Khổ cực qua sông ở vùng cao

(Dân trí) - Giữa dòng sông ngầu đục vì lũ, thậm chí có những đứa trẻ chỉ mới 12, 13 tuổi chênh vênh trên những chiếc bè để sang được bên kia sông, suối…

Khổ cực qua sông ở vùng cao - 1

Để sang sông, người dân vùng cao phải dùng đến những chiếc bè bằng tre, nứa như thế này
Lâu nay, ở vùng cao, muốn qua sông, phần lớn người dân chọn cách làm bè bằng tre , nứa hoặc thân chuối, rồi gồng mình chống bè để sang bên kia sông. Dần dà, những chiếc bè “tự tạo” ấy trở thành phương tiện “giao thông” không thể thiếu đối với đồng bào vùng cao. Đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh dọc sông Avương, huyênh Tây Giang, tỉnh Quảng Nam không ít người phải rùng mình khi chứng kiến đồng bào vùng cao “sang sông” bằng những chiếc bè như thế. Giữa dòng sông ngầu đục vì lũ, thậm chí có những đứa trẻ chỉ mới 12, 13 tuổi chênh vênh trên những chiếc bè để sang được bên kia sông, suối. Bởi, phần lớn nương rẫy của người dân đều ở rất xa, có khi phải đi qua 2, 3 ngọn đồi mới đến nơi. Việc đi rẫy, gùi sắn, lúa hay lấy củi đều phải băng qua những con sông cuồn cuộn nước. Nhất là khi được khuyến khích tái định cư về nơi ở mới, không muốn rời bỏ rẫy cũ, nên đồng bào vùng cao đành chấp nhận phải đối mặt với hiểm nguy như thế. Dần dà, chuyện qua sông trở thành cơm bữa khiến những hiểm họa, thậm chí đã xảy ra rất nhiều lần, không đủ sức ngăn cản họ sang sông bằng những chiếc bè tự tạo như thế.
Khổ cực qua sông ở vùng cao - 2

Những chiếc bè luôn tiềm tàng hiểm họa, nhất là đối với những đứa trẻ vùng cao

Anh Arất Pol, ở thôn Xà Ơi 2, xã Avương, huyện vùng cao Tây Giang cho biết: “Ở thôn tui, ai cũng có rẫy phía bên kia sông. Mà đoạn ni làm chi có cái cầu mô qua sông. Không lên rẫy thì không có cái ăn nên nguy hiểm cũng phải đi thôi. Mấy thôn dưới nớ như Xà Ơi 1, Xà Ơi 3, rồi cả huyện ni cũng có thiếu chỗ mô không phải qua sông bằng bè nứa mô”.

Nguy hiểm nhất là đối với những đứa trẻ. Để đi hái măng, lấy củi, chúng cũng phải bắt chước người lớn qua sông bằng những chiếc bè như thế. Em Alăng Hiếu, mới 6 tuổi, cho tôi biết : “Em theo anh chị qua sông miết, bữa trước bị trôi xuống dưới kia, dạt vô bờ rồi tụi em đi ngược lên lại. Em biết bơi, không sợ”, cậu bé cười. Không biết, với sức lực của những đứa trẻ con như Hiếu, có “bơi” được khi bè lật hay bị trôi, khi dòng nước ở các sông suối vùng cao luôn chảy xiết, nhất là những mùa hay xảy ra mưa giông rất lớn như hiện tại.

Đi bè đã phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, thế nhưng đối với  người dân thôn Aduôn 2, thị trấn P’rao, Đông Giang, có bè để đi đã là điều may mắn. Aduôn chưa có đường giao thông, muốn vào Aduôn, không có cách nào khác là phải … bơi sang sông. Đó là cách duy nhất để vào với bản nhỏ vốn rất “nhiều không” giữa đại ngàn này: không đường, không điện, không trường, không trạm y tế…

Có mặt tại bến nước để vào Aduôn 2, PV chúng tôi không khỏi rợn người khi chứng kiến một tốp 4 chị người Cơ tu sang sông để về làng. Cố gắng bắt chuyện với một trong số họ thì được biết, vốn là người ở bên này sông, lấy chồng ở Aduôn, nên chị phải sang bên kia. Vừa rồi, ở nhà ngoại có giỗ nên chị phải bơi sang bên này, xong việc lại … bơi về nhà.
Khổ cực qua sông ở vùng cao - 3

Cố gắng giơ cao một tay cầm đồ đạc, giấy tờ lên khỏi mặt nước để không bị ướt
Chứng kiến cách qua sông “có một không hai” ở vùng cao, chúng tôi mới thấm thía cái khổ cực, vất vả của họ. Xuống đến bến nước, họ lập tức tìm chỗ … chôn dép. Hỏi ra mới biết, chôn dép dưới cát để không bị mất, sau có việc qua sông lại … đào lên để đi. Xong xuôi, họ mới gói ghém những giấy tờ, đồ đạc quan trọng, rồi cố gắng bơi bằng một tay sang sông, tay còn lại giơ gói đồ lên thật cao khỏi mặt nước để khỏi bị ướt. Rồi cứ để nguyên bộ đồ ướt ấy về nhà cách xa hàng cây số.
Khổ cực qua sông ở vùng cao - 4

Những chỗ phải lội đến thắt lưng như thế này đã là một… niềm may mắn khi không phải vất vả vượt sông

Chắc chắn không chỉ riêng Aduôn 2, mà giữa đại ngàn Trường Sơn hẳn còn có hàng chục nơi người dân phải qua sông bằng những cách… rùng mình như thế. Biết sao được, khi cuộc sống còn quá khó khăn, giấc mơ về những cây cầu vẫn là một cái gì đấy quá xa vời…

                                    Bài, ảnh : Nguyễn Thành Công