Mở rộng phân ban cũng đạt được những kết quả nhất định

Đọc bài ký tên Thanh Bình trên Diễn đàn Dân trí, tôi nghĩ tác giả khá am hiểu về giáo dục Việt Nam. Là một giáo viên đã trực tiếp đứng lớp từ năm 1992 đến nay, tôi muốn đóng góp thêm một số ý kiến.

Trước hết, những vẫn đề mà tác giả Thanh Bình nêu ra đã và đang là những nỗi bức xúc của dư luận xã hội. Tôi nghĩ, đây cũng là câu hỏi lớn mà các nhà quản lí giáo dục các cấp ở Việt Nam đang đau đầu tìm lời giải. Nguyên nhân là thế nhưng khắc phục thế nào, đấy mới là điều khó. Mà cũng chắc gì chỉ xoay quanh 4 vấn đề như tác giả Thanh Bình nêu ra?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trở lại với bài viết trên, với tiêu đề  Nhìn lại 5 năm mở rộng phân ban ở bậc THPT nhưng tôi thấy bài mới chỉ nêu những yếu kém, những hạn chế, những bức xúc của ngành mà chưa thấy đề cập tới những thành tựu. Vậy, ngành Giáo dục có thành tựu hay không? Tôi khẳng định không những có mà còn có khá nhiều, nhất là từ khi thực hiện thay SGK và chương trình đồng bộ cho bậc giáo dục phổ thông. Điển hình là bộ môn Tin học. Môn Tin học trong chương trình THPT tuy đơn giản nhưng là một tiền đề quan trọng cho các ngành Tin học và công nghệ của nước nhà, mà Tin học hiện nay đang giữ vị trí then chốt trong tất cả các ngành khoa học. Còn Công nghệ thì không cần bàn thêm.

Chỉ trong vòng chưa đến chục năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phủ kín cơ bản tới tận các trường trung học cơ sở một đội ngũ giáo viên và trang thiết bị cho môn Tin. Có lẽ đây chính là hiện thực hóa một phần mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tiên tiến. Thành tựu này xã hội đáng ghi nhận. Ấy là chưa kể đến mục tiêu phân luồng học sinh từ THPT để đáp ứng những nhu cầu nhân lực khác của đất nước, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ.  

Vấn đề chất lượng và hiệu quả của 5 năm phân ban vừa qua, có lẽ đánh giá chính xác nhất là các trường đại học - nơi trực tiếp thụ hưởng kết quả của giáo dục phổ thông (chúng tôi chờ sự lên tiếng của các trường đại học trong cả nước). Lứa học sinh của năm đầu tiên thực hiện phân ban mở rộng  tới nay mới chỉ tốt nghiệp đại học, chưa có thực tế công tác nên có lẽ chưa nói lên điều gì.

Tôi rất đồng tình với tác giả Thanh Bình là muốn cỗ máy giáo dục bậc phổ thông vận hành tốt, bảo đảm chất lượng và hiệu quả họat động, thì đi đôi với với việc đổi mới công tác quản lý, đội  ngũ giáo viên có vai trò cực kì quan trọng. Thực tế là để có một đội ngũ giáo viên có chất lượng cao (như tác giả nói là tuyển chọn ngay từ đầu vào đại học), không khó, nhưng một bộ phận giáo viên đã được đào tạo cách đây từ hơn 30 năm sẽ bố trí việc gì? Trộm nghĩ, đây chính là vấn đề lịch sử để lại nên không thể giải quyết một sớm một chiều. 

Điều tôi trăn trở mà trước nay chưa dám nói ra là một số quyết định của cấp vĩ mô trong ngành giáo dục, thứ nhất là các học sinh đoạt giải thi HSG quốc gia trước đây được ưu tiên tuyển thẳng vào đại học, nay chỉ còn được ưu tiên cộng điểm thi tuyển nên động cơ thi của học sinh giảm sút rõ rệt, trong khi thực hiện phân ban chính là đầu tư mũi nhọn theo năng khiếu và nguyện vọng học sinh. Học đại học lại chính là đầu tư theo nguyện vọng ấy. Thứ hai là hiện nay đã tổng kết đánh giá hiệu quả của 15 ngày học trước khi năm học mới bắt đầu hay chưa?

Điều cuối cùng, tôi rất đồng ý với cả tác giả Thanh Bình và LTS Dân trí rằng muốn nền giáo dục phát triển thì phải chăm lo đến đội ngũ giáo viên cả về trình độ, tri thức và đời sống. 

Không phủ nhận những yếu kém của ngành Giáo dục Việt Nam hiện nay, cần nhìn nhận một cách trung thực, phê phán một cách gay gắt, nhưng đồng thời không quên đánh giá những mặt được, nhất là những thay đổi tích cực có tính chất chiến lược quốc gia, phù hợp với xu thế thời đại để tiếp tục phát triển nền giáo dục nước nhà.

Nguyễn Bảo

LTS Dân trí - Nêu lên những mặt yếu kém, tồn tồn tại của giáo dục nói chung và THPT nói riêng không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sạch trơn những thành tựu đã đạt được. Thay sách giáo khoa mới cũng như việc mở rộng phân ban ở bậc THPT đã đạt được những mặt tích cực như tác giả bài viết trên nêu lên. Nhưng bên cạnh đó còn những điều đáng quan tâm như việc phân phối chương trình học của các ban sao cho hợp lý để học sinh không đổ dồn về học Ban cơ bản; nhất là việc triển khai thay sách giáo khoa chưa triển khai đồng bộ với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho nên hiệu quả đem lại còn nhiều hạn chế.

Chúng ta mới bước vào năm thứ năm mở rộng phân ban ở bậc THPT, còn phải tiếp tục rút kinh nghiệm cả mặt được và chưa được để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo của bậc học này.