Môn thi đạt “kỷ lục” chất lượng yếu kém

Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, có lẽ không khó gì để thấy rằng môn Lịch sử lập được nhiều “kỷ lục” về chất lượng yếu kém.

Trước hết, là môn có điểm bình quân thấp nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT nhiều năm gần đây; là môn thi có điểm bình quân thấp nhất của khối C nói riêng và tất cả các môn thi tuyển sinh ĐH nói chung; là môn thi mà số học sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất, bị điểm 0 và 0,5 với tỉ lệ cao nhất. Điểm bình quân môn sử trong kỳ thi ĐH 2006 là 1,90, năm 2007 là 2,09, năm 2008 có khá hơn nhưng cũng chỉ 2,39.

 

Trong số 107.000 bài thi khối C trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2007 được thống kê, chỉ có 9,23% bài thi có điểm trên 5, trong khi có đến 21,3% bài thi bị 0 điểm hoặc 0,5 điểm.

 

Đó là số liệu mà TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đưa ra qua thống kê kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trong 3 năm từ 2006-2008. Còn năm 2009, theo thông tin từ ban tuyển sinh các trường đại học, môn sử tiếp tục “đội sổ” và là môn có điểm thi thấp nhất trong ba môn khối C. Điểm bình quân chỉ trên dưới 2 điểm, số bài có điểm từ 0,25 - 2 điểm nhiều vô kể. Đơn cử số bài thi trên điểm trung bình của ĐH Văn hóa TP.HCM chỉ 3,7%, ĐH Đà Lạt 4%, ĐH Sư phạm Đà Nẵng 5%, ĐH Quy Nhơn 9,8%...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Không khó để chỉ ra nguyên nhân của thực trạng bi quan đó. Ngoài số ít học sinh  có năng khiếu, có sở thích thi ĐH khối C, phần lớn học sinh có học lực khá, giỏi không chọn khối C vì học khối này, ít có cơ hội nghề nghiệp và triển vọng tương lai, nếu không muốn nói là sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, phải thẳng thắn thừa nhận một điều rằng phần lớn thí sinh thi khối C đều có học lực yếu, không thể thi các khối A, B, D nên mới lựa chọn khối C vì nghĩ rằng khối này chỉ cần học thuộc lòng là có điểm, hoặc hi vọng ăn may nhờ… trúng tủ. Vậy nên, không muốn vơ đũa cả nắm nhưng từ lô-gíc của thực tế trên cho thấy, các ngành tuyển sinh khối C thật sự là phao cứu hộ cho nhiều thí sinh, là nơi hội tụ các thí sinh kém.

 

Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều năm nay môn Lịch sử bị xem là “môn phụ” không chỉ trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh mà ngay cả giáo viên. Mà đã coi là “môn phụ” thì chỉ học cho có, qua loa đại khái. Tôi đã từng được nghe một giáo viên dạy môn tự nhiên khẳng định rằng: “ môn Lịch sử thì có gì để tư duy?”. Đáng buồn hơn nữa là không chỉ giáo viên dạy môn tự nhiên mà ngay cả chính không ít giáo viên dạy môn Sử cũng coi môn của mình là “môn phụ” nên ít có sự đầu tư và không yêu cầu gì nhiều đối với học sinh, thành ra chất lượng càng ngày càng tuột dốc.

 

Đã thế, hầu hết các em thi khối C nhưng lại không đầu tư cho khối C mà phần lớn thời gian dành cho việc đi học thêm các môn toán, lý, hóa, Anh. Chỉ sau khi thi tốt nghiệp,  khoảng thời  gian hơn một tháng các em mới tập trung “cày” các môn văn, sử, địa. Như thế học làm sao kịp và làm sao có hiệu quả? Vậy nên điểm thi đại học khối C, nhất là môn sử, thấp cũng là điều dễ hiểu.

 

Hơn nữa trong vài năm trở lại đây đề thi đại học khối C đã có nhiều thay đổi, yêu cầu học sinh phải biết phân tích, tổng hợp, khái quát mới làm được. Tất cả thí sinh thi đỗ đại học khối C những năm gần đây đều là những người có tố chất, biết tư duy và có sự đầu tư đúng hướng. Trước sự thay đổi đó cách dạy và học môn Lịch sử không có sự thay đổi tương ứng để theo kịp, thích nghi mà phần lớn vẫn duy trì cách dạy và học như cũ là “thầy đọc trò chép và... học vẹt”. Chính cách dạy và học đó làm thui chột mất khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo của học sinh, khiến học sinh không thể làm được những bài đòi hỏi sự phân tích, khái quát, tổng hợp...

 

Ngoài ra, việc phân phối chương trình quá nặng, muốn nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào môn Lịch sử cũng góp phần làm cho học sinh rất mệt mỏi, không còn thời gian để đào sâu suy nghĩ,  mất đi kỹ năng phân tích, khái quát, tổng hợp của học sinh. Bởi lẽ muốn có kỹ năng phân tích, khái quát, tổng hợp thì phải được rèn luyện nhiều, nhưng suốt cả một học kỳ học sinh chỉ được làm nhiều nhất là 5 bài kiểm tra thì làm sao có thể rèn luyện được những kỹ năng đó? Bản thân người viết bài này cũng là một giáo viên dạy môn Lịch sử. Tôi rất muốn rèn luyện cho các em kỹ năng diễn đạt, phân tích, lập luận, tổng hợp, đánh giá... nhưng thời gian đâu?

 

Vào lớp là lo dạy cho hết khối lượng kiến thức, đúng theo phân phối chương trình của bộ. Trong khi khối lượng kiến thức thì rất nhiều, không dám bỏ bớt vì nếu bỏ bớt học trò sẽ thi không đạt do cách kiểm tra đánh giá, cách thi tốt nghiệp hiện nay đang bám sát sách giáo khoa, (còn đề thi đại học lại yêu cầu học sinh phân tích, khái quát, tổng hợp mới làm bài được). Chỉ riêng việc cung cấp hết kiến thức trong sách giáo khoa đã hết thời gian. Ai cũng biết muốn rèn những kỹ năng trên cần phải được thực hành nhiều, nhưng thầy trò chúng tôi lấy đâu ra thời gian để thực hành?

 

Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho việc dạy và học sử ở phổ thông không được thầy và trò quan tâm đầu tư đúng mức, bởi khi trò không hào hứng học thì thầy cũng chẳng thể dạy nhiệt tình. Rốt cuộc chất lượng môn Lịch sử càng ngày càng đi xuống.

 

Ai cũng biết môn Lịch sử rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống hào hùng của dân tộc. từ đó phấn đấu học tập rèn luyện để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Thế nhưng nhìn kết quả điểm thi đại học môn Lịch sử nhiều năm nay thì không thể không buồn và lo lắng.

 

Thiết nghĩ đã đến lúc xem việc cải thiện và nâng cao chất lương môn Lịch sử không chỉ là trách nhiệm của giáo viên dạy môn Lịch sử hay của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chừng nào chúng ta chưa coi trọng vai trò của môn Lịch sử trong việc giáo dục học sinh, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước là thiết yếu như bữa ăn sáng hằng ngày thì đừng mong cải thiện và nâng cao chất lượng môn học này!

                                                                

                                                            Phạm Được

GV Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

 

LTS Dân trí-Nói đến “vấn nạn” của chất lượng giáo dục chính khóa, không thể không nói đến chất lượng ngày càng sa sút của môn lịch sử. Bài viết trên đây của chính thầy giáo dạy môn lịch sử đã trình bầy khá rõ và đầy đủ những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng rất đáng buồn đó.

 

Có nguyên nhân khách quan khó khắc phục một sớm một chiều, nhưng về phía chủ quan, ngành giáo dục nên sớm cải cách chương trình lịch sử sao cho gọn nhẹ và hợp lý hơn, để trên cơ sở đó  đổi mới cách dạy và  cách học, giúp cho học sinh không thể quên những kiến thức cơ bản nhất, điển hình nhất của các giai đoạn lịch sử, trở thành vốn kiến thức hữu ích trong suốt cuộc đời.

 

Cần sớm chấm dứt tình trạng bắt học sinh học rất nhiều nội dung lịch sử mà kết quả là kiến thức rỗng không, thể hiện qua nhiều kỳ thi những năm vừa qua, thí sinh mắc phải những sai lầm rất ngô nghê về môn lịch sử.