Một chủ trương sai từ cách tiếp cận

Hiện nay, dư luận xã hội đang hết sức quan tâm đến Đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và thi tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT với chủ trương sẽ giảm bớt một kỳ thi.

Theo chủ trương này sẽ chỉ giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và lấy kết quả kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ với mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho học sinh, gia đình và xã hội. Cho nên Đề án này còn được gọi là Đề án “Hai trong một”.

Xét trong bối cảnh hiện nay và những năm tới của nước ta nói chung và của ngành giáo dục đào tạo (GD-ĐT) nói riêng thì có thể nói chủ trương này có nhiều bất cập.

Thứ nhất, sai ngay từ cách tiếp cận ban đầu. Ta biết rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ngành GD-ĐT nước ta là sự yếu kém về chất lượng GD-ĐT. Lẽ ra tất cả những gì có thể gây ra nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề này thì tuyệt đối không được nghĩ đến chứ đừng nói đề ra để bàn. Đằng này chủ trương trên lại đi ngược lại. Hiện chúng ta đang thực hiện hai kỳ thi với mục đích hoàn toàn khác nhau: thi tốt nghiệp THPT chỉ nhằm kiểm tra kiến thức để công nhận hoàn thành cấp học và đạt được kiến thức phổ thông cần thiết, không hạn chế số lượng tốt nghiệp, có thể cả nước đạt phổ cập trình độ phổ thông trung học; còn thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là nhằm tuyển chọn những người thực sự có đủ khả năng để học lên bậc cao hơn nhằm đào tạo chuyên gia, người tài.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ấy vậy mà chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ nói riêng và chất lượng học tập nói chung còn lắm điều bất ổn, huống hồ bỏ đi một kỳ thi thì hậu quả sẽ còn thế nào. Qua các ý kiến phân tích vai trò, mục đích của từng kỳ thi cho thấy đối với hoàn cảnh nước ta trong giai đoạn hiện nay cả hai kỳ thi đều là cần thiết. Chính vì vậy mà rất nhiều ý kiến như đã được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tại các diễn đàn khác nhau không đồng tình, lo ngại hoặc băn khoăn về tính khả thi và mục đích của Đề án “Hai trong một”.

Cái sai tiếp theo trong cách tiếp cận của chủ trương này là thay vì vấn đề đang phức tạp cần phải làm đơn giản hóa đi để giải quyết cho dễ, đằng này lại làm phức tạp thêm. Mỗi một kỳ thi đã bao chuyện vô cùng phức tạp, nay lại gộp cả hai làm một thì sự phức tạp lại càng nhân lên gấp bội như sẽ phân tích dưới đây.

Thiết nghĩ, cùng với chủ trương “Hai không”, vấn đề bức xúc nhất, quan trọng nhất cần bàn và đề ra hiện nay là các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT. Vì vận mệnh quốc gia trong tương lai thịnh suy thế nào, phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào điều này. Mọi vấn đề khác chỉ được bàn khi chắc chắn chất lượng GD-ĐT đã được đảm bảo.

Thứ hai, mục tiêu đặt ra không trúng. Cái gọi là mục tiêu nhằm “giảm áp lực và chi phí” cho học sinh, gia đình và xã hội chẳng qua chỉ là ngụy biện. Vấn đề đặt ra là “áp lực” gì? Nếu các kỳ thi tạo ra “áp lực” phải học tập nghiêm chỉnh thì đích thực đó là một trong những mục đích của các kỳ thi. Thử hỏi một xã hội nếu không có áp lực học tập thì làm sao thực hiện được mục tiêu phấn đấu “Học, Học nữa, Học mãi” như Lênin từng nhấn mạnh. Đảng và Nhà nước ta còn đề ra chủ trương tạo dựng một xã hội học tập suốt đời. Trên thực tế xét về hình thức qua khối lượng và nội dung chương trình học có vẻ như có áp lực học tập lên học sinh, song thực chất mà nói ở nước ta chưa có áp lực học tập thực sự. Trong quá trình học tập do nhiều nguyên nhân nên học sinh học còn hời hợt, may ra trước mỗi kỳ thi mới tập trung “học bài”. Chính vì thế không những trong kết quả thi cử còn có nhiều học sinh điểm dưới trung bình, điểm 0, nạn mua bán phao phổ biến, thậm chí nhiều trường không có học sinh đỗ tốt nghiệp mà kiến thức thực tế của học sinh rất yếu.

Ví dụ điển hình như kiến thức ngoại ngữ, học mấy năm trời liền trong nhà trường nhưng đa phần may ra thuộc được chữ cái và một số câu chào hỏi thông thường. Hoặc như kiến thức về lịch sử, địa lý, xã hội, tự nhiên, v.v. quá non yếu. Còn cái gọi là “áp lực” xuất phát từ thi cử ở nước ta thực ra là “áp lực” phải đỗ tốt nghiệp cao để đạt thành tích cao theo mong muốn của lãnh đạo và “áp lực” phải đỗ đại học chủ yếu để thỏa mãn ước muốn của gia đình. Các áp lực đó không những đè nặng lên học sinh mà cả lên toàn hệ thống thi cử. Để xử lý các áp lực này không phải là bỏ kỳ thi mà là xử lý các nguyên nhân gây ra chúng như đã nêu trên. Nếu như quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường nghiêm chỉnh ngay từ đầu trên mọi phương diện thì liệu có còn cảm thấy “áp lực học tập” trước các kỳ thi nữa không. Chắc chắn là không.

Còn về mục tiêu giảm chi phí, thử hỏi liệu trên đời này để đạt được lợi ích nào mà không phải mất phí tổn gì không? Chúng ta muốn có sự đánh giá đúng thực chất trình độ, đảm bảo khách quan, công bằng, tuyển sinh đúng người có khả năng và tạo động lực để học tập và giảng dạy thì phải chấp nhận mất phí tổn để tổ chức thi cử. Cái được mới là đáng quý và quan trọng hơn nhiều. Hơn nữa, đối với người dân thì chi phí cho 5 năm học đại học còn chấp nhận được huống hồ chi phí cho mấy ngày đi thi. Vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo sự công bằng, khách quan và chuẩn xác trong việc đánh giá trình độ kiến thức và tuyển sinh. Bác Hồ đã dạy “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.

Thứ ba, không đảm bảo tính khả thi. Lâu nay tổ chức 2 kỳ thi riêng biệt mà còn quá nhiều bất cập, bất ổn. Ngay cả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tuy được đánh giá là thành công, song thực chất có đúng vậy không? Nhiều ý kiến cho rằng mới chỉ thành công bề nổi theo báo cáo; thực chất đi vào thực tế còn nhiều điều nhức nhối nằm dưới tảng băng chìm. Hơn ai hết Bộ GD-ĐT biết rõ điều đó. Báo chí cũng nêu nhiều rồi. Việc gộp hai kỳ thi với nhiều sự khác biệt nhau liệu có đơn giản là chỉ gộp hai đề thi thôi không? Khác nhau về mục đích, về đối tượng tham gia và chủ thể quan tâm, về trình độ kiến thức, mức độ cạnh tranh, mức độ nghiêm ngặt, về địa điểm thi, về áp lực của xã hội, v.v.

Với những sự khác nhau đó và trong bối cảnh của nước ta giai đoạn hiện nay thì liệu có ai dám chắc rằng nhập hai kỳ thi lại sẽ vẫn đạt được kết quả như cũ chứ đừng nói tốt hơn không? Chắc chắn rằng sẽ không chỉ là “Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào” mà hậu quả còn khó lường, thậm chí còn đổ máu. Chuyện những thầy giáo phanh phui tiêu cực hoặc thực hiện nghiêm “phép nước” trong thi cử tốt nghiệp THPT thời gian qua còn rành rành ra đó.

Tóm lại, chủ trương về kỳ thi “Hai trong một” là không thể chấp nhận được mà nên bàn tổ chức thật tốt hai kỳ thi. Và để cho hữu ích nên tập trung bàn vào các giải pháp, bao gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cả trong và ngoài hệ thống GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT đáp ứng các yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập.

PGS-TS Nguyễn Cảnh Nam
Hiệu trưởng Trường QTKD – TKV
Ngõ 12, phố An Hòa, Hà Đông, Hà Tây

LTS Dân trí - Theo ngôn ngữ dân gian, có một câu nói rất đơn giản mà thể hiện chân lý hiển nhiên: “Nói phải thì củ cải cũng biết nghe”. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì phải thấy rằng đó chính là cảm tưởng sau khi đọc bài viết trên đây. Tác giả có một cách tiếp cận mới để đánh giá chuẩn xác đề án “2 trong 1” được đưa ra bàn vào lúc này là vừa không đúng và không trúng với điều bức xúc nhất của tình hình giáo dục hiện nay: đó là sự giảm sút nghiêm trọng chất lượng ở cả bậc phổ thông và bậc đại học cũng như trên đại học.

Mọi chủ trương, mọi đề án của ngành giáo dục trong lúc này đều phải tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phải coi đây là quốc sách của quốc sách, bởi đấy là sự sống còn của nền giáo dục nước nhà với vai trò là động lực phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập vào nền văn minh trí tuệ của nhân loại.

Sự “lạm phát” về chủ trương cải cách giáo dục cũng như những “đề án” được ngộ nhận là đề xuất mới mẻ nhưng đi ngược lại với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thì chỉ làm cho tình trạng lạm phát bằng cấp ngày càng trầm trọng mà thôi!