Hệ lụy từ những quan niệm sai lầm về tình yêu

Tình yêu là thứ tình cảm kỳ diệu, thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Bản chất của tình yêu bắt nguồn từ sự thấu hiểu, đồng điệu, hòa hợp về mặt tâm hồn.

Từ xưa đến nay, tình yêu chân chính luôn cần được xây dựng từ những tình cảm tốt đẹp đó. Đáng tiếc là trong quan niệm về tình yêu của một bộ phận giới trẻ ngày nay đang xuất hiện những biểu hiện lệch lạc. Những “hạt sạn” này đã và đang làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tình yêu chân chính. 

Trước hết là xu thế thực dụng trong tình yêu. Dưới sự tác dộng của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận giới trẻ ngày nay quá đề cao, coi trọng vấn đề vật chất và xem đó như là yếu tố tiên quyết để duy trì, bảo đảm cho tình yêu, là tiêu chí “cần và đủ” để có thể tiến tới hôn nhân. Việc quá coi trọng yếu tố vật chất bắt nguồn từ sự đề cao một cách thái quá nhu cầu được hưởng thụ mà sẵn sàng bỏ qua những tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ vốn có trong tình yêu như: sự chân thành, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, vị tha…
 
Trên thực tế, lối sống thực dụng trong tình yêu thường dẫn đến những kết cục không có hậu, thậm chí là bi kịch. Báo chí và dư luận đã nhiều lần đề cập tới số phận của những cô dâu Việt ôm mộng xuất ngoại, đổi đời lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, đối xử tàn tệ. Đáng nói là những vụ việc đáng tiếc, đau lòng ấy đã được các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội nhiều lần phanh phui, cảnh tỉnh nhưng số lượng các nạn nhân vẫn không ngừng gia tăng. Điều gì đã khiến cho nhiều cô gái lao vào “cuộc đỏ đen” như những con thiêu thân dù đã có những bài học nhỡn tiền? phải chăng là do sự nhẹ dạ, cả tin, mù quáng? Thiết nghĩ, đó cũng là một nguyên nhân. Song lý do chính để họ “dấn thân” vẫn là sức hút không cưỡng nổi của những cám dỗ về vật chất. Vì muốn có được cuộc sống giàu sang, nhàn nhã, thậm chí một số cô gái còn chấp nhận đánh đổi tuổi xuân phơi phới của mình để lấy những người chồng đáng tuổi cha, chú mình?!
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Đã từng có một thời người ta yêu nhau mà không toan tính nhiều đến những điều kiện kinh tế, vật chất. Thậm chí có nhiều người còn xem “một túp lều tranh hai trái tim vàng” là “mô hình” lí tưởng của tình yêu chân chính. Trong thời đại ngày nay, quan niệm về tình yêu như trên dường như không còn phù hợp. Bởi như cha ông ta đã từng nói: “có thực mới vực được đạo”. Tình yêu và hạnh phúc gia đình khó có thể được đảm bảo nếu thiếu đi những điều kiện kinh tế, vật chất tối thiểu. Song, không phải vì thế mà chúng ta đồng tình với những quan niệm cực đoan cho rằng: “có tiền mua tiên cũng được” và “tiền có thể mua được hạnh phúc”.
 
Tiền bạc, vật chất chỉ có thể là một trong những phương tiện để tạo tiền đề cho hạnh phúc, chứ bản thân nó không phải là hạnh phúc. Thực tế đã cho thấy, tình yêu không được duy trì dựa trên nền tảng của sự đồng điệu về mặt tâm hồn, sự thấu hiểu chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau về những sở thích, về mục đích theo đuổi trong cuộc sống thì khó có thể có được những kết cục tốt đẹp.

Trong thời hiện đại, nhịp điệu hối hả, xô bồ của cuộc sống khiến cho một bộ phận giới trẻ đang chạy theo lối “sống gấp”, “yêu gấp” và cho rằng đó là “mốt” là “phong cách”. Hệ quả tất yếu từ lối sống ấy là sự hời hợt, dễ dãi trong tình yêu. Mặc dù “Tình yêu thì chỉ có một, những thứ na ná như tình yêu thì có rất nhiều”, một số người vẫn ngộ nhận về cái gọi là “tình yêu sét đánh”. Sẵn sàng nhận lời “yêu” chỉ sau vài lần hò hẹn mà không cần tìm hiểu kỹ về nhau. Do được xây dựng trên cơ sở của những cảm xúc ban đầu, bất chợt, những “tình yêu” kiểu này thường khó duy trì được sự bền vững lâu dài. Sự hời hợt, dễ dãi trong tình yêu cũng dẫn đến những suy nghĩ cho rằng: yêu là phải “dâng hiến”, phải “đốt cháy” hết mình. Sự đòi hỏi và đáp ứng những nhu cầu về mặt thể xác trở thành “thước đo” độ độ đậm - nhạt, mạnh - yếu của tình yêu. Chính những nhận thức lệch lạc, phiến diện này là nguyên nhân khiến cho tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng.

Cũng chính từ sự hời hợt, dễ dãi trong tình yêu, tình trạng “sống thoáng”, “sống thử” đang ngấm ngầm lan truyền như là một “phong trào” trong một bộ phận giới trẻ ngày nay, nhất là tầng lớp HSSV. Giải thích lý do đồng tình với việc “sống thử”, một số người cho rằng: đây là cơ hội hiểu rõ tính cách của nhau để sau này không ân hận vì chọn lầm người. Một số người khác lại sẵn sàng “sống thử” với những lý do khác như: không bị ràng buộc về pháp lý, không nặng nề về lương tâm và nghĩa vụ như hôn nhân; khi đã chấp nhận “sống thử”, hai bên có thể chia tay bất cứ lúc nào khi cảm thấy không còn “hợp gu” để đi tìm một “đối tác” khác cho đến lúc nào tìm được người “vừa ý” mới thôi.

Có thể nhận thấy, việc “sống thử” thường được xuất phát từ những quyết định nông nổi, bồng bột, thiếu sự suy tính kỹ càng, chín chắn về những hệ lụy kéo theo. Do đó, dễ hiểu khi nhiều “đôi” sau thời gian “sống thử” cảm thấy hẫng hụt, lúng túng, bế tắc khi gặp phải những vấn đề khó khăn phát sinh trong cuộc sống thường nhật. Khi phải đối mặt với những hậu quả đáng tiếc từ việc “sống thử”, thiệt thòi lớn thường thuộc về người phụ nữ.
 
Theo kết quả một cuộc điều tra khảo sát của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì có đến 80% nam giới sau khi làm cho bạn gái mình có thai đã “bỏ chạy” do sợ phải gánh trách nhiệm. Ngoài những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, những tổn thương về mặt tâm lý có thể xảy ra từ những cuộc chia tay, việc “sống thử” cũng tác động tiêu cực tới kết quả học tập, ảnh hưởng tới tương lai sự nghiệp. Mất mát lớn nhất từ việc “sống thử” chính là quan niệm về tình yêu bớt đi phần nào sự trong sáng, thuần khiết.
 
Dù trong bất cứ thời đại nào, tình yêu vẫn là thứ tình cảm cao quý, thiêng liêng, cần được nâng niu, trân trọng và cần xây đắp, duy trì bởi những tình cảm tốt đẹp. Những toan tính nhuốm “mùi” thực dụng hay sự hời hợt, dễ dãi, buông thả trong tình yêu không chỉ là tác nhân dẫn tới những kết cục buồn, thậm chí là những bi kịch mà còn làm tổn hại niềm tin và thế giới quan của giới trẻ nói chung vào cuộc sống, vào những giá trị đích thực vốn có của tình yêu.
 
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)


LTS Dân trí - Tình yêu nam nữ với đúng ý nghĩa của nó chính là sự hòa hợp cả về tâm hồn, trí tuệ, ước mơ và chí hướng…để từ đó họ có thể gắn bó với nhau suốt đời, cùng chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn, cùng nhau chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái nên người.

Vì vậy, tình yêu chân chính không bao giờ là cái nhất thời, tạm bợ; càng không thể là sự vụ lợi hay những toan tính thấp hèn. Tình yêu không chỉ là sự rung động bồng bột ban đầu, mà còn là sự đồng cảm và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhau và qua đó tìm thấy những nét tương đồng về chí hướng để trở thành người bạn đời đích thực của nhau.

Theo đạo lý truyền thống của dân tộc thì quan niệm về tình yêu là như vậy. Đạo lý ấy giúp cho hạnh phúc gia đình được bền chặt, tương lai của con cái được bảo đảm.