Đắk Nông:

Kêu cứu vì “nhịn ăn nhịn uống chứ sao nhịn thở”!

(Dân trí) - Từ khi nhà thầu bắt đầu thi công các hạng mục của nhà máy điện phân nhôm thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông, thì cũng là lúc những người dân sống quanh dự án này cũng điêu đứng: mùa mưa mất đường - mùa khô phải bỏ nhà vì bụi.

Báo Dân trí đã từng có bài viết “Thi công khu công nghiệp khiến hàng ngàn người bỗng dưng…mất đường” phản ánh thực trạng con đường dân sinh độc đạo của hơn 500 hộ dân ở 4 thôn, bon của xã Nhân Cơ trở thành… ruộng mới cày. Thì đến nay, cuộc sống của nhiều hộ dân ở đây càng trở nên tồi tệ hơn khi họ hằng ngày phải ăn trên bụi, ngủ trong bụi, hít thở bầu không khí đặc quánh bụi đất.

Bụi nghi ngút từ công trường theo gió tấn công người dân.
Bụi nghi ngút từ công trường theo gió tấn công người dân.

Nguyên nhân là do việc thi công mặt bằng nhà máy điện phân nhôm đã tạo nên lượng bụi cực lớn, theo luồng gió, tấn công người dân! Không ít trong số họ đã phải bỏ nhà, bỏ nương rẫy để đi… tránh bụi.

“Nhịn ăn nhịn uống chứ sao nhịn thở”

Gần một năm nay, gia đình anh Đỗ Gia Trường cùng hai đứa con (thôn 4, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) đã phải bỏ căn nhà đang sinh sống dọn đồ qua ở nhờ nhà người quen để tránh bụi phát ra từ công trường Nhà máy điện phân nhôm trên địa bàn.

Cùng chung tình cảnh như anh Trường là 6 hộ dân ngay sát, cũng phải dọn nhà chuyển đi lánh nạn.

Theo ghi nhận tại đây, công trường Nhà máy điện phân nhôm rộng 12.000 m2 với hơn 130 xe tải chở đất cùng hàng chục chiếc máy múc, máy ủi hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Những chiếc xe tải chở đất thay phiên nhau chạy đến đâu bụi mịt mù tới đó. Khi có gió, luồng bụi này bay cao lên không trung ùa về phía nhà của các hộ dân xung quanh tạo cảm giác ngột ngạt và khó thở.

Ông Trường phải bỏ nhà đi vì không thể sống nổi
Ông Trường phải bỏ nhà đi vì không thể sống nổi

Dẫn chúng tôi trở về căn nhà cũ, anh Trường bước nhẹ xuống nền nhà, một lớp bụi dày từ dưới chân tung lên. Lấy đống bát đũa, cùng những vật dụng còn sót lại, anh Trường kể: “Trước ở đây, nhà lúc nào cũng đóng cựa 24/24 mà bụi vẫn bám đầy nhà, càng quét lại càng dày thêm. Có hôm, bụi bay như sương mù từ sáng tới tối, phải bịt khẩu trang cả ngày.. Nhịn ăn nhịn uống còn được chứ làm sao nhịn thở được. Hoảng quá nên tôi cùng các hộ dân ở đây phải dọn đi vì không sao chịu nổi”.

Bên cạnh đó, khói bụi bám từng lớp vào các lá cây, hoa màu khiến cây cối ở đây không thể ra hoa kết trái. Nhìn những bông hoa cà phê héo rũ, chuyển qua màu vàng úa trong rẫy cà phê xen canh với tiêu, điều gần 2 ha của mình, anh Phạm Thanh Hải (thôn 4, xã Nhân Cơ) xót xa nói: “Gia đình tôi sống nhờ vào nương rẫy, nhưng nay vườn cây đều khô héo, cà phê không ra hoa, tiêu không kết trái. Những năm trước riêng việc thu hoạch điều cũng được 4-5 tấn, nhưng năm nay giỏi lắm cũng chỉ được 1 tạ”.

Chỉ tay về phía hố sâu 25m ngay sát rẫy cà phê, anh Hải, cho hay, trước đây ở khu công trường này là đập thủy lợi sâu 10 mét phục vụ tưới tiêu cho nương rẫy cho hằng trăm hộ dân thôn 3, 4. Tháng 4 - 2015 công trường đi vào hoạt động đã tiến hành tháo hết nước của đập thủy lợi này để lấy đất làm mặt bằng, nay chỉ còn lại những vũng lầy trơ sỏi đá.

Hiểm họa từ hố công trình

Câu chuyện càng khiến dân bức xúc hơn khi việc thi công công trình còn gây mất an toàn, nguy hiêm tới tính mạng. Cụ thể, sau khi quy hoạch, con đường bê tông đi từ thôn 4 ra QL14 đã bị cắt đứt. Những tấc đất được múc lên tại đây tạo thành vực sâu 5 đến 10m, phía dưới là những bãi đá. Từ những cái bẫy chết người đó, chuyện đáng tiếc đã xảy ra.

Rẫy cà phê không ra hoa kết trái vì bám đầy bụi
Rẫy cà phê không ra hoa kết trái vì bám đầy bụi

22g đêm 21 rạng sáng 22, anh Đào Văn Trà (29 tuổi), hiện đang lái xe tải, cùng một người bạn đi chơi trong khu vực này. Đã khuya, anh Trà dự định sẽ ở lại nhà một người quen trong thôn 4 sáng mai về, thì nhận được cú điện thoại chở hàng. Là lao động chính của gia đình, nhà có 7 anh em, không thể bỏ lỡ công việc, anh Trà tức tốc quay về trong đêm.

Đến đoạn hố sâu, không cua kịp nên anh Trà đã lao cả người và xe rơi xuống chiếc hố này tử vong tại chỗ. Theo những người dân ở đây, cho biết, trước đó đã có 4 vụ tai nạn xảy ra tại khu vực này làm 2 người chết, 2 người bị thương. mãi đến khi xảy ra vụ tai nạn chết người lần thứ ba, đơn vị thi công này mới tiến hành cắm biển báo nguy hiểm, biển chỉ dẫn và đổ đất làm rào chắn ở khu vực xảy ra tai nạn.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Đạt, Chỉ huy trưởng công trình cho biết, đây là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Nông với nguồn vốn 1.600 tỉ, cho nên trước khi thi công đã chỉ đạo 7 giám sát viên túc trực tại công trường để chỉ đạo kịp thời.

Về vấn đề môi trường, BQL đã có kế hoạch bố trí 10 xe bồn tưới nước tưới liên tục thường xuyên để tránh bụi. Tuy nhiên, do thời tiết đang bước vào mùa khô nên công suất tưới nước khó có thể đáp ứng được . Sắp tới Ban quản lý sẽ yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường số lượng xe tưới nước để khắc phục tình trạng trên

Rất nhiều nơi tiềm ẩn cao nguy cơ tai nạn chết người trong công trình
Rất nhiều nơi tiềm ẩn cao nguy cơ tai nạn chết người trong công trình

Ông Hồ Sỹ Điệp, Phó Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dụng các công trình dân dụng và công nghiệp UBND tỉnh Đắk Nông, đơn vị quản lý công trình Nhà máy điện phân nhôm cho hay, mục đích của việc tháo đập thủy lợi thôn 4 là để nạo vét, mở rộng và đến tháng 6-2016, khi mùa mưa tới sẽ tiến hành đắp đập trở lại cho bà con thuận lợi tưới tiêu.

Theo đó, Ông Điệp thừa nhận sai sót trong việc chưa giám sát kỹ công trình ở dịp trước và trong tết Nguyên Đán dẫn đến việc xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. “Trước khi thi công, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thi công phải đóng cọc, căng dây, lắp biển báo những chỗ nguy hiểm. Tuy nhiên, trong dịp tết, các biển báo, dây thép gai căng lên đã bị kẻ xấu lấy mất” - ông Điệp phân trần

Cũng theo ông Điệp, ngay sau khi nhận được thông tin có người bị tai nạn, đã tiến hành tới thăm hỏi gia đình anh Trà và sẽ có tiến hành hỗ trợ trong thời gian tới. Còn các vụ tai nạn xảy ra trước đó thì mới chỉ nghe người dân phản ánh, hiện vẫn chưa nhận được thông tin nào xác thực nguyên nhân.

“Chúng tôi đã làm lại những biển báo, hàng rào chắn và đổ đất khu vực này. Cùng với đó, phối hợp với tổ dân phố, làm đến đâu sẽ cử người bảo vệ đến đó để tránh để tình trạng mất cắp xảy ra như trước gây nguy hiểm cho người dân” - ông Điệp cho hay.

Đức Cường