Hòa giải tranh chấp đất đai: Câu chuyện từ thực tiễn

Khả Vân

(Dân trí) - Cách giải quyết tranh chấp tốt nhất là đừng để nó xảy ra. Nếu đã xảy ra thì nên giải quyết có lý, có tình để kết thúc tranh chấp.

Trường hợp nào cần hòa giải, trường hợp nào không cần hòa giải?

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết tranh chấp đất đai trong thực tiễn giải quyết theo trình tự tố tụng được pháp luật hiện nay phân chia thành hai dạng cơ bản là tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai.

Cụ thể, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: "Đối với tranh chấp, ai có quyền sử dụng đất phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai năm 2003.

Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… sẽ không phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự".

Cần chuẩn bị gì cho một buổi hòa giải tranh chấp đất đai?

Theo luật sư Lực, hòa giải tranh chấp đất đai là cơ hội để thấu hiểu, chấm dứt tranh chấp. Do vậy hai bên cần chuẩn bị tâm lý cởi mở, khách quan, ít cảm tính để thông qua buổi hòa giải, với những phân tích có lý, có tình, điều chỉnh quan điểm từng bên tiến tới điểm chung hài hòa quyền lợi đôi bên.

Chuẩn bị hồ sơ, căn cứ chứng minh thực tế khách quan, trung thực để đi đến sự thật của vấn đề tranh chấp. Ban đầu các bên có thể còn chưa thống nhất, tuy nhiên thông qua các bằng chứng khách quan, thuyết phục có căn cứ cơ sở cụ thể thì các bên nhất thiết cần điều chỉnh quan điểm đi đến thống nhất giải quyết triệt để tranh chấp ngay tại cơ sở.

Mọi hoạt động tranh chấp xảy ra đều gây tốn kém tiền của, thời gian, sức lực của hai bên, của cơ quan có thẩm quyền, gây ra bất ổn xã hội. Do vậy các bên nên cân nhắc bỏ qua những hiềm khích, chấp nhặt nhau về mặt tình cảm, hướng tới việc xây dựng tình làng nghĩa xóm bền lâu, "Tối lửa tắt đèn có nhau" làm trọng để việc hòa giải thành công.

Việc hòa giải thành công thì quyền lợi đôi bên đều đảm bảo, tình cảm láng giềng, anh em được bồi đắp.

Làm thế nào để hòa giải tranh chấp đất đai được hiệu quả?

Trình tự cơ bản của việc hòa giải tranh chấp đất đai

Khi một bên trong quan hệ tranh chấp đất đai có đơn gửi tới UBND cấp xã/ phường trong thời hạn 45 ngày cơ quan này phải tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai.

Nếu sau hai lần tổ chức hòa giải mà không tiến hành hòa giải được, UBND xã/phường sẽ lập biên bản hòa giải không thành gửi cho đương sự. Các bên đương sự sẽ liên hệ với Tòa án để tiếp tục giải quyết tranh chấp.

Trường hợp tiến hành hòa giải thành công, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.