Sóc Trăng:

Một thương binh bức xúc khiếu nại việc mất đất, mất cả chế độ chính sách

(Dân trí) - Năm 1981, ông Liêm đứng ra mua 1.000m2 đất của bà Kiệm. Năm 1994, vợ chồng ông Liêm ly thân thì bất ngờ ông Lực (anh vợ ông Liêm) làm đơn ra chính quyền đòi miếng đất này. Chính quyền lại giải quyết cho ông Lực khiến ông Liêm điêu đứng.

Ông Nguyễn Thanh Liêm (thương binh thời kỳ chống Mỹ, cựu Đội trưởng Đội biệt động huyện Long Phú, nguyên Trưởng Công an thị trấn Long Phú, nguyên Thị Đội trưởng Thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hiện cư trú tại ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) có đơn gửi báo Dân Trí trình bày: Vào năm 1981, ông mua của bà Trần Thị Kiệm (ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) một phần đất diện tích 1.000 m2 tọa lạc tại địa chỉ trên. Ông quản lý, sử dụng, đóng thuế đầy đủ, có tên đăng ký sử dụng đất trong sổ mục kê của cơ quan địa chính.

Đến năm 1994, khi ông và vợ là bà Huỳnh Thị Mật ly thân thì ông Huỳnh Văn Lực (anh vợ) làm đơn ra chính quyền đòi 1.000 m2 đất mà ông đang sử dụng với lý do đất đó ông Lực cho vợ chồng ông mượn.

Trong quá trình giải quyết của huyện Long Phú, ngày 21/12/2000, Chủ tịch UBND huyện có Quyết định số 1307/QĐ-UB công nhận toàn bộ diện tích đất đó là của ông Liêm, bác đơn của ông Huỳnh Văn Lực. Ông Lực khiếu nại, UBND huyện Long Phú ban hành quyết định với nội dung thu hồi 1000 m2 đất mà ông Liêm đang quản lý, sử dụng giao cho ông Lực.

Ông Liêm khiếu nại lên UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 11/02/2004, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định công nhận quyết định công nhận quyết định của UBND huyện Long Phú, bác đơn khiếu nại của ông Liêm.

Trong khi đó, hồ sơ quản lý đất đai từ thị trấn Long Phú đến tỉnh đều ghi rõ diện tích đất nói trên ông Liêm sử dụng từ năm 1981 thuộc thửa số 210, tờ bản đồ số 5. Hồ sơ quản lý đất do Sở Tài nguyên-Môi trường Sóc Trăng quản lý cũng thể hiện diện tích đất đó đứng tên ông Nguyễn Thanh Liêm. Xác nhận của cơ quan thuế cũng ghi rõ ông Liêm đóng thuế hàng năm, từ năm 1981 cho đến hết năm 1997, còn từ năm 1998 thì chưa đóng vì có tranh chấp.

Xác minh người bán đất cho ông Liêm là bà Trần Thị Kiệm thì bà Kiệm thừa nhận bà bán đất cho ông Liêm và chính ông Liêm là người đứng ra thực hiện việc mua bán, trả tiền. Bà Kiệm cũng khẳng định bà không bán đất cho ông Lực.

Ông Nguyễn Thanh Liêm bức xúc: “Quyết định lần sau của UBND huyện Long Phú cũng như của UBND tỉnh Sóc Trăng sai sự thật khiến tôi bị chiếm đất một cách oan uổng. Tôi tiếp tục khiếu nại nhưng không được giải quyết. Trong khi đó, nhà cửa, tài sản của tôi bị người nhà ông Lực đốt cháy, cây ăn trái trồng trong vườn bị chặt phá hư hỏng hoàn toàn, tính mạng tôi bị đe dọa. Tôi kêu cứu nhưng cơ quan công an cũng như địa phương im lặng”.

Trong hồ sơ cung cấp cho cơ quan chức năng, ông Huỳnh Văn Lực đưa ra tờ giấy viết tay về việc mua bán đất giữa ông với bà Kiệm nhưng tờ giấy mua bán này bị bà Trần Thị Kiệm bác bỏ. Bà Trần Thị Kiệm nói: “Tôi không bán cho ông Lực cũng không ký vào tờ giấy đó, chữ ký trong tờ giấy đó không phải chữ ký của tôi mà là của người khác ký giả”.

Khiếu nại quyết định của UBND tỉnh, ông Liêm lại nhận được Công văn số 43/CTUBT-KN do Phó Chủ tịch Trương Minh Chánh ký ngày 28/4/2006, với nội dung: "Ông Huỳnh Văn Lực mua phần đất 1000 m2 của bà Trần Thị Kiệm ngày 8/8/1981, ông Lực quản lý sử dụng diện tích đất 1000 m2 này đến năm 1985-1986 thì cho ông Nguyễn Thanh Liêm và vợ là bà Huỳnh Thị Mật mượn sử dụng. Khi ông Nguyễn Thanh Liêm và bà Huỳnh Thị Mật ly dị thì ông Huỳnh văn Lực đòi lại". Từ đó khẳng dịnh quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng là đúng, yêu cầu ông Liêm chấm dứt khiếu nại.

Ông Liêm trên mảnh đất tranh chấp.
Ông Liêm trên mảnh đất tranh chấp.

Không chỉ bị mất đất, ông Nguyễn Thanh Liêm cũng phản ánh việc ông bị mất chế độ một cách vô lý. Theo hồ sơ, ông Liêm tham gia cách mạng từ năm 1964, từng trải qua nhiều công tác, chức vụ khác nhau như: Tham gia chiến đấu chống Mỹ-Ngụy, từng giữ chức vụ Đội trưởng Đội biệt động huyện Long Phú; Trưởng Công an thị trấn Long Phú; Xã Đội trưởng thị trấn Long Phú (huyện Long Phú). Sau đó được lãnh đạo bố trí công tác quản lý thị trường thị trấn Long Phú, đến cuối năm 1996 thì địa phương cho ông nghỉ việc. Như vậy, thời gian công tác liên tục của ông là 33 năm.

Đối chiếu với các qui định của nhà nước về giải quyết chế độ chính sách ưu đãi thì ông Liêm là người đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước. Thế nhưng, ngày 30/1/1999, Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) tỉnh Sóc Trăng có Công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Long Phú công nhận thời gian công tác liên tục của ông Liêm là 33 năm. Từ đó, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Sóc Trăng “Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Long Phú chỉ đạo các bộ phận chức năng tiến hành chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông Nguyễn Thanh Liêm với mức như sau: 120.000 đồng x 33 tháng = 3.960.000 đồng”.

Sau đó, vào ngày 12/6/1999, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có Công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho rằng “Ông Nguyễn Thanh Liêm tham gia cách mạng từ năm 1964, được bố trí công tác Quản lý thị trường thị trấn Long Phú cho đến nay (tức là năm 1996)”. Từ đó Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Sóc Trăng cho rằng “Chức danh cán bộ quản lý thị trường không còn trong các chức danh cán bộ xã, phải giải quyết chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần; mỗi năm công tác được hưởng bằng một tháng sinh hoạt phí là 120.000 đồng/tháng”.

Ông Liêm nói: “Nói tôi tham gia cách mạng từ năm 1964, được bố trí công tác Quản lý thị trường thị trấn Long Phú cho đến năm 1996 là vô lý. Hồ sơ, quyết định điều động, bố trí, phân công công tác tôi còn giữ vậy mà cho rằng tôi làm quản lý thị trường từ năm 1964 đến 1996 thật là khó hiểu”.

Hiện tại, ông Liêm đang tiếp tục khiếu nại, yêu cầu làm rõ các vụ việc khiếu nại của ông.

                                                                                        Bạch Dương