Bạn đọc viết:

Khoảng lặng ... buồn

“Có người đã nói khoảng cách giữa hai kỳ họp Quốc hội hay Hội đồng nhân dân là “khoảng lặng …buồn” của các đại biểu dân cử?! Trong khi nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm vẫn xảy ra, làm nhức nhối xã hội”.

Trong luật Đại biểu Quốc hội hay luật HĐND, có quy định mỗi năm có hai kỳ họp, còn khoảng giữa hai kỳ họp là thời gian dành cho các đại biểu tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cả những đề nghị khiếu nại của dân với chính quyền các cấp. Nắm rõ chức trách nhiệm vụ đại biểu. Không ít đại biểu luôn đi sâu, đi sát nắm chắc tình hình, dư luận, nhất là những vấn đề nhạy cảm nơi mình ứng cử hoặc công tác. Không ít đại biểu là chỗ dựa, niềm tin của nhân dân, mọi vấn đề thuận lợi hay khó khăn đều được nghe dân nói, nói dân nghe, dân làm theo.
 
Ngược lại nhiều, thậm chí rất nhiều đại biểu hoặc do bận công việc chuyên môn hoặc do trình độ năng lực, đạo đức, lối sống... không đáp ứng, không đủ tư cách nên ngại, không phát huy hết vai trò một đại biểu dân cử. Thường chỉ trước hoặc sau kỳ họp, người ta thấy đại biểu dành vài ngày, đi vài nơi và thường gặp mặt “đại cử tri” nghe báo cáo tình hình của địa phương cơ sở, xin tiếp thu vài ý kiến đề xuất kiến nghị và hứa... rồi sau đó chẳng thấy phúc đáp trả lời.
 
Không ít đại biểu thời gian giữa hai kỳ họp là thời gian “chết”! Bởi thế cử tri mới có nhận xét rằng: Có không ít đại biểu nhất là đại biểu HĐND cấp huyện, xã chỉ khi ngồi trong hội trường mới biết mình là đại biểu dân cử, vì phải giơ tay biểu quyết, phải bỏ phiếu?. Và ngay trong hội trường có đại biểu vẫn không phải đại biểu vì chỉ thấy họ ngồi im. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XI, khi đánh giá về chất lượng Đại biểu, có nhiều ý kiến phê bình một số đại biểu không có chính kiến, ít hoặc không tham gia phát biểu, chất vấn, tranh luận.
 
Chúng tôi nhớ rằng Đại biểu Nguyễn Lân Dũng; Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân; Dương Trung Quốc... có ý kiến nhắc nhở các đại biểu khối lực lượng vũ trang, tuy đông nhưng ít tham gia phát biểu. Lại còn nhiều đại biểu do kiêm nhiệm nhiều việc, nên không có thời gian, khi đi họp tranh thủ làm việc riêng cho địa phương, cơ quan, nhờ tranh thủ gặp làm việc với bộ này, sở nọ, phòng ban kia, nên không nắm được nội dung chưa nói đến việc không dám chất vấn vì sợ mất lòng, nên khi về địa phương khó phát huy hết vai trò đại biểu.
 
“Khoảng lặng” càng sâu, càng dài, nỗi “ buồn” càng nhiều, trong khi xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, thì lòng tin của cử tri vào các đại biểu càng giảm, thậm chí không còn. Chúng ta có một đội ngũ đại biểu dân cử từ trung ương đến tận xã, phường, thị trấn với số lượng có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn vị, nhưng vì có nhiều “khoảng lặng buồn”, nên tình trạng khiếu nại, tố cáo, thậm chí đi khiếu kiện đông người vãn diễn ra hàng ngày tại Hà Nội hay các công sở chính quyền các địa phương?!

Nhiệm kỳ của HĐND các cấp, Quốc hội khoá XII, thời gian không còn nhiều, cử tri mong rằng các đại biểu dân cử hãy phát huy hết vai trò trách nhiệm, thực sự là đại diện của dân, để khi cầm lá phiếu bầu cho nhiệm kỳ mới, cử tri không phải lăn tăn, trăn trở...

Phùng Văn Mùi