Mỗi công dân phải tự trả lời

(Dân trí) - Tôi muốn nói đến trách nhiệm của mỗi công dân cho dù người đó là lãnh đạo, công chức, công an, quân đội hay là người bình thường đều có nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm xã hội của 1 công dân.

Sau đây chỉ là một số trong muôn vàn ví dụ đời thường về sự thiếu ý thức của người công dân:

 

-Khi đi ra đường, những người có lương tri đều rầu lòng về những sự việc đập ngay vào mắt mình: nào là người vất rác, khạc nhổ bừa bãi, rồi cảnh phóng xe lạng lách, vượt ẩu, kể cả đèn đỏ lúc vắng bóng công an.

 

- Ở khu tập thể của tôi khi dạo mát buổi chiều thấy các cháu nhỏ hay văng tục, nhưng tuyệt nhiên không thấy những người lớn đứng cạnh nhắc nhở.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

- Không ít các địa phương có lãnh đạo vì thiếu trách nhiệm hoặc vì lợi ích cục bộ, cá nhân đã lấy đất của người nông dân cấp vô tội vạ cho các doanh nghiệp kinh doanh, trong đó có “kinh doanh” sân gôn. Chính những hành vi không chính đáng này gây bất ổn tiềm tàng cho cả xã hội.

 

- Hàng ngày trên đường Phạm Hùng đi qua khu trung tâm hội nghị quốc tế, biết bao xe ben hung thần 2 bên sườn xe dính cơ man đất cát, ụ còi hơi chạy bạt mạng. Từng mét đường bị vung vãi không biết bao đất cát. Vì vậy con đường này trở thành bụi bẩn và ồn ào nhất Hà Nội, thế mà rất ít thấy cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông xử lý lấy 1 trường hợp.


Ngay trung tâm Hà Nội mà còn như thế thì ở hang cùng ngõ hẻm, địa đầu đất nước, biên giới hải đảo... sự lơi lỏng quản lý còn dễ xảy ra đến đâu?

 

Tôi có hơn 10 năm làm việc với các bạn Nhật Bản. Họ luôn khen ta là tháo vát, thông minh và lanh lợi, tuy nhiên nhược điểm cố hữu là không tỷ mỷ, hay đại khái. Chỉ hay quan tâm đến những chuyện to tát còn những chuyện như tôi kể ở trên thì coi là chuyện nhỏ. Thực ra những chuyện đó ở nước bạn họ coi là chuyện lớn và cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì vậy những chuyện chướng tai gai mắt đó được coi như ví-rút phá hoại hệ điều hành không thể không quét và diệt.

 

Các nước giúp ta vốn ODA để xây dựng hạ tầng giao thông, điều này thật hợp lý vì chúng ta còn nghèo vừa trải qua cuộc chiến tranh lâu dài. Tuy nhiên thật xấu hổ và khó chấp nhận khi họ phải giúp ta phân luồng giao thông ở một số ngã 4 giao thông không đến nỗi phức tạp trong lúc đó chúng ta có biết bao tiến sỹ, giáo sư trong ngành giao thông. Đừng để nước ngoài cho ta vay tiền xây dựng đường xá rồi dạy ta cách đi đứng. Lạy trời đừng để họ phải dạy ta cả cách ăn uống thế nào cho hợp vệ sinh.

 

Nếu mỗi công dân thực sự có trách nhiệm với đất nước này theo đúng chức phận được xã hội phân công thì đất nước mình chắc chắn sẽ vươn lên nhanh chóng để theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực. Nhưng đáng tiếc là còn nhiều người thiếu trách nhiệm công dân, kể cả người lãnh đạo, quản lý cũng chưa gương mẫu thực hiện bổn phận công dân của mình. Vì vậy, kẻ xấu dễ lợi dụng, để trục lợi hoặc bêu xấu chế độ.

 

Lời cuối cùng mà tôi mong muốn mọi người chớ coi thường những việc nhỏ nổi lên trong cuộc sống hàng ngày và hãy cùng nhau hành động với tinh thần trách nhiệm đầy đủ của người công dân; mỗi người phải làm tròn bổn phận đúng với vị trí xã hội của mình.

 

Không bao giờ được coi những việc thường nhìn thấy hằng ngày là những việc nhỏ, vụn vặt và không quan trọng hoặc là công việc riêng của những người quản lý, còn  cá nhân mình không có liên quan gì và không có trách nhiệm gì. Đấy là thái độ bàng quan thiếu ý thức trách nhiệm của người công dân.

 

Nguyễn Hoàng

Hongtan1234@yahoo.com.vn

 

LTS Dân trí - Muốn xây dựng nếp sống văn minh của xã hội thì phải bắt đầu từ việc nâng cao dân trí để mọi người thấy rõ bổn phận công dân của mình, từ đó có ý thức tự giác chấp hành luật pháp và những quy định có tính pháp quy nhằm bảo đảm trật tự xã hội và vệ sinh môi trường.

 

Nếu mọi người, dù ở cương vị xã hội nào, đều hoàn thành tốt bổn phận của người công dân, biết chăm lo lợi ích chung của cộng đồng thì chắc chắn không để xảy ra những hiện tượng đáng phê phán mà tác giả bài viết trên đây đã nêu ra.

 

Đi đôi với việc coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức tự giác thực hiện bổn phận của mỗi người công dân, cần phát huy tốt hơn vai trò của các cơ quan có chức năng quản lý, nhất là cơ quan an ninh, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật pháp, làm mất trật tự an ninh, gây tổn hại lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.