Thanh Hóa:

Làm dự án, tự ý chặt phá hàng trăm gốc bạch đàn của dân?

(Dân trí) - Trong lúc thi công dự án tiêu úng Đông Sơn, Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Đô thị đã tự ý đốn hạ rất nhiều cây bạch đàn trồng cả chục năm của một hộ dân thuộc xã Quảng Hưng (TP Thanh Hóa).

Theo phản ánh của ông  Nguyễn Viết Tuấn (thuộc Phường Quảng Hưng - TP Thanh Hóa) thì gia đình ông khai hoang được mảnh đất phía nam, ven sông tiêu úng Quảng Châu (vị trí mảnh đất hiện nay thuộc khu phố 1, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa). Để tận dụng diện tích đất đã khai hoang, ông Tuấn cùng gia đình đã trồng hàng trăm gốc bạch đàn từ cả chục năm trước.

Tuy nhiên, vào ngày 30/5/2014, trong quá trình triển khai dự án tiêu úng Đông Sơn, đơn vị thi công bỗng dưng đốn hạ nhiều gốc cây bạch đàn (thuộc phạm vi dự án và khu vực bên ngoài phạm vi dự án) mà hộ gia đình ông Tuấn đã trồng trước đó nhiều năm. Điều đáng nói là khi thực hiện hành vi được cho là phá hoại tài sản trên, đơn vị thi công không có thông báo cụ thể thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho đến hai ngày sau được người dân thông báo gia đình mới tá hỏa chạy ra thì toàn bộ bạch đàn nằm ngoài dự án của gia đình đã bị đốn hạ, nằm ngổn ngang không ai trông coi hay bảo vệ.

Những cây bạch đàn bị đốn hạ nằm ngổn ngang dưới bùn
Những cây bạch đàn bị đốn hạ nằm ngổn ngang dưới bùn
Những cây bạch đàn bị đốn hạ nằm ngổn ngang dưới bùn

Cũng theo ông Tuấn thì khi nhà nước có chủ trương thu hồi diện tích nằm trong vùng dự án để phục vụ thi công, gia đình đã chặt cây, bàn giao lại đất cho chính quyền. Riêng diện tích đất trồng cây lâu năm nằm ngoài khu vực dự án đã được phường Quảng Hưng chấp thuận cho trồng cây trước đó cũng bị đơn vị thi công đã ngang nhiên chặt hạ mà không có thông báo hay phối hợp để giải quyết.

“Số cây mà đơn vị thi công dự án đã chặt phá ước tính lên tới gần 200 gốc bạch đàn, đường kính trung bình là 50cm/cây, ước khoảng 60 m3 gỗ. Nếu thính theo giá thị trường thì toàn bộ số cây đã bị chặt phá cũng phải lên tới gần 400 triệu đồng. Thế nhưng sau khi sự việc xảy, có một người phía công ty đến thỏa thuận với gia đình hỗ trợ 5 triệu đồng nhưng gia đình không đồng ý.  Cho đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, đống bạch đàn của gia đình vẫn nằm ngổn ngang dưới đất. Cơ quan chức năng không hề đào gốc kiểm kê và bảo vệ tài sản cho gia đình tôi” - ông Tuấn cho biết.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Xưởng - Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng xác nhận sự việc ông Tuấn phản ánh và cho biết hiện sự việc đang được giao cho phía Công an phường thụ lý, giải quyết. Ông Xưởng cũng khẳng định trước khi đốn hạ công ty có nhờ trưởng phố thông báo tới gia đình. Mặc dù vậy, ông Xưởng phân trần: “Nếu cả phía Công ty phối hợp tốt với gia đình thì không đến mức phải xảy ra như thế”.

Điều đáng nói sự việc đã xảy ra gần 1 tháng thế nhưng khi trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Bản - Trưởng Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Miền trung không khẳng định được số cây mà đơn vị thi công đốn hạ của gia đình ông Tuấn là nằm trong dự án hay ngoài dự án, ông cũng không khẳng định việc đốn hạ cây của gia đình ông Tuấn là đơn vị thi công đã làm đúng hay sai tuy nhiên ông một mực cho rằng: “Tiền đã nhận thì phải bàn giao mặt bằng. Gia đình ông Tuấn đã nhận tiền nhưng không thực hiện nghĩa vụ thì khi làm dự án, đơn vị thi công phải cưa cây. Họ cưa cho là may”.

Ông Trịnh Văn Bản (phải), ông Hà Minh Thuận trao đổi với PV
Ông Trịnh Văn Bản (phải), ông Hà Minh Thuận trao đổi với PV

Trên thực tế, Công ty chưa cho cắm mốc, lật gốc cây để kiểm tra cụ thể thế nhưng ông Bản vẫn khẳng định gia đình ông Tuấn “khai man” số cây cũng như độ tuổi, đường kính cây để “vòi tiền”.

Còn ông Hà Minh Thuận - Phó ban Quản lý Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung thì cho biết: “Chúng tôi có nhờ Trưởng phố thông báo tới gia đình nhưng không hiểu vì lý do gì gia đình lại không nhận được thông báo. Hiện tại chưa thể kết luận được số lượng cây gỗ lâu năm nằm bên ngoài phạm vi dự án mà đơn vị thi công đã đốn hạ của gia đình ông Tuấn trong quá trình thực hiện dự án. Để  biết chính xác số liệu thiệt hại, chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị có liên quan cắm mốc, kiểm tra lại số lượng thiệt hại. Nếu đúng có chuyện đó xảy ra thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”.

Nguyễn Thùy