Học tập những tấm gương dũng cảm và biết chia sẻ

(Dân trí) - Thường trong những hoàn cảnh điển hình, lúc gặp gian nguy hoạn nạn, mới biết rõ nhân cách và phẩm chất tiềm ẩn trong mỗi con người. Thảm họa mới đây ở Nhật Bản đã bộc lộ rõ nhất những phẩm chất tốt đẹp của một dân tộc có truyền thống kiên cường, nhân ái.

Vốn là kỹ sư, cựu Cảnh sát nhân dân Việt Nam (đã từng trực tiếp được làm việc với Cảnh sát Nhật), cho nên hôm 18/ 3/ 2011 tôi thấy trên báo điện tử có bài viết với đầu đề: “Thư của Cảnh sát Nhật gốc Việt từ vùng động đất” là tôi đọc ngay.

 

Trong thư, người Cảnh sát Nhật gốc Việt cũng là kỹ sư, rồi học lên tiến sỹ và phục vụ trong lực lượng Cảnh sát  đất nước hoa Anh đào.
 
Học tập những tấm gương dũng cảm và biết chia sẻ - 1

Người dân Nhật Bản đang kiên cường khắc phục hậu quả của thảm họa động đất

 

Tại tỉnh Fukushima (thuộc vùng động đất nước Nhật vừa rồi), anh cảnh sát gốc Việt đã “bắt gặp” 2 trường hợp thực tế quá xúc động và thán phục. Đó là 1 ngôi nhà bị sập có rất nhiều tiền mặt (chắc khoảng vài chục triệu yên) đang bị trôi nổi tứ tung mà chẳng ai thèm nhặt. Và 1 cháu bé học sinh trường tiểu học (độ 9 tuổi) biết cúi người cảm ơn anh đã đưa cho cháu bao lương khô, nhưng cháu không ăn mà lại bỏ chung vào thùng đựng đồ cứu trợ, rồi tiếp tục xuống đứng xếp hàng theo thứ tự để chờ được phân phát như mọi người cho công bằng.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cách đây không lâu, tôi cũng mới được biết câu chuyện về chú chó Hachiko xưa (từ năm 1925), hàng ngày nó ra đứng ở sân ga Shibuya (nước Nhật) để đợi chủ suốt gần 10 năm trời, vì chủ của nó (Giáo sư Ueno độc thân) đã mất mà nó không biết. Về sau khi chú chó Hachiko chết, được người ta đúc tượng nó trên sân ga Shibuya cho đến ngày nay.

 

Thế mới biết người Nhật đã giáo dục, dạy dỗ, kể cả trẻ em tốt và con chó của họ trung thành với chủ đến như vậy.

 

Liên hệ ở Việt Nam chúng ta cũng có những truyền thống rất đáng quý, tương thân tương ái, đã được đúc kết thành các thành ngữ: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” hay “Con không chê bố mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, “Nhiễu điều phủ lấy giá hương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”..v.v...

 

Học tập những tấm gương dũng cảm và biết chia sẻ - 2

Tượng chú chó Hachiko trên sân ga Shibuya, Nhật Bản 
 
Và một số thực tế cụ thể ngay tại Thủ đô Hà Nội bây giờ. Hàng ngày sau giờ lao động buổi chiều, tôi vẫn thường cuốc bộ trên đoạn hè phố ra công viên tập thể dục. Thỉnh thoảng gặp tôi có mái tóc bạc, các cháu bé (bố mẹ còn phải dắt đi) cũng biết cất tiếng chào: "Cháu chào ông" (mặc dù chúng cùng bố mẹ chúng không hề biết tôi là ai), đã khiến tôi rất cảm động và vui vì thấy các cháu ngoan được người lớn dạy dỗ tốt. Hoặc thỉnh thoảng tôi đi xe buýt, đều được các cháu sinh viên mặt mũi sáng sủa ân cần nhường cho chỗ ngồi…

 

Tuy nhiên, trở lại bức thư anh cảnh sát Nhật gốc Việt, “bắt gặp” tại tỉnh Fukushima cảnh nhà sập, tiền bị trôi ướt tứ tung không ai nhặt và cháu bé Nhật đứng xếp hàng trong cảnh ngộ “bụng đói cật rét” mà không dành riêng cho mình bao lương khô nêu trên, thì có lẽ là trường hợp đặc biệt.

 

Ở Việt Nam ta, tôi nhớ mãi câu chuyện Bác Hồ tự nguyện nhịn một bữa ăn vào cuối tuần để dành gạo cứu đói nhân dân trong những ngày đầu cách mạng Tháng Tám (1945), từ đấy đã dấy lên phong trào hũ gạo cứu đói trong mọi gia đình người Việt Nam lúc bấy giờ.
 
Tôi còn được nghe câu chuyện về lãnh tụ Lênin vĩ đại (của Liên Xô trước đây) vào hiệu cắt tóc, không nhận sự “ưu tiên” mà cũng xếp hàng đợi chờ đến lượt mình. Đấy là những tấm gương giàu sức thuyết phục của các lãnh tụ.

 

Ngày nay, từ nước Nhật Bản thân thiết, có thêm câu chuyện làm mọi người xúc động về hành động không ngờ của một cháu bé mới 9 tuổi. Đấy quả thật là một tấm gương sinh động làm phong phú thêm nội dung bài học Luân lý, Đạo đức không chỉ cho học sinh trong nhà trường, mà cho tất cả những ai vốn biết coi trọng việc trau dồi đạo đức, lễ nghĩa và biết sẻ chia lúc hoạn nạn, khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. 

                                                                                
 Nguyễn Thành Lập

 

LTS Dân trí - Quả thật qua thảm họa động đất sóng thần vừa qua, người Nhật Bản đã nêu lên những tấm gương đầy dũng cảm và chan chứa tình người trong lúc gặp hoạn nạn ! Người Việt Nam chúng ta cũng không thiếu những tấm gương như thế khi phải đối mặt với cuộc chiến đấu khốc liệt trong chiến tranh cũng như qua các trận bão lũ. Không ít chiến sĩ công an, quân đội, thầy cô giáo… đã hy sinh khi dũng cảm lao xuống dòng nước lũ để cứu vớt các em học sinh và người dân…

 

Gần đây, câu chuyện nhảy xuống sông trong đêm tối ở cầu Thủ Thiêm để cứu người của một anh thợ hồ đã làm cho nhiều người phải xúc động và cảm phục. Đấy là anh Nguyễn Vũ Trường Giang quê ở Hòn Đất, Kiên Giang, hiện nay cùng vợ và con nhỏ đang sống tạm bợ trong một căn chòi cất tạm bên bờ sông Bà Hiện ở Q.9, TPHCM. Anh Trường Giang bơi ra giữa sông vớt được cô gái đã bất tỉnh đưa vào bờ, làm cho ộc nước và bế cô gái lên được một chiếc xe taxi Mai Linh đưa kịp thời đến BV cứu sống, Tinh thần quả cảm đó của anh thợ hồ nghèo này được báo Tuổi trẻ biểu dương và trao tặng  giải thưởng (báo Tuổi trẻ ngày 28/2).

 

Mong rằng báo chí chúng ta nêu lên được nhiều tấm gương có sức cảm hóa và thôi thức lòng người mạnh mẽ như vậy!