Từ bài viết: “Bài học cảm động từ một cậu bé 9 tuổi ở Nhật”:

Lạm bàn về giáo dục Việt Nam

(Dân trí) - Suốt mấy ngày qua, cả thế giới hướng về Nhật Bản, nơi người dân đang hứng chịu những khó khăn do thiên tai mang lại. Không ít bài viết mà tác giả muốn kể lại những điều tai nghe mắt thấy về sự kiên cường của người dân đất nước Mặt trời mọc...

Đọc được một bài viết về cậu bé 9 tuổi, dù mất cả gia đình, dù đói rét vẫn thể hiện là một đứa trẻ được giáo dục tốt, tôi thực sự rất xúc động, nước mắt chực trào ra. Tôi cũng rất thấy xấu hổ vì thấy rằng mình chẳng thể bằng được một đứa trẻ (dù tôi cũng là giảng viên đại học, cũng không cảm thấy mình quá thấp kém trong con mắt người khác). Ngẫm lại, không biết đến khi nào đất nước Việt Nam mới có thể nuôi dạy được một thế hệ những đứa trẻ như vậy.

 

Vậy tại sao chúng ta không thể (hay chưa thể) có một thế hệ đáng để thế giới ngưỡng mộ? Theo tôi, lỗi trước hết thuộc về các nhà giáo dục, mà "thủ phạm" quan trọng nhất là những nhà hoạch định chính sách về giáo dục.
 
Lạm bàn về giáo dục Việt Nam  - 1

Một bé trai tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, chờ lấy nước sôi để ăn mỳ. (nguồn ảnh: lemac@yahoo.com)

 

Mấy năm nay, chắc hẳn mọi người dân Việt Nam đều "bội thực" với rất nhiều cải cách trong giáo dục mà những người chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là thế hệ trẻ, xa hơn là kinh tế của đất nước, hình ảnh đất nước và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

 

Các cụ nhà ta có một hình ảnh “xây nhà từ nóc” để chỉ những việc làm không phù hợp với thực tế khách quan, không quan tâm đến gốc rễ của  vấn đề, thiếu tư duy hệ thống. Tôi mạnh dạn nói rằng các nhà hoạch định chính sách giáo dục của ta đã thực hiện “xây nhà từ nóc”.

 

Nói một cách hình ảnh thì như thế này: Nếu ta hình dung sự học của một con người như là sản xuất một sản phẩm, thì các nhà hoạch định chính sách của ta sẽ nhìn vào một sản phẩm tồi mà nói rằng: “Tất cả lỗi là do công đoạn hoàn thiện sản phẩm”. Từ đó họ sẽ ra một mệnh lệnh: “Tất cả hãy tập trung vào công đoạn hoàn thiện sản phẩm cho tôi”. Họ đã quên rằng, để có một sản phẩm tốt thì mọi khâu đều quan trọng, không được coi thường khâu nào.

 

Thế mà họ đã làm gì trong mấy năm qua. Họ đưa ra nghị quyết “ Nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. Họ tổ chức hội thảo (kinh phí thì đương nhiên là từ ngân sách, cũng chính là tiền thuế của dân mà ra), họ chi tiền cho hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác đi nước ngoài “khảo sát, học tập” (dĩ nhiên là cũng bằng tiền ngân sách).
 
Mọi chuyện sẽ không quá tệ nếu những người đó đi mà học được ít nhiều cái hay của thiên hạ, chọn lấy những cái phù hợp để về áp dụng cho ta. Nhưng (hình như) ai cũng biết rằng nhiều người đi du học đó là những người thủ cựu, trình độ ngoại ngữ hay trình độ chuyên môn đều yếu kém, đi nước ngoài cốt là đi du lịch trước khi "hạ cánh". Nhưng đi rồi thì về phải có cái để báo cáo, để thể hiện là ta học hỏi được rất nhiều. Thế là họ viết ra một loạt các đề án này kia (và đương nhiên đề tài cấp nhà nước thì cũng có kinh phí kha khá), hô hào mọi người thực hiện.

 

Nói gần nói xa, tôi cũng xin nói thẳng là các vị làm như vậy sẽ chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Hãy làm cái việc xây một cái móng thật vững cho ngôi nhà giáo dục Việt Nam, sau đó hãy nghĩ đến việc xây cái gì trên đó.
 
Hãy bắt đầu với những cấp học đầu tiên. Hãy thay đổi tư duy đào tạo trẻ con, đừng đưa ra một cái chuẩn xa vời nào đó để rồi ai cũng biết là không thể thực hiện được.
 
Hãy dạy trẻ biết sống có trách nhiệm, biết sống độc lập, biết vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Hãy thay đổi sách giáo khoa, đừng viết sách theo kiểu hàn lâm nữa, có phải ai cũng có thể trở thành nhà khoa học đâu! Hãy chấp nhận có sự thay đổi, dù thời gian đầu cách tiếp cận này chưa được tất cả ủng hộ.
 
Hãy chuẩn bị thật tốt để mọi trẻ em Việt Nam đều được đến trường (không phải bằng cách nửa đêm bố mẹ phải đi xếp hàng, thậm chí dẫm đạp lên đầu người khác chỉ để đăng kí cho con vào trường mẫu giáo hay tiểu học).
 
Hãy lo lắng cho đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học để họ yên tâm công tác. Hãy để khẩu hiệu: “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đi vào thực chất chứ không phải hình thức. Hãy đừng bắt một đứa trẻ mang cái cặp sách nặng 5kg, hãy đừng bắt trẻ phải học thêm triền miên ngày này qua ngày khác không có nổi một ngày nghỉ.

 

Tôi tin rằng nếu chúng ta làm được điều đó thì đến một lúc nào đó đất nước và con người Việt Nam sẽ được cả thế giới ngưỡng mộ, như thế giới ngưỡng mộ người Nhật Bản bây giờ. Và một ước muốn nhỏ nhoi hơn, tôi muốn đến lúc nào đó người Việt Nam mình khi đọc một câu chuyện về cháu bé người Nhật như ở trên sẽ không ai cảm thấy xấu hổ vì mình không thể làm được như cháu.

 

                                                                                              Lưu Hoàng Lân

                                                                                        Đại học Phương Đông