Tiêu điểm

Không thể rũ bỏ trách nhiệm

Liên tục có nhiều nạn nhân chết vì sụp cống tại TPHCM, trước đó có nhiều người chết hoặc bị thương vì điện giật, cần cẩu rơi, cây đổ. Nhưng đối với các vụ việc này, chưa thấy có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, thậm chí còn đổ lỗi cho nhau.

Trước hết, phải xác định trách nhiệm pháp lý của đối tượng gây ra tai nạn.    

Ông Phạm Văn Đông - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM cho biết: "Có nhiều ý kiến của cử tri, của đại biểu HĐND bày tỏ sự phẫn nộ vì những cái chết thương tâm do sụp cống, vấp nắp cống thoát nước và tai nạn do các lỗ thủng trên đường. Theo tôi, sự vô trách nhiệm dẫn đến chết người phải được xử lý như một tội hình sự mới đủ sức răn đe". Điều mà vị đại biểu HĐND TPHCM nêu lên hoàn toàn có căn cứ về mặt pháp lý, có thể xử lý về mặt hình sự. Theo luật sư Phan Trung Hoài, trong trường hợp để xảy ra tai nạn nghiêm trọng hoặc chết người, trước hết cần xác định rõ trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của các pháp nhân nói trên theo quy định tại các điều 93, 307, 604, 605 và 610 Bộ luật Dân sự năm 2005, trong đó thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, cũng như một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận, hoặc nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Nhưng nếu cá nhân nào có hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác, còn có thể bị phạt tiền từ 5  đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm như được quy định tại Điểm (g) Khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2009.

Luật pháp đã có quy định điều chỉnh hành vi vi phạm và đối tượng chịu trách nhiệm nhưng trên thực tế, các đơn vị như nhà thầu thi công, chủ đầu tư dự án và đơn vị tư vấn giám sát, sở giao thông công chính đều cho rằng mình vô can trước các tai nạn chết người vừa xảy ra. Nếu như pháp luật không xử lý nghiêm những vụ gây tai nạn chết người do sự bất cẩn trong xây dựng các công trình, trong quản lý và khai thác các tuyến đường và hệ thống hạ tầng thì sẽ còn nhiều vụ khác xảy ra.

Từ nguồn thuế, chính quyền địa phương có trách nhiệm xây dựng cầu đường, khai thác và quản lý. Người dân đóng thuế cũng là để được đi lại an toàn, được bảo vệ tính mạng nhưng rất đáng tiếc là lâu nay các cấp chính quyền  đã không làm tròn trách nhiệm của mình, để xảy ra quá nhiều tai nạn. Cho dù là lỗi của đơn vị thi công hay vì bất kỳ lý do nào đi nữa, chính quyền cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm.

Lê Chân Nhân