Mê tín dị đoan vẫn còn phổ biến

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh Hà Tĩnh rộ lên những tin đồn thất thiệt mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, gây dư luận xấu trong xã hội và làm cho nhân dân hoang mang, không yên tâm làm ăn.

Xã Xuân Thành (Nghi Xuân) xuất hiện “Thánh cậu” tên thật là Trịnh Văn Phong tự phong có khả năng chữa bách bệnh. Ở xã Trung Lễ (Đức Thọ) rộ tin đồn “người âm” hiện về trên bia mộ. Ở xã Đức Lâm (Đức Thọ), người dân lại kiện cáo nhau về chuyện một gia đình nuôi “Phạm Nhan” gây hại cho trẻ em và người ốm. Gần đây nhất, theo thông tin từ báo Hà Tĩnh, người dân ở xóm 2, Ân Phú (Vũ Quang) cũng đang lao đao vì “ma thuốc độc”.   

Điều đáng nói là những hiện tượng trên xuất hiện trong thời gian dài, làm hoang mang dư luận và gây nên nhiều biểu hiện tiêu cực. Người dân không dám cho trẻ em ra đường, không cho các em ăn quà bánh mua ở chợ. Nghiêm trọng nhất là phỉ báng, tẩy chay những người họ nghi là “nuôi thuốc độc” hay “Phạm Nhan”. Hiện tượng “Thánh cậu” ở Nghi Xuân có dấu hiệu lợi dung tâm lý mê tín dị đoan của người dân để lừa đảo.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nếu tiếp cận với những hiện tượng trên, và phân tích một cách khách quan thì dễ dàng nhận thấy tất cả chỉ là chuyện hoang đường, xuất phát từ tâm lý mê tín của người dân. Chuyện “Thánh cậu” chữa bách bệnh (ung thư, vô sinh…) bằng những vị thuốc hao hao giống nhau cộng với “phép thuật” không phải là một “kịch bản” mới, thậm chí đã quá cũ trên địa bàn cả nước. Ở xã Đức Đồng (Đức Thọ) trước đây có “Thánh” Duẩn, cũng rộ lên tài chữa bách bệnh; nhưng sau khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì “Thánh” đã hết phép, hiện nay đã học xong THPT. Mấy năm trước ở huyện Can Lộc cũng có hiện tượng tương tự. Tất cả đều lợi dụng tâm lý mê tín, “có bệnh vái tứ phương” của người dân.

Hiện tượng “ma hiện hồn” ở Trung Lễ chỉ là do tấm bia mộ lâu năm nên bị xói mòn, loang  lổ, cộng với trí tưởng tượng nên giống hao hao như khuôn mặt người. Còn chuyện “Phạm Nhan” hay “thuốc độc” thì hết sức hoang đường, đã tồn tại từ rất lâu và không chỉ trên địa bàn Hà Tĩnh. Đã có rất nhiều bài báo, cuộc điều tra kết luận đó chỉ là tin đồn thất thiệt, nhưng nhiều người dân vẫn cho là có thật, nên hoang mang, sợ hãi. Nhiều người đồn đại, nhưng khi hỏi bằng chứng thì chỉ ở dạng “nghe nói”, không hề có một cơ sở xác đáng. Dư luận cho rằng nuôi “Phạm Nhan” hay “thuốc độc” thì gia đình đó sẽ giàu có, “làm ăn nổi nhanh”. Thế nhưng gia đình bị đồn là nuôi “Phạm Nhan” ở Đức Lâm (Đức Thọ) hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Suy rộng ra, các nước phương Tây, người dân có bao giờ nuôi “Phạm Nhan”, “thuốc độc”, sao nhiều người giàu có?    

Thật lạ lùng khi ở thời đại khoa học phát triển như vũ bão, con người có thể bay lên sao Hoả và tạo ra các bộ phận cơ thể nhân tạo thì vẫn không ít người dân vẫn dễ dàng tin vào những chuyện hoang đường, linh hồn, ma quỷ, bùa ngải, tự biến mình thành những “con nhang đệ tử” của những kẻ buôn thần bán thánh, mù quáng tin và làm theo những tin đồn thất thiệt. Cái nguy hại của mê tín dị đoan không chỉ là những thiệt hại về kinh tế, mà nó đầu độc tinh thần, kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Ở đây có nhiều nguyên nhân: do trình độ dân trí thấp, thiếu thông tin, lại có sự tiếp tay của những kẻ cố tình tung tin thất thiệt để trục lợi, và cả một số tổ chức tự xưng là “nghiên cứu tâm linh” cũng “vun vào”. Hiện tượng mê tín dị đoan tồn tại dai dẳng cũng xuất phát từ sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Thậm chí có không ít cán bộ, đảng viên vẫn mê muội tin vào chuyện hoang đường, vô hình trung đã làm cho tình hình càng thêm phức tạp.   

Thiết nghĩ trước thực trạng mê tín dị đoan ngày càng gia tăng trở thành một vấn nạn, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần khẩn trương vào cuộc, bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn, xây dựng đời sống văn minh. Đối với những kẻ hành nghề mê tín dị đoan để trục lợi phải xử lý kiên quyết, không để chúng trở thành những ổ dịch bệnh làm lây lan tư tưởng mê tín trong nhân dân, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Mặt khác, cần thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Một khi dân trí được nâng cao, khoa học kĩ thuật phát triển, các dịch vụ y tế kĩ thuật cao trở nên phổ cập thì những kẻ “buôn thần bán thánh” hết đất sống.   

 

                   Trần Quang Đại

Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Hiện tượng mê tín dị đoan hiện nay còn tồn tại đây đó ở không ít địa phương, nhất là những nơi trình độ dân trí còn thấp, chính quyền chưa làm tốt công tác quản lý trật tự, an ninh xã hội.

Tác giả bài viết trên nêu lên tình hình mê tín dị đoan ở nhiều nơi và kéo dài dai dẳng ở tỉnh Hà Tĩnh. Mong rằng chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan như an ninh, văn hóa, y tế nên sớm vào cuộc cho điều tra đến nơi đến chốn, làm rõ sự thật và phanh phui những kẻ manh tâm trục lợi để xử lý nghiêm, lập lại trật tự xã hội cho nhân dân yên tâm làm ăn.

Về lâu dài, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cũng như trình độ dân trí là biện pháp cơ bản để khắc phục tình trạng mê tín dị đoan.