Khi đám cưới quê biến thành… vũ trường

(Dân trí) - Dưới ánh đèn xanh đỏ loang loáng đến chóng mặt, một đám thanh niên nhảy nhót, uốn éo, lắc, giật theo những điệu nhạc cực mạnh. Thỉnh thoảng họ lại ngẫu hứng hò hét, kêu gào, hú lên như bị ma làm!

Ít ai nghĩ rằng đó lại là một tiết mục “văn nghệ” thường được “thưởng thức” trong… đám cưới ở không ít vùng quê ngày nay!

Có thể nói âm nhạc là một nét đẹp văn hoá, là một phần quan trọng không thể thiếu trong các đám cưới. Chính vì vậy, trong kế hoạch tổ chức, gia chủ luôn dành một phần kinh phí không nhỏ để thuê về những giàn loa đài công suất lớn phục vụ ngày vui.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Mục đích của chủ nhà là muốn đem lại không khí vui vẻ, rộn ràng hơn cho đám cưới. Hơn nữa, trong ngày vui, không thể thiếu được những lời ca, tiếng hát mà bạn bè, người thân dành tặng để góp vui, chúc phúc cô dâu, chú rể.

Thế nhưng có một điều đáng để suy nghĩ hiện nay, đó là theo thời gian những món quà tinh thần ngày càng ít ý nghĩa hơn với ngày vu quy. Người ta không còn nghe thấy nhiều những bài hát trữ tình, vui tươi, phù hợp với ngày cưới như: Ngày xuân vui cưới, Đám cưới trên đường quê, Mùa xuân cưới em, Tơ hồng… Thay vào đó là những bài hát được cho là “hot” của giới trẻ hiện nay đều được xướng lên trong lễ cưới một cách rất…vô duyên. Bởi phần lớn những bài hát đó đều có nội dung lời ca bi lụy, thất tình, đau khổ về sự chia ly và mất mát trong tình yêu.

Thật khó có thể hiểu được vì sao người ta lại mừng hạnh phúc của đôi trẻ bằng những ca khúc như: Xin lỗi tình yêu, Giả vờ yêu, Có thứ tình yêu gọi là chia tay hay Cầu vồng khuyết (Ai đã yêu một lần, đều trải qua cay đắng của tình yêu… Giờ đây tôi lặng im nhìn em xa rời tôi…!)
Khi đám cưới quê biến  thành… vũ trường - 1

Cởi trần “biểu diễn” ở đám cưới (ảnh minh hoạ)

Thời gian gần đây, ở các đám cưới, các trai làng còn thường “biểu diễn” những màn “nhảy tự do” hết sức phản cảm.

Những hình ảnh ở các vũ trường nơi thành thị không biết từ bao giờ đã theo chân đám thanh niên về các đám cưới quê. Dưới ánh đèn xanh đỏ loang loáng, họ nhảy nhót, uốn éo, lắc, giật theo những điệu nhạc cực mạnh. Thỉnh thoảng họ lại ngẫu hứng hò hét, kêu gào, hú lên như bị… ma làm.

Khi hơi men đã ngà ngà, mấy  thanh niên choai choai trong làng kéo nhau lên tha hồ nhảy nhót, vung vít chân tay không biết dừng. Để mời đại diện hai bên gia đình lên phát biểu ý kiến trao dâu, nhận rể, nhiều lúc vị chủ hôn phải tắt nhạc thì các “ vũ công” mới chịu dừng lại. 

Có đám, chú rể nhiệt tình quá còn lên nhảy với bạn bè, để cô dâu ngồi một mình cười ngượng! Bà con dự đám cưới xem xong màn trình diễn, ai cũng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Mọi người nấy đều ngán ngẩm mà buông một câu: “chẳng đâu vào đâu cả”!

Đám cưới là phong tục truyền thống của dân tộc ta. Ở nông thôn, đó không chỉ ngày trọng đại của cô dâu chú rể mà còn là ngày vui chung của cả họ mạc, xóm làng. Vì vậy, để cho ngày vui được trọn vẹn ý nghĩa, các bạn trẻ không nên biến đám cưới thành sân chơi cho riêng mình. Mà nên thể hiện tài năng và sở thích của bản thân đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với hoàn cảnh. Như vậy sẽ không tự biến mình trở thành những người vô duyên và lố bịch.

Hoàng Biên

LTS Dân trí - Tính văn hóa trong đám cưới thời “hiện đại” quả thật là điều đáng bàn. Bài viết trên đây đã phản ánh đúng những nét lố bịch của một số đám cưới nơi thôn dã nhưng đã “lai hóa” cái trò ăn chơi của thị thành.

Nhìn những điệu nhảy  lố lăng và nghe những bài hát bị lụy… ở các đám cưới nông thôn, nhiều người không khỏi rầu lòng. Còn đâu là sự nền nã, duyên dáng trong cách ăn mặc cũng như  những điệu dân ca quen thuộc hay  những vở chèo thường “trình làng” trong các đám cưới thu hút cả người lớn lẫn trẻ em cho đến tận khuya…

Đã đến lúc ngành văn hóa cần đầu tư nhiều công sức vào việc nghiên cứu, tổ chức các cuộc thảo có đầy đủ dữ liệu khoa học nghiêm túc nhằm giữ gìn và phục hồi  những nét đẹp của văn hóa truyền thống để vận dụng vào việc tổ chức các lễ hội cũng như các đám cưới thời nay sao cho hợp lý, văn minh, mà không xa lạ với phong tục truyền thống.

Đấy chính là một bộ phận hữu cơ không thể xem nhẹ trong đời sống văn hóa và cũng là việc làm thiết thực nhằm xây dựng nếp sống văn minh thời nay.