Karaoke có dành cho lứa tuổi mực tím?

(Dân trí) - Karaoke được xuất phát từ thú vui chơi sau những giờ làm việc căng thẳng của công chức người Nhật Bản. Phải công nhận rằng đây là một hình thức xả stress rất hiệu quả, tuy nhiên từ karaoke cũng nảy sinh không ít bất cập…

Quyền được kinh doanh hay nói tóm lại là quyền được hát (tất nhiên là phải theo quy định của Nhà nước và trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật) là điều mọi người khỏi phải bàn cãi. Hát karaoke đúng lúc, đúng cách, đem lại niềm vui và sự sảng khoái cho những người tham gia thì tất nhiên cũng là một hình thức giải trí được nhiều người, nhất là giới trẻ hiện nay lựa chọn và chúng ta cũng không cần phải lạm bàn.
 
Nhưng có điều hát như thế nào, hát nhạc gì, có gây ảnh hưởng tới mọi người xung quanh hay không, thì có lẽ chúng ta phải bàn và dứt khoát phải được bàn.

 

Có lẽ phải là những ai "không may" ở gần các "tụ điểm" karaoke (kể cả ở gần nhà nào đó có dàn karaoke hay mở) thì mới thấu hiểu nỗi niềm "bị nghe hát".
 
Như cán bộ công nhân viên chức nhà nước được ít thời gian buổi tối, ban đêm để nghỉ ngơi, tái sản sinh sức lao động, thì lại bị "tra tấn" bởi karaoke. Còn người dân ở xung quanh những khu vực gần quán karaoke thì bất kể sáng, trưa, chiều, tối hay nửa đêm, luôn bị nghe giọng hát của những ca sỹ “không chuyên” hòa cùng tiếng nhạc chát chúa đinh tai nhức óc, bởi hầu hết các quán karaoke hiện nay đều không có hoặc nếu có thì  hệ thống cách âm cũng chưa đủ chuẩn.
 
Karaoke có dành cho lứa tuổi mực tím? - 1

Ảnh có tính chất minh họa (nguồn ảnh: 24h.com.vn)

 

Các em học sinh nhà gần quán karaoke thì lại càng khổ vì dù nhà đã đóng kín cửa, hai tai nhét 2 cục bông cũng không thể học nổi.
 
Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là karaoke đã và đang cuốn cả những chủ nhân tương lai của đất nước này vào vòng xoáy đó.
Hình ảnh thường thấy là từng tốp học sinh khoảng 5 đến 10 em ở độ tuổi chừng 16 – 17, trên người vẫn mặc đồng phục trường THCS, THPT dắt nhau vào quán karaoke. Không biết khi vào quán các em hát hò rồi nhảy múa như thế nào, nhưng khi ra quán thì không hiếm cảnh em nào em nấy đầu tóc, quần áo xộc xệch, có em không đi nổi vì say bia rượu nên chủ hoặc nhân viên của quán phải dìu ra ngõ (?)

 

Không những vậy, việc xảy ra xô xát hay chửi bới, văng tục của các em khi từ quán karaoke đi ra gần như đã là chuyện bình thường. Chứng kiến cảnh các em trong những bộ dạng như vậy, nhiều người chắc cũng không khỏi chạnh lòng lo cho tương lai của thế hệ con em chúng ta.

 

Mai Sỹ Thành