Hy vọng niềm vui tròn đầy cho người lao động VN trở về từ Libya

(Dân trí) - “Tôi có anh trai đang mắc kẹt tại Libya! Trong tình hình rối ren như hiện nay, những nơi có số lượng người ít ở các vùng sâu càng mong được Đại sứ quán và các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm hơn nữa” – Trung Tinh: nguyentrungtinh79@gmail.com gửi tiếp lời nhắn 3/3.

Hy vọng niềm vui tròn đầy cho người lao động VN trở về từ Libya - 1
Lao động VN được cán bộ Sứ quán VN tại Ai Cập giúp làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Salloum để vào Ai Cập.
(ảnh: VOVNews)
 
Tình thế khẩn trương

 

Rất nhiều sự đồng cảm và sẻ chia tiếp tục đến từ các bạn đọc khác. Nguyen Thi Nga: Phuongnga_1988@yahoo.com nhấn mạnh: “Hãy làm tất cả để cứu giúp đồng bào của chúng ta còn kẹt lại tại Libya. Và mong chú ý hơn tới những người thân của họ ở nhà cũng thật đáng thương”.

 

Trần Anh Nam:  thegioihaiho@yoo.com viết: “Tình hình bên đó thật căng thẳng. Mong sao Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng VN sớm đưa người dân mình về nước nhanh nhất”.

 

Từ Cairo, Ai Cập, Kelvin:  kelvin@gmail.com gửi lời nhắn “trấn an”: “Do chiến sự xảy ra ở quy mô và phạm vi từng khu vực. Các quốc gia do lo ngại chiến sự toàn diện nên có biện pháp yêu cầu công dân rời khỏi Libya và đưa công dân về nước, gây nên tình trạng quá tải tại các cửa khẩu. Các phương tiện thông tin liên lạc vì thế cũng xảy ra nghẽn mạng.

 

Xin mọi người đừng quá lo lắng! Tất cả lao động Việt Nam hiện đang được tìm mọi biện pháp để sơ tán khỏi Libya an toàn, sẽ trở về bình an và sớm nhất! Mong các bạn giúp thông tin cho người dân, đặc biệt là những người ít có điều kiện tiếp xúc với truyền thông, để họ yên tâm về con em mình. Khó khăn là tất yếu và cần phải và sẽ phải được hỗ trợ, chia sẻ. Tuy nhiên, đừng để họ gánh thêm gánh nặng tinh thần!

 

Vâng, đúng là nỗi lo của những người ở xa cùng người thân của họ ở nhà là rất có cơ sở. Khi mà “thùng thuốc súng” Libya đang nóng lên từng ngày, với những dự báo xấu: bạo loạn có thể bùng phát thành nội chiến; cảnh báo của ông Gadhafi về một cuộc chiến đẫm máu nếu có sự can thiệp quân sự từ nước ngoài; căng thẳng đang dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực biên giới Libya - Tunisia, nơi có hàng trăm nghìn người nước ngoài dồn tới.

 

Trước tình thế nguy hiểm đe dọa dòng người chạy nạn khỏi Libya, sự cần thiết phải thực thi chiến dịch sơ tán quy mô lớn đã được Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

 

Chiến dịch hồi hương người lao động VN từ Libya cũng đã và đang được các cơ quan chức năng nước ta gấp rút đẩy mạnh. Trên các bản tin hàng đầu của báo chí những ngày này, luôn nổi bật những thông tin mới cập nhật về số người lao động VN từ Libya đã và đang trên đường an toàn về nước. 

 

Việc thiết lập cầu hàng không thực hiện các chuyến bay đến Bắc Phi được Vietnam Airlines thông báo hôm 2/3, nhằm hỗ trợ đưa người lao động VN tại Libya hồi hương.

 

Cùng ngày, đoàn công tác đặc biệt do Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu đã rời Cairo sang Tunisia (nơi chưa có Đại sứ quán VN) để đón các lao động VN còn kẹt ở đây. Điểm đến là Djerba, nơi tập trung rất nhiều lao động VN (ước tính 800-1.000) lao động đã vượt qua được biên giới Libya - Tunisia bằng đường bộ và trú ngụ lại từ ngày xảy ra bạo loạn.

 

Theo kế hoạch, trong ngày 3/3 đoàn triển khai tìm kiếm, thống kê lại chính xác số lượng và nơi các lao động VN đang trú ẩn ở các vùng lân cận để đưa về trung tâm Djerba, chuẩn bị đưa về nước. Djerba là thành phố chỉ cách biên giới Libya - Tunisia chừng 100 km. Việc đón lao động VN di tản từ Libya sang sẽ dễ dàng hơn.
 
Hy vọng niềm vui tròn đầy cho người lao động VN trở về từ Libya - 2
 
Lao động VN làm việc tại TP Misurata chuẩn bị lên đường về sân bay quốc tế Tripoli. (ảnh: Quê hương)

 

Kết hợp nỗ lực

 

Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) cũng đã phối hợp giúp đỡ lao động VN còn ở Libya hoặc đã di chuyển sang các nước lân cận để chờ làm thủ tục về nước. Sau khi hỗ trợ đưa được 24 lao động VN đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất Tp. Hồ Chí Minh tối 2/3, IOM cho biết: sẽ tham gia lên danh sách lao động VN đang có mặt trong 2 trại lánh nạn tại khu vực biên giới Ai Cập – Libya và Tunisia – Libya. Với các trường hợp lao động bị mất giấy tờ, hộ chiếu, sẽ có đại diện các cơ quan của VN kiểm tra và cấp lại giấy thông hành hoặc hộ chiếu để họ về nước.

 

Để liên lạc được với những lao động đang kẹt sâu trong lãnh thổ Libya (vốn gặp khó khăn vì nhiều người không biết ngoại ngữ), sẽ có một cán bộ IOM biết tiếng Việt được đến khu vực lân cận với Libya. Đồng thời IOM cũng có kế hoạch sẽ dùng đến các phương tiện thông tin đại chúng, phân phát tờ rơi bằng tiếng mẹ đẻ của lao động các nước để hướng dẫn lao động cụ thể về việc nếu tình hình an toàn thì di chuyển đến đâu, gặp ai…

 

Trả lời phỏng vấn Đài TNVN tối 2/3, Đại sứ VN tại Libya Đào Duy Tiến cho biết cụ thể: Tính dến ngày 2/3 có khoảng hơn 9.000 lao động VN đã được sơ tán khỏi Libya hoặc đến khu vực biên giới Tunisia và Libya. Số còn lại khoảng trên 800 người. Trong đó có một số khó khăn như: nhóm 19 công nhân VN làm việc cho Công ty Nalítco của Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Surt (nơi tình hình tương đối yên ổn, nhưng khó di chuyển đi); khoảng 65 lao động VN làm việc cho một công ty ở Benghazi; một số khác rải rác ở Sabha và quanh thủ đô Tripoli.

 

Nhưng khu vực nguy hiểm nhất có lao động VN được cho là thành phố Misratah với hơn 200 lao động. Số này  được dự kiến sẽ được cán bộ Sứ quán ta tới giúp thuê xe, dẫn bằng đường bộ lên biên giới Tunisia-Libya.

 

Cũng theo Đại sứ Đào Duy Tiến, hiện các lao động VN đều an toàn và theo dự kiến sẽ được rút hết khỏi Libya trong 2 hoặc 3 ngày tới.

 

Được trở về đoàn tụ với gia đình là niềm mong mỏi lớn nhất của cả những người lao động, người thân của họ cũng như toàn thể cộng đồng. Nhưng như bạn đọc Hung ngochung@gmail.com lại một lần nữa chia sẻ với những âu lo của người trong cuộc : 

 

Đằng sau niềm vui về được là nỗi lo cơm áo gạo tiền! Đi xuất khẩu lao động thì gặp tình cảnh bạo loạn ở nước bạn mà phải về. Ở nhà thì không kiếm được việc làm trong thời buổi tăng giá thế này, càng thấy thương các bạn hơn! Mong các cấp chính quyền sớm thực thi những chính sách giúp đỡ họ có công ăn việc làm, không chỉ để đủ ăn mà còn dành được tiền để trả nợ vay đi XKLĐ. 

 

Từ phía các cơ quan chức năng, ngoài những khoản hỗ trợ được thông báo ban đầu, Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết thêm: Chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ nghề cho lao động và đề xuất ngân hàng khoanh lãi để họ có thể trả nợ từ từ.

 

Đồng thời còn có chương trình mở thị trường mới để các lao động tiếp tục đi làm. Nhiều lao động nói nếu Libya ổn định trở lại thì muốn được tiếp tục sang làm việc. VN cũng sẽ căn cứ vào luật, trách nhiệm ràng buộc giữa hai bên để xem xét việc doanh nghiệp sẽ làm gì cho lao động, chủ sử dụng lao động sẽ làm gì, Chính phủ sẽ hỗ trợ như thế nào...

 

Niềm vui sẽ tròn đầy khi những nụ cười trở lại trong những gia đình được sum họp, và có thêm những tín hiệu tích cực bảo đảm tương lai cho người trở về.

 

Khánh Tùng