Liệu tiền bạc có thể đổi đen thành trắng?

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Thùy Dương trong bài viết về vụ hành hung phóng viên Minh Quốc trong buổi dạ tiệc tại Nha Trang, Khánh Hòa. Tôi chỉ muốn đóng góp thêm một số ý kiến để góp phần làm sáng tỏ những điều chúng ta đang quan tâm.

Tôi chắc rằng Tiến sĩ Luật học - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân không phải không hiểu luật mà là xuất phát từ “văn hóa xử lý tính huống” đã thấy xuất hiện đây đó ở Việt Nam.

Thường tình, một tỉnh hay thành phố nào ở nước ta cũng đều mong có những doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những công trình phát triển kinh tế, xã hội như bà Tư Hường (tôi chỉ nhấn mạnh là khoản đầu tư của bà vào việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ, còn những hoạt động đầu tư khác không bàn tới). Cho nên tâm lý của các nhà lãnh đạo tỉnh và thành phố cũng như những người có chức quyền tại đó đều có phần vì nể những người như vậy, và nhiều lúc có thái độ “châm trước”, nhún nhường. Và cũng từ đó nảy sinh tâm lý “ngại” xử lý nếu như có vấn đề gì liên quan đến họ. Khi sự việc xảy ra, để “hoãn binh”, “chờ ý kiến chỉ đạo” nên ông Thân mới trả lời báo chí là khi nào bị hại có đơn yêu cầu thì mới xử lý. Nói thẳng ra là ông Thân sợ nếu sốt sắng làm đúng luật thì không biết có chuyện gì liên lụy không và ông lúng túng, tôi chắc là như vậy.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đúng là nước ta đang phát triển, rất cần sự chung tay góp sức từ những nhà đầu tư tư nhân vào các hoạt động chung của nền kinh tế, của xã hội. Tuy nhiên không vì thế mà tất cả đều “chiều” họ, nhất là khi việc họ gây nên đụng đến cốt cách văn hóa, đến lòng tự trọng dân tộc, lại trước sự chứng kiến của báo giới, của nhiều quan khách cả trong nước và ngoài nước, đặc biệt là có rất nhiều Hoa hậu hoàn vũ đến từ các nước.

Nhân sự việc này mà nhân dân cả nước một lần nữa thấy rõ những biểu hiện của một số quan chức kém bản lĩnh và  thiếu công tâm; cho nên dễ phát sinh cái “văn hóa ứng xử nể nang người giàu” mà biết đâu trong thứ “văn hóa” ấy còn có sự ngoắc ngoặc công khai hoặc ngấm ngầm nào đó?

Muốn cho dân tin vào sự công minh của luật pháp, chúng ta phải thẳng tay trừng trị đúng luật đối với những kẻ ngạo mạn kiểu trọc phú, như con cháu bà Tư Hường, dám ngang nhiên hành hung và trấn áp nhà báo trước sự chứng kiến của đông đảo quan khách. Sự nghiêm minh của pháp luật trong trường hợp này không những để khẳng định cốt cách văn hóa vốn có của dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa răn đe bọn ngạo mạn vô văn hóa, và giúp chính bà Tư Hường dạy cho đám con cháu từ nay về sau biết phép xử sự phải đạo của con người Việt Nam, biết tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh, nếu tỉnh Khánh Hòa không xử lý nghiêm vụ này thì nhiều người được chứng kiến vụ việc đó - cả chứng kiến trực tiếp và gián tiếp - sẽ mặc nhiên hiểu rằng ở Khánh Hòa tiền bạc có thể thay đổi được cốt cách văn hóa, thay đổi được sự công tâm của cán bộ, và nghiêm trọng hơn là có thể đổi đen thành trắng và ngược lại.

dd2007d@yahoo.com


LTS Dân trí - Trong những tình huống điển hình, tính cách và bản lĩnh con người dễ bộc lộ nhất. Không biết ông Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 có rơi vào tình huống này không mà khiến cho câu trả lời của ông trước hành động phạm pháp của con cháu nhà tỷ...tỷ phú trở nên dè dặt và bị động đến như vậy ? !

Nhưng dù sao lỡ lời…cho đến bây giờ còn có thể sửa được. Và cách sửa tốt nhất là quay trở lại với cốt cách văn hóa và bản lĩnh vốn có của dân tộc Việt Nam: uy vũ không thể khuất phục, giầu có - tiền bạc không thể mua chuộc. Kẻ có tội, nhất là tội đó không chỉ làm hại thân thể - thanh danh của một cá nhân đang thi hành công vụ mà còn làm ngượng mặt nước chủ nhà đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008.

Xét về tính chất và hệ lụy của vụ phạm pháp này, không cần đến bằng tiến sĩ luật học, mọi người dân có lòng tự trọng và tự hào dân tộc đều thấy rõ  mức độ nặng nề của nó, không thể “châm trước” vì bất kỳ lý do gì mà không đưa ra xét xử kịp thời và công minh.