Mô hình “Trò đánh giá Thầy” tại Việt Nam

(Dân trí) - Với xu thế tiến bộ ngày nay, người học - đối tượng được hưởng dịch vụ đào tạo - cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động đào tạo, cho nên trò được đánh giá Thầy là điều hợp đạo lý.

Hơn nữa việc tạo ra môi trường học tập dân chủ sẽ khiến cho người học thêm tự tin và có ý thức trách nhiệm hơn với bản thân mình, từ đó tạo thuận lợi cho người Thầy trong công việc giảng dạy.

Điều đó cũng giúp ích thiết thực cho Thầy không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Lợi ích thiết thực này không chỉ được chứng minh ở nước ngoài mà ở Việt Nam đã thực hiện việc trò đánh giá Thầy có kết quả tốt.

Hoạt động đào tạo trong kỷ nguyên mới

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngày nay, nhờ có internet, lợi thế về cơ hội tiếp cận tri thức không còn chênh lệch rõ rệt giữa các nước trên thế giới. Giáo dục và đào tạo cũng trong xu hướng tác động đó, và vai trò của người thầy phải đổi mới cho phù hợp với sứ mệnh và hoàn cảnh mới. Vai trò người thầy ở Việt Nam cần chuyển từ truyền thụ tri thức đơn thuần sang thành truyền cảm hứng, cơ sở nền tảng, sự tự tin, sự quyết tâm và cách tiếp cận đúng đắn cho sinh viên tự lĩnh hội tri thức cho mình.

Với vai trò chủ thể trung tâm như vậy, người học - đối tượng được hưởng dịch vụ - cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động đào tạo. Một môi trường học tập dân chủ sẽ khiến cho người học thêm tự tin và có ý thức trách nhiệm hơn với bản thân mình.
Mô hình triển khai

Hiện tại một số trường ở Việt Nam đã tổ chức việc “trò đánh giá thầy” như Đại Học FPT, Đại Học Dân Lập Hải Phòng, Cao đẳng Thực Hành FPT, Đại học Kinh tế Quốc dân... Tìm hiểu cụ thể tại trường Cao Đẳng Thực hành FPT, việc đánh giá giáo viên được thực hiện thông qua 5 tiêu chí: Sự đúng giờ của giáo viên trong giờ học; Kỹ năng sư phạm của giáo viên;  Đảm bảo khối lượng môn học theo chương trình; Hỗ trợ của giáo viên trong và ngoài giờ - trả lời Email, hướng dẫn thực hành, giải đáp thắc mắc…; Đáp ứng của giáo viên về những thắc mắc của sinh viên trong giờ học. Mỗi tiêu chí trên được đánh giá qua các mức độ từ 1 đến 4 ứng với từ “rất yếu” đến “rất tổt”, điều này tạo điều kiện cho sinh viên đánh giá được dễ dàng và khách quan hơn. Hơn nữa, giáo viên không biết cụ thể từng sinh viên đánh giá mình như thế nào mà chỉ biết một cách tổng quan. Làm như vậy sinh viên sẽ thoải mái hơn khi đưa ra ý kiến của mình mà không sợ bị thầy “trù úm”. Toàn bộ các thao tác trên được triển khai online trên hệ thống quản lý đào tạo của nhà trường. Giáo viên có thể đăng nhập vào hệ thống để xem mức độ đánh giá và ý kiến đóng góp của sinh viên đối với mình. Thông tin này cũng được ban Đào tạo tổng hợp và chuyển cho từng giáo viên qua email vào cuối mỗi môn học. Thầy Quách Ngọc Xuân, trưởng ban Đào tạo của trường Cao Đẳng Thực Hành FPT chia sẻ: “Thông tin này không phải là cơ sở để đánh giá trình độ giáo viên, mà đó là tiêu chí đo mức độ hài lòng của sinh viên về dịch vụ giáo dục mà các em được hưởng, bên cạnh đó, đây cũng là kênh để phát hiện sớm và khắc phục những vấn đề bất cập có thể nảy sinh trong quá trình dạy học”. Ý kiến người trong cuộc

Hiện nay có rất nhiều luồng ý kiến tiêu cực về việc trò đánh giá thầy, nhiều người sợ như thế “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, cũng có ý kiến lo sợ thầy sẽ sợ sinh viên vì có thể  sinh viên sẽ đánh giá mình thấp. Trao đổi với thạc sỹ Nguyễn Bá Đạt (badatcpec@gmail.com), giáo viên môn kỹ năng mềm của trường Cao Đẳng Thực Hành FPT, thầy Đạt chia sẻ “phản hồi của sinh viên giúp chúng tôi tự nhìn nhận bản thân và hoàn thiện tri thức cũng như nghiệp vụ sư phạm hơn nữa, bên cạnh đó sinh viên sẽ được tôn trọng và điều này rất cần thiết trong hoạt động dạy học”. Nguyễn Thị Vương Thảo (thaontvpb00039@fpt.edu.vn), sinh viên lớp PB0602 có ý kiến: ”Em thường đánh giá cao những thầy cô nghiêm khắc, đúng giờ, nhiệt tình giải đáp thắc mắc và luôn tạo ra những bài giảng cuốn hút”. Cũng đánh giá cao những thầy cô nghiêm khắc, Trịnh Anh Dũng (dungtapt00119@fpt.edu.vn), lớp PT0603, nhận xét: “Em thường đánh giá cao những thầy cô nhiệt tình, phương pháp giảng dạy đổi mới, nghiêm khắc và kiến thức thực tế”. Còn đa số các bạn được khảo sát đều khẳng định: “việc đánh giá không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy trong chúng em”.

Như vậy, ta có thể khẳng định nếu như cách thức tổ chức và quan niệm đúng đắn, việc “trò đánh giá thầy” có thể phát huy được hiệu quả mà không làm mất đi những giá trị truyền thống cao đẹp về quan hệ thầy trò.

 

                       

Bùi Văn Phát <phatbvfpt@.edu.vn>

Giảng viên Cao Đẳng Thực Hành

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây nêu một ví dụ cụ thể của Trường Cao đẳng thực hành FPT đã thực hiện tốt việc cho trò đánh giá Thầy theo một số tiêu chí cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của người học. Công việc này đã được tiến hành bình thường và được cả Thầy lẫn trò hoan nghênh, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc  dạy và học trong nhà trường.

Thiết nghĩ, một trường cao đẳng có quy mô không lớn, thời gian thành lập chưa lâu mà làm tốt việc này thì không có li gì những trường đại học có quy mô lớn hơn nhiều và có bề dầy truyền thống lại chưa thực hiện công việc cho trò đánh giá Thầy, một kênh thông tin cần coi trọng trong quá trình không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo.



Đương nhiên, muốn thu được kết quả tốt vẫn cần có sự chuẩn bị chu đáo để bảo đảm tính khoa học trong việc xác định các tiêu chí đánh giá cũng như tính khách quan, trung thực trong xử lý thông tin đánh giá; góp phần tăng cường mối quan hệ Thầy – Trò vì mực tiêu chung là nâng cao chất lượng dạy và học.