Mạnh tay đi tìm trách nhiệm

Việc chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với các quan chức đầu ngành trong bộ máy chính quyền trong kỳ họp Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ quốc hội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại đang rục rịch chuẩn bị cho những phiên chất vấn như thế. Và các vị Bộ trưởng thuộc khối kinh tế, văn hóa - xã hội và tư pháp lại có dịp thể hiện mình là người thạo việc và thường xuyên nghĩ tới lợi ích của nhân dân. Người dân cho rằng qua công việc chất vấn và trả lời chất vấn, sẽ biết rõ chính quyền của dân có thực sự vì lợi ích của dân hay không. Nhưng điều này cũng còn phụ thuộc vào các vị đại biểu có năng lực chuyển hoá những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến đâu, và cũng phụ thuộc vào cách trả lời chất vấn của các quan chức đứng đầu các ngành. Vì vậy, những câu chất vấn thể hiện đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân và qua trả lời thấy được ý thức trách nhiệm và năng lực của các quan chức đầu ngành. Đấy là những phiên chất vấn có chất lượng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhìn lại các phiên chất vấn một năm qua, chúng ta thấy các phiên chất vấn đang dần dần có chất lượng, đã qua rồi cái thời các quan chức đứng đầu các ngành dùng diễn đàn Quốc hội để kể lể thành tích, thanh minh trách nhiệm và đổ lỗi cho cơ chế. Đúng như lời vị chủ tịch Quốc hội đã có lần lần nhấn mạnh: “chất vấn không phải để cho vui”, phải nêu trúng những vấn đề đáng quan tâm. Các vị đại biểu giờ đây đã dám nói lên những tâm tư, nguyện vọng cử tri nhằm truy tìm trách nhiệm trước những sai sót trong công việc điều hành đất nứoc. Có một thời, người ta nghĩ rằng vì các đại biểu đưa ra những câu hỏi chất vấn dài dòng và không rõ ràng, nên không làm các quan chức đứng đầu ngành phải lo lắng về việc xem xét kỹ trách nhiệm của mình. Nhưng dần dần, với những câu hỏi càng thêm rõ ràng, cụ thể, đó là nhờ các đại biểu đã cần mẫn đọc báo, nghe đài, đã thường xuyên theo dõi đơn thư và đi sâu đi sát lắng nghe nỗi niềm của nhân dân. Các đại biểu đã xua tan được điều phàn nàn “quyền hạn của Bộ trưởng thì hữu hạn mà trách nhiệm thì vô hạn”. Qua những câu hỏi chất vấn, các đại biểu đang dần dần mạnh tay đi tìm trách nhiệm của các quan chức đầu ngành.

 

Chất vấn với nghĩa thông thường là câu hỏi của một người theo dõi, giám sát đặt ra cho người có trách nhiệm phải trả lời về vấn đề thuộc quyền hạn, trách nhiệm của mình. Câu hỏi chất vấn thể hiện sự giám sát của đại biểu Quốc hội, nó không phải là câu hỏi tìm kiếm thông tin mà là câu hỏi truy tìm trách nhiệm. Mà trách nhiệm thì có nhiều loại, hoạt động kiểm tra xác định trách nhiệm kỷ luật, hoạt động thanh tra xác định trách nhiệm hành chính, hoạt động điều tra xác định trách nhiệm hình sự, và hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội xác định trách nhiệm Hiến pháp. Nếu thực hiện phân bổ vốn đầu tư không tốt, nếu tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm chậm, nếu vẫn còn nhiều vụ án tồn đọng và năng lực thẩm phán vẫn yếu, thì chế độ trách nhiệm của các quan chức đầu ngành là trách nhiệm Hiến pháp.

 

Khi các đại biểu Quốc hội gần dân hơn và việc có những câu hỏi chất vấn rõ ràng nhằm làm rõ những vướng mắc cụ thể, cho ra những kết luận cụ thể, để từ đó Quốc hội có thể tiến đến đánh giá năng lực của người đứng đầu ngành. Chính kết quả đánh giá đó sẽ là căn cứ thuyết phục để đề xuất tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với quan chức đứng đầu các ngành. Nhưng đây vẫn còn là điều các đại biểu Quốc hội dường như còn đắn đo, chưa dùng đến công cụ quan trọng giúp đảm bảo hiệu quả của sự giám sát là bỏ phiếu tín nhiệm.

 

Trong Hiến pháp hiện hành vẫn còn đó quy định giúp các đại biểu dám mạnh tay khi nhận được những câu trả lời không thoả đáng từ những người đứng đầu ngành. Tại Điều 84 có quy đinh: “Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Quy định ngắn gọn này nói lên sức mạnh của nhân dân thể hiện qua các đại biểu Quốc hội, nó chứng tỏ ông chủ nhân dân có quyền mạnh tay nếu các công bộc là các quan chức không vì lợi ích của nhân dân. Nếu Hiến pháp trao cho các đại biểu quyền giám sát và chế tài đối với việc giám sát này được quy định trong Hiến pháp thì những chủ thể tham gia quan hệ trách nhiệm này thuộc về luật Hiến Pháp. Điều đó chứng tỏ, đối với các quan chức đứng đầu các ngành, Quốc hội có quyền tìm kiếm cơ sở để quy kết trách nhiệm Hiến pháp, đó là bỏ phiếu tín nhiệm. Trách nhiệm Hiến Pháp được xác lập dựa trên sự tín nhiệm, nếu sự tín nhiệm không còn thì có thể áp dụng các biện pháp chế tài là miễn nhiệm, bãi nhiệm.

 

Trong những khóa vừa qua, Quốc hội đã có những biện pháp trong hoạt động giám sát, từ việc ra nghị quyết về các vấn đề đã được chất vấn để chúng được quan tâm giải quyết nghiêm túc cho tới việc dự kiến sẽ có chế tài đối với việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Mong rằng những cải tiến đó ngày càng toàn diện. mạnh mẽ hơn, kể cả việc bỏ phiếu tín nhiệm. Từ đó, các quan chức đầu ngành của bộ máy chính quyến  phải quan tâm lo lắng nhiều hơn đến trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội.  Đấy chính là hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, làm cho bộ máy chính quyền ngày càng vững mạnh, thực hiện ngày càng càng tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng.

 

Lê Trọng Dũng

(Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)

 

LTS Dân trí - Chức năng giám sát của Quốc hội được thể hiện rõ nhất và trực tiếp nhất qua các kỳ chất vấn thành viên Chính phủ của các đại biểu quốc hội. Đấy cũng là hoạt động của Quốc hội được đông đảo cử tri quan tâm theo dõi.

 

Qua quá trình rút kinh nghiệm, chất lượng các kỳ chất vấn của Quốc hội không ngừng được cải tiến. Các câu hỏi đặt ra cũng như cách trả lời thường đi thẳng vào vấn đề mà cử tri đang quan tâm và đấy cũng là những vấn đề bức xúc cần giải quyết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó các thành viên Chính phủ thấy rõ những yếu kém trong lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục. Các đại biểu quốc hội cũng ngày càng thuần thục hơn trong việc thực hiện chức năng giám sát của mình, những câu hỏi đặt ra xúc tích hơn và đi thẳng vào vấn đề đáng quan tâm, giủp cho cuộc chất vấn được thu gọn và đạt hiệu quả tốt.

 

Tuy đạt được những kết quả khả quan, xong cử tri còn đặt nhiều ngưỡng vọng vào hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội để xừng đáng với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân đã được quy định trong Luật Hiến pháp như bài viết trên đây đã nêu rõ.