Bắc Kạn:

Một Công ty có hai Giám đốc

(Dân trí) - Các cổ đông, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn có trụ sở tại Bắc Kạn đã gửi đơn đến Báo Dân trí phản ánh khó khăn liên quan đến việc tái cơ cấu tổ chức lại Công ty này.

Một Công ty có hai Giám đốc - 1
Trụ sở Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn

Đã bãi miễn nhưng không chịu bàn giao công việc

Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn (sau đây gọi là Công ty Vạn Lợi - Bắc Kạn) có trụ sở tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi theo Quyết định số 261/QĐ- HĐTV ngày 25/6/2010 của chủ sở hữu là Công ty TNHH Vạn Lợi. Trong quá trình chuyển đổi, Công ty TNHH Vạn Lợi chuyển nhượng cho ông Nguyễn Cao Bằng 18% và chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư I.P.A 30% tổng số vốn điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi, còn lại 52% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vạn Lợi.

Sau khi chuyển đổi, Đại hội đồng cổ đông Công ty đã thông qua Điều lệ của Công ty Vạn Lợi - Bắc Kạn và bầu các thành viên HĐQT Công ty gồm: Ông Trần Mạnh Hùng là Chủ tịch HĐQT; các ông Nguyễn Cao Bằng,Vũ Hiền, Nguyễn Văn Thông, Phạm Hồng Phúc là thành viên. Tháng 12/2010, HĐQT Công ty đã bổ nhiệm bà Phạm Minh Hương làm Giám đốc thay thế ông Lê Quốc Thắng. Sau đó, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 31/12/2010.

Trước một số biểu hiện bất bình thường, không minh bạch nên đến cuối tháng 8/2011, HĐQT Công ty Vạn Lợi - Bắc Kạn đã tiến hành họp và ra Quyết định số 01/QĐ-HĐQT ngày 30/8/2011 về việc “bãi miễn chức danh Giám đốc của bà Phạm Minh Hương” đồng thời “bổ nhiệm ông Nguyễn Cao Bằng làm Giám đốc Công ty thay thế bà Phạm Minh Hương”. Quyết định của HĐQT và các thông báo yêu cầu bàn giao công tác đã được gửi cho bà Hương nhưng không được bà thi hành. Thậm chí cho đến nay, nhiều lần HĐQT Công ty yêu cầu bà bàn giao công việc nhưng bà Hương vẫn không thực hiện.

Như vậy hiện nay, theo Quyết định của HĐQT Vạn Lợi-Bắc Kạn, bà Phạm Minh Hương đã không còn là giám đốc của Công ty, hơn nữa cũng không phải là cổ đông, không phải là thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhưng vẫn điều hành các công việc của Công ty. Nghiêm trọng hơn, bà Hương đã không cho Chủ tịch HĐQT Công ty sử dụng con dấu để đóng vào các văn bản do HĐQT Công ty ban hành, hồ sơ thông báo về việc thay đổi Giám đốc để gửi cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan có thẩm quyền.

Dẫn đến, hồ sơ đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi, nhằm ghi nhận việc thay đổi Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Công ty đã bị từ chối tiếp nhận do hồ sơ không đóng dấu của Công ty (Công văn số 566/SKHĐT-ĐKKD ngày 21/9/2011 của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn). Việc này khiến cổ đông Công ty rất bức xúc và nhiều người phải đặt câu hỏi nghi vấn: “Liệu hành vi của bà Phạm Minh Hương có dấu hiệu của việc nhằm chiếm đoạt Công ty hay không? Phải chăng đằng sau những hành vi sai trái này ẩn giấu động cơ, mục đích gì?". Đây là những câu hỏi lớn cần phải được làm rõ.

Trách nhiệm của một số cơ quan chức năng

Hiện nay, mọi hoạt động của Công ty cũng như dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/ năm” tại KCN Thanh Bình của Công ty đang bị đình trệ. Doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cán bộ, công nhân viên Công ty hoang mang, lo sợ, các đối tác ngừng giao dịch; doanh thu, lợi nhuận bị thiệt hại nặng nề. HĐQT, Ban lãnh đạo Công ty không thể điều hành Công ty, tất cả đều xuất phát từ việc con dấu đang bị riêng phe bà Hương chiếm giữ, sử dụng.

Để bà Phạm Minh Hương có thể ngang nhiên thực hiện các hành vi như trên phải kể đến trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh và đặc biệt là cơ quan có thẩm quyền quản lý về con dấu. Bởi lẽ, ngay sau khi phát hiện con dấu của Công ty chỉ được sử dụng cho một số người, HĐQT Công ty đã có đơn trình báo về việc thu hồi con dấu và đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt con dấu của bà Phạm Minh Hương gửi đến các cơ quan có thẩm quyền quản lý về con dấu để tiến hành điều tra, xác minh và buộc bà Hương trả lại con dấu cho Công ty.

Sau đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra về việc sử dụng con dấu của Công ty Vạn Lợi - Bắc Kạn, lập biên bản xác nhận rằng con dấu vẫn được để tại trụ sở Công ty, nhưng Cơ quan này lại không cho phép Chủ tịch HĐQT Công ty (là người đã gửi đơn đề nghị cơ quan này đứng ra giải quyết) tham gia buổi kiểm tra và tiếp tục giao con dấu cho bà Hương quản lý. Trong khi đó, Quyết định của HĐQT Công ty về việc miễn nhiệm bà Hương đã tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật.

Từ đây, một câu hỏi được đặt ra là các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần có trách nhiệm gì để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, Công ty Vạn Lợi - Bắc Kạn và đặc biệt hơn cả là bảo đảm cho dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/ năm” có thể được tiếp tục thực hiện?

Vũ Văn Tiến