Bạn đọc viết:

Học tại chức báo chí: Một trong nhiều hướng đi

Có sinh viên nào vừa đi học vừa có thể kiếm tiền triệu hàng tháng bằng chính những kiến thức đang học như sinh viên tại chức báo chí chưa? Mảnh đất này màu mỡ nếu biết cách khai thác nó sẽ rất có hiệu quả.

Vừa đi học vừa có thời gian trau dồi kiến thức thực tế

Nền giáo dục ở các nước Phương tây thực hiện triển khai theo mô hình lấy sinh viên làm trọng tâm, sinh viên phải tự vận động để tìm tòi, khám phá bù đắp lượng kiến thức còn thiếu hụt, giảng viên chỉ là người hướng dẫn, người tương tác với sinh viên.

Sinh viên không nhất thiết phải có mặt 100% thời gian trên giảng đường mà được khuyến khích ở nhà tự nghiên cứu. Hiểu theo nghĩa này thì học tại chức ở Việt nam ta cũng  là một quá trình bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt.

Đối với một sinh viên báo chí, để con đường trở thành nhà báo đi được đến đích thì  nhất thiết phải có 60% thời gian va chạm, cọ sát ngoài thực tế.

Dù được đào tạo dưới hình thức nào (tại chức hay chính quy), khi ra trường nếu điều đơn giản nhất là một tin ngắn xuất hiện trên mặt báo cũng “bặt vô âm tín” thì tấm bằng dù là cử nhân chính quy loại giỏi cũng không cứu được bạn qua khỏi khâu duyệt hồ sơ để trở thành phóng viên trong các cơ quan báo hiện nay.

Điều cần nhất của một nhà báo chính là tác phẩm – đứa con tinh thần đó mới chính là thước đo hiệu quả nhất trình độ cũng như năng lực mỗi cá nhân muốn trở thành nhà báo.

Để làm được điều này ngoài kiến thức còn cần phải có thời gian để “lang thang”, để “la cà” khắp “hang cùng ngõ hẻm” khám phá cuộc sống, ghi nhận nhịp sống từ đó mới có thể “thai nghén” ra đứa con tinh thần.

Học tại chức báo chí có được cái lợi lớn nhất là thời gian học tập trung (học 1 đến 2 tuần trong tháng) nên sinh viên có thời gian để “vi hành” những kiến thức lý thuyết đã lĩnh hội từ thầy cô.

Vào một lớp tại chức, sẽ có hiện tượng sĩ số không bao giờ đi đủ như trong danh sách nhưng không nên lấy đó để đánh giá trình độ hay ý thức học tập của họ, bởi vì sự vắng mặt của họ đều vì công việc – một tác phẩm còn thiếu thông tin chưa thể bắt tay vào viết mà sự kiện lại không theo sự sắp xếp của con người nên họ đành “bỏ một chọn một”.

Anh Nguyễn Đức Long – phóng viên tờ Thời báo tài chính tâm sự: “Mỗi lần phải bỏ học vì chưa thu xếp được thời gian mình tiếc lắm. Phần lớn những người đã đi làm như mình, đã chạm với thực tế rất thấm giá trị của kiến thức nên đi học là học thật, học vì sự nghiệp vì công việc chứ không mộng mơ như  những sinh viên mới tốt nghiệp PT đi học”.

Sự bồi đắp của kiến thức thực tế vào bài giảng của thầy cô sẽ giúp sinh viên có khả năng “vỡ” và hiểu sâu sắc nhiều vấn đề mà nếu chỉ tiếp xúc với  lý thuyết không thì không thể lý giải cặn kẽ. Từ trước tới nay, sinh viên VN thường bị đánh giá là giỏi lý thuyết nhưng thiếu kiến thức thực tế nên khi đi làm đơn vị tuyển dụng đều phải tiến hành đào tạo lại.

Sinh viên tại chức báo chí: “Học gạo”

Có sinh viên nào vừa đi học vừa có thể kiếm tiền triệu hàng tháng bằng chính những kiến thức đang học như sinh viên tại chức báo chí chưa? Mảnh đất này rất màu mỡ nếu biết cách khai thác nó có hiệu quả.

Điều này có thật 100%, bởi vì sản phẩm của báo chí là ảnh, là bài viết, là khả năng nói lưu loát trước đám đông... đó là những sản phẩm có thể nhìn thấy, sờ thấy và hoàn toàn có ích đối với đời sống hàng ngày cũng như nhu cầu của quần chúng.

Đang học môn báo ảnh, nếu nhanh nhạy một sinh viên báo chí có thể trở thành nhiếp ảnh nghiệp dư kiếm tiền bằng chính những bức ảnh, nếu là sinh viên tại chức bạn càng có điều kiện về thời gian cũng như phương tiện tác nghiệp để kiếm sống.

Anh Nguyễn khánh L – báo Giao thông vận tải, nhân đại lễ nghìn năm Thăng long, nhờ không trùng lịch học ở lớp tại chức báo in mà anh có thời gian vác máy ảnh tung tẩy quanh hồ Gươm, vừa thực tập tác nghiệp vừa trở thành nhiếp ảnh phục vụ nhân dân khắp nơi trong cả nước có nhu cầu  nghi lại khoảnh khắc với Thu đô và chỉ 10 ngày đó anh đã thu về được hơn 5 triệu đồng.

Đối với những phóng viên đang đi làm mà đi học tại chức, có thể nói họ tiện cả “ba” đường: vừa hoàn thành được chỉ tiêu bài vở ban biên tập giao, vừa có thể tiếp thu thêm kiến thức, vừa được trao đổi kinh nghiệm với những phóng viên báo khác mà giờ đây đang là bạn đồng niên.

Mối quan hệ này hoàn toàn chân tình, sẵn sàng giúp đỡ nhau mà không phải nhìn trước ngó sau như mối quan hệ đồng nghiệp đầy tế nhị. Ngoài ra việc có thêm những người bạn cùng nghề tại các tỉnh khác sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình công tác.

Minh Duyên