sân chơi thể thao. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng SVĐ có sức chứa 3400 chỗ ngồi, với tổng vốn đầu tư 65 tỷ đồng đã giải quyết được phần nhiều nhu cầu chính đáng của nhân dân địa phương, phù hợp với tiêu chí đảm bảo nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của người dân.

Những năm tới, dân số Hoài Đức sẽ tăng lên 400.000 - 500.000 người nên việc xây dựng SVĐ là phù hợp sự phát triển, phù hợp nhu cầu thực tế”.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy