Lẳng lặng mà nghe “họ” ... chúc nhau!

Trước tiên xin quý vị độc giả miễn thứ cho điều này: Nguyên văn câu thơ của nhà thơ trào phúng đất Non Côi sông Vỵ mà ai ai cũng thuộc, là: "Lẳng lặng mà nghe "nó" chúc nhau"; nhưng kẻ hậu sinh này xin được dùng chữ “họ”.

Bởi nhẽ thời Cụ, có thể sự nhận diện quan thanh liêm, quan chính trực hay quan tham... là khá dễ dàng! Dễ, nên Cụ chả sợ gì, cứ thẳng ... miệng gọi bọn họ là "nó" (mặc dù Cụ chưa chắc đã lớn tuổi hơn... "nó"!). Bây giờ "tham nhũng" lại có khi là "đồng chí" của mình, là “cấp trên” của mình, là cái nhà ông đã từng đứng trên bục rao giảng "đạo đức Cách Mạng" cho mình; thì dù Cụ Tú có cho phép, tôi, kẻ viết bài này cũng không dám gọi bằng ... "nó"! Thôi, gọi "họ" cho nó lịch sự.              

Thời đại bây giờ, "sống và làm việc theo pháp luật", nên càng phải thận trọng. Đã nói đến pháp luật thì điều trước tiên là phải có bằng chứng - không bằng chứng, dễ mắc tội vu khống lắm. Cho nên mới thấy "có biểu hiện... " mà đã gọi người ta bằng "nó", bằng "đứa" như Cụ Tú thời xưa, thì vô phép, có ngày chuốc họa vào thân!             

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trước kia, trong ngày Tết truyền thống, cán bộ và nhân dân mình cũng chúc nhau; nhưng là chúc "mạnh khỏe", "hạnh phúc", chúc "thi đua yêu nước", chúc "làm việc bằng hai", chúc "lập chiến công", "lập thành tích",... chứ tuyệt không có chúc giầu sang. Đặc biệt cái từ "thăng quan tiến chức" bị giấu biệt!              

Những Tết đầu tiên nghe mấy cán bộ Nhà Nước mình chúc nhau: "an khang thịnh vượng", nhiều người đã thấy "chờn chợn", ngường ngượng, khó lọt tai lắm! Lâu dần nghe nhiều, mới thấy quen. Người chúc cũng cười, mà "xếp" cũng cười! Vui vẻ, đầm ấm, sung sướng và hạnh phúc lắm! Rồi “cơ chế thị trường” ngày càng phát triển, người ta không chỉ chúc xuông, mà còn dâng tặng nhau những "lễ" rất hậu. Hậu đến mức nào ư? Thông thường là những phong bì USD, rồi có khi cả một chiếc xe hơi đời mới hay một lô đất cũng nên (nhưng chẳng có bằng chứng đâu, dân ngồi bệt dưới đất thì làm sao có bằng chứng được? Nói nghe biết vậy thôi đấy nhé!). Thế là "lời chúc" lập tức thành hiện thực! Hơn cả trò ảo thuật của nhà ảo thuật lừng danh thế giới "Cooc-pơ-phin"! Cụ Tú mà sống lại, phen này buôn "lọng", nuôi gà, chắc chắn đều lãi to! Mà Cụ Tú cũng thật lẩm cẩm, ai lại đi lo "trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?". Để kho bạc, để vào thẻ ATM, nhiều nữa thì gửi sang ngân hàng nước ngoài. Một cú "kích chuột" là xong - thời đại "a-còng" mà! Đâu có lạc hậu như cái thời Cụ?!. Cho nên thiên hạ hãy lắng nghe:

"Lẳng lặng mà nghe "họ" chúc nhau
Chúc cho toại nguyện cả sang… giàu
Con đường… luồn lách  thênh thang mãi
Suốt cả đời này đến kiếp sau… 

Vâng! Dân mình từ lâu đã có nếp sống văn minh không còn đốt pháo vào dịp Tết nữa. Thật yên tĩnh, tha hồ “lẳng lặng mà nghe...!”

Trần Huy Thuận
Nam Định


LTS Dân trí - Bài viết có tính trào phúng nói trên chẳng qua có nhã ý mua vui cho độc giả vào dịp đầu xuân. Nhưng sau khi cái vui thoáng qua, chắc còn để lại cho độc giả đôi điều suy ngẫm.

Chắc ai cũng nhận thấy rằng thời chúng ta đang sống khác rất xa với thời cụ Tú Xương. Từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nước ta ngày nay được cả thế giới biết đến, đã từng là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc; là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới; lại đã từng tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC, Đại hội thể thao Đông Nam Á…

Chỉ điểm qua một vài điều như vậy đã thấy vị thế của đất nước ta cúng như nhân dân ta đã khác xưa nhiều lắm. Chúng ta đang tiến bước mạnh mẽ trên lộ trình hội nhập nền văn minh thế giới. Ấy vậy mà vẫn phải đối mặt với tệ nạn tham nhũng âu cũng là tệ nạn có “tính toàn cầu”, cho nên vào dịp vui xuân này có đôi lời bắt chước cụ Tú khi xưa ”lặng lặng mà nghe…” để cảnh báo và nhắc nhở nhau xem ra cũng không phải là thừa!