Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi

(Dân trí) - Cứ đầu tháng 12 âm lịch người dân các xã Long Phúc, Long Khánh (Bảo Yên,Lào Cai) lại đổ xô lên các cánh rừng thuộc dãy núi Con Voi để tìm măng vàu. Mỗi ngày có hàng tấn măng được chuyển về xuôi, tình trạng trên đã gây ra bao hệ lụy khủng khiếp…

Khi những cơn mưa xuân lất phất bay, tạo nên những màn sương mù dày đặc phủ kín dãy núi Con Voi hùng vĩ đang mờ dần, cũng là lúc hàng chục người dân sống dưới chân dãy núi cầm cuốc, vác thuổng cùng gùi, bao tải lên rừng tìm măng. Phần lớn người dân nơi đây sống dựa vào nông nghiệp là chính, khi nông nhàn họ tranh thủ lên rừng kiếm thêm thu nhập.

 

Kiếm tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày, nuôi con ăn học, để làm giàu cho xã hội đó là điều đương nhiên phải làm của mỗi con người. Nhưng làm gì cũng cần phải có khoa học, phải tính đến hậu quả về sau. Đằng này, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cứ đến mùa măng củ (măng chưa lên khỏi mặt đất) là đổ xô đi đào bới sâu xuống đất từ 40 – 60cm, cạo trọc cả một lớp thực bì khiến cây cối không thể mọc được nữa, gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh hoạc của rừng.

 

Chúng tôi theo chân một tốp người đi đào măng lên dãy núi Con Voi, hầu hết những cánh rừng đều bị tàn phá, hiện nay rừng chủ yếu là cây vàu và cây chuối rừng. Nguy hiểm hơn chỗ nào có cây vàu là bên dưới bị đào nham nhở, hết lượt người này đào qua thì vài hôm sau lại có người khác đào, nhiều khi họ còn moi cả rễ cây vàu lên. Những chỗ người dân đào qua là không một loài cây nào mọc được, dưới tán rừng xanh trông chẳng khác gì những thửa ruộng vừa mới được cày phơi ải.

 

Được biết, vào đầu mùa măng, măng củ thường bán với giá từ 10.000đ - 12.000đ/kg, hiện nay là khoảng 3.000 – 8.000đ/kg tùy từng loại măng. Trung bình mỗi người kiếm được trên 10kg măng, nếu người nào cuốc khỏe có thể kiếm được trên 20kg, tính ra sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi họ cũng có trên dưới 100.000đ đút túi. Thử hỏi ở những vùng quê nghèo này mỗi ngày họ kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy?

 

Lợi nhuận cao nên thu hút rất đông người lên rừng đào măng đem bán, hơn nữa các thương buôn còn lên tận cửa rừng để thu mua, rồi chở về nơi tập kết và hàng xe tải măng sẽ được chở về xuôi tiêu thụ.

 

Không những thế tình trạng người dân chặt cây vàu già đem bán, hay làm rào ruộng nương cũng góp một phần không nhỏ vào sự tàn phá rừng vàu nơi đây. Thử hỏi những mầm măng non chưa kịp mọc lên khỏi mặt đất đã đào lấy hết, cây già thì chặt phá vô tội vạ thì tương lai những cánh rừng vàu ở Bảo Yên sẽ ra sao? Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời thì chẳng bao lâu nữa những cánh rừng vầu bạt ngàn xanh mướt sẽ bị biến mất.
 
Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 1

Hằng ngày có rất đông người lên các cánh rừng vàu thuộc dãy núi Con Voi đào tìm măng.

Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 2

Cứ hết lượt người này đào vài ngày sau lại có người đào tiếp nên rất hiếm khi có củ măng nào mọc được khỏi mặt đất như thế này.

Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 3

Để đào được những củ măng người dân phải xới tung cả một vạt rừng, thậm chi đào cả rễ cây lên.

Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 4


Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 5

Măng sau khi tìm được sẽ được vận chuyển ra khỏi cửa rừng bán cho các thương buôn đang chờ sẵn ở đó.

Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 6


Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 7


Mùa măng vàu “ùn ùn” về xuôi - 8

Rồi được chở về nơi tập kết ven các con đường quốc lộ cho đủ một xe tải và chở về xuôi tiêu thụ.

 

Hoàng Bảo Yên