Vụ hỏa hoạn tại An Lão, Hải Phòng:

Lặp lại điệp khúc “lỗi tại... khách quan”

(Dân trí) - Việc nhà xưởng không có cửa thoát hiểm, không có phương tiện phòng chống cháy nổ đúng là điều không thể chấp nhận. Nhưng dư luận muốn có câu lời cho câu hỏi: vì sao những cơ sở thiếu an toàn như vậy vẫn được cấp phép hoạt động?

Qua trả lời phỏng vấn Dân trí của Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xung quanh vụ cháy kinh hoàng tại An Lão, Hải Phòng, những phân tích về nguyên nhân được đưa ra khiến dư luận tiếp tục phản ứng mạnh mẽ.

 

Nhiều độc giả nêu rõ: Hầu như lần nào cũng vậy, cứ sau khi có những sự cố thương tâm xảy ra thì các ban ngành liên quan lại nại cớ lý do khách quan, cụ thể là công việc nhiều, nhân lực mỏng không quán xuyến hết được ...

 

Độc giả Phạm Ngọc Phương: ngocphuong@gmail.com phản ứng gay gắt trước kiểu làm việc tắc trách “mất bò mới lo làm chuồng” của nhiều cơ quan quản lý:

 

“Đây là bài học đắt giá cho cơ quan quản lý địa phương: chắc chắn khi DN dù to hay nhỏ khi hoạt động, đơn vị quản lý địa phương mà cụ thể là UBND phường và nhất là đơn vị quản lý thuế phải biết, nếu là DN chưa được cấp phép.

 

Tệ hại hơn nữa nếu DN này mà đã được cấp phép thì người đã cấp phép cho doanh nghiệp này hoạt động phải bị khởi tố. Không biết trong luật có khoản nào để kết tội vô trách nhiệm trong công việc khiến chết hàng chục người và bị thương nặng hàng chục người như vậy không. Mất người rồi, bây giờ mới tá hỏa đi kiểm tra các cơ sở sản xuất. Mất bò mới lo làm chuồng” .


Lặp lại điệp khúc “lỗi tại... khách quan”  - 1

Hiện trường vụ hỏa hoạn kinh hoàng (nguồn ảnh: internet)

 

Bức xúc trước lý do thiếu nhân lực của cơ quan chức năng tran tham: hoaly@yahoo.com đặt câu hỏi:

 

“Vậy thì khi nào cơ quan quản lý mới hoàn thiện cơ cấu cán bộ để thực hiện công việc, trong khi nếu cứ để như vậy thì tính mạng người lao động luôn bị đe dọa... Tôi thấy hàng loạt nhà máy hoạt động năm này sang năm khác mà chẳng bao giờ thấy phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Hình như cứ xảy ra chuyện thì mới thấy nói, nhưng nói xong lại...đâu vào đấy ấy mà...”

 

Cũng chung quan điểm Bá lâm: leloimb@yahoo.com.vn nêu một thực trạng đã ăn sâu vào suy nghĩ, cách làm của không ít cán bộ hưởng lương Nhà Nước:

 

“Ở Việt Nam mình thường khi có sự việc gì xảy ra, cơ quan chức năng lại đổ lỗi do thiếu người, do khó khăn. Tóm lại do khách quan, chứ không ai chịu nhận trách nhiệm.

 

Theo điều 15, 16 của Luật Phòng cháy chữa cháy, quy định rõ: trước khi xây dựng công trình phải được thiết kế và thẩm duyệt hệ thống phòng cháy, chữa cháy. “Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng” - Xưởng giày da mới hoạt động 1 tháng, không đảm bảo an toàn cháy nổ mà vẫn được phép hoạt động?”, độc giả Bá lâm cũng chỉ ra những sai sót thuộc về lỗi của các cơ quan quản lý.

 

Tính mạng người lao động luôn bị đe dọa bởi những hiểm nguy trong lao động sản xuất, và đặc biệt là trong sự việc cháy xưởng sản xuất giày da tư nhân ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng hôm 29/7 vừa qua tiếp tục cho thấy nhiều nguy hại cũng như sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

 

Từ những sự việc đáng tiếc này, nhancachvn: nhancachvn@gmail.com trăn trở trước câu hỏi:

 

“Việc không chấp hành đủ các điều kiện AT PCCN của doanh nghiệp này, gây ra cái chết của 13 người chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Họ vẫn nhận lương nhưng làm việc lại tắc trách. Còn vô vàn các doanh nghiệp khác đang sản xuất nhưng sử dụng các hóa chất độc hại, rồi lại thải ra nhiều chất độc hại đi vào nguồn nước hay thấm xuống đất, rồi lại đi đến nguồn nước ngầm đang đầu độc người dân. Vậy nhưng cơ quan chức năng trong lĩnh vực này đã làm được bao nhiêu vụ rồi???”.

 

Như phản ánh của vilv: lavanvi@hotmail.com thì có vẻ như sự buông lỏng của các cấp chính quyền không phải chỉ xảy ra ở một số vùng miền:

 

“Kế nhà mình có xưởng sản xuất dùng vật liệu nhựa, dễ cháy nổ. Kết cấu nhà xưởng y chang nhà xưởng bị cháy ở HP. Mình đã làm đơn thưa kiện về an toàn PCCC, nhưng đã 3 tháng rồi có thấy xử lý gì đâu. Làm 24/24h luôn, mà hình như không có giấy phép nữa (vì không có bảng hiệu)...”.
 
Lặp lại điệp khúc “lỗi tại... khách quan”  - 2

24 tuổi, Phạm Thị Hồng Phương phải chịu những đớn đau tột cùng về thể xác (Ảnh: Q. Đô)
 
 Còn Phấn Hùng: Phanhungtg@Gmail.com cũng đưa ra câu hỏi tương tự kèm gợi ý dành cho cơ quan quản lý:

 

“Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm về hậu quả của vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng này. Trách nhiệm của cơ quan thanh tra về an toàn lao động và chính quyền các cấp ở đâu? Hay là khi xảy ra hậu quả nặng nề rồi mới kiểm tra, thanh tra để đổ lỗi cho nhau?... Theo tôi, việc tìm ra nguyên nhân vụ cháy để không bao giờ tái diễn tình trạng tương tự là cần thiết. Nhưng trước hết cũng cần có lời của đại diện cơ quan chức năng quản lý, công khai xin lỗi gia đình các nạn nhân và nhân dân cả nước về vụ việc này. Đây cũng là điều mà nhiều người dân mong đợi!”.

 

Một lần nữa, Phuong: phuonghuelam@yahoo.com.vn nhấn mạnh công tác phòng chống để nhằm giảm thiểu những hậu họa đáng tiếc:

 

“Tôi thấy có lẽ không có ở đâu như VN mình: lúc chưa xảy ra chuyện thì chẳng thấy kiểm tra gì cả, đến lúc xảy ra sự cố mới điều tra rồi truy tố. Làm vậy được gì, nếu như mầm bệnh lúc đầu mình không tìm cách ngừa và trị nó, đến khi phát bệnh liệu có chữa khỏi được không?”

 

Trước cái chết đau thương, oan uổng của những công nhân nghèo, Tran Chinh: hung_dngmanh@yahoo.com kiến nghị phải xử lý thật nghiêm những người có trách nhiệm trong vụ việc cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng này:

 

“Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý về tai nạn thảm khốc này. Nếu cơ quan quản lý không cho phép thì làm sao một cơ sở sản xuất sơ sài, ngay giữa khu dân cư lại có thể hoat động được. Coi thường sinh mạng của người dân quá. Cần xem xét hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với cơ quan quản lý các cấp liên quan trong vụ việc này. Nếu cần thì khởi tố để làm gương”.

 

Trong khi đó độc giả Trần Quang: quangpt@yahoo.com cảnh báo:

 

“Nếu còn để công tác quản lý về an toàn lao động như hiện nay thì không thể quy trách nhiệm cho ai được. Để một cơ sở đi vào sản xuất, trước hết có ĐKKD do sở KH-ĐT cấp, có thiết kế cơ sở do sở Xây dựng, Công an PCCC duyệt, có giấy phép đảm bảo an toàn LĐ của sở LĐ-TBXH... Chứ cứ để thêm những trường hợp như sự việc cháy nổ kinh hoàng tại Hải Phòng vừa qua thì hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm đây?”

 

Lại một bài học xương máu và nước mắt xảy ra để rồi kinh nghiệm vẫn chỉ là... kinh nghiệm. Mong rằng, đây sẽ là bài học sau cùng để các cấp chính quyền, các nhà quản lý cần có chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.

 

Giờ đây, bao tấm lòng người Việt trên toàn thế giới đang kết nối lại với mong ước xoa dịu những đau thương mất mát mà các nạn nhân cũng như gia đình họ đang phải gánh chịu.

 

Linh Nhã