PGS-TS Triết học Lê Doãn Tá, nguyên GĐ Phân viện Hà Nội (HV Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):

Hãy học tập Bác bằng hành động

(Dân trí) - "Chúng ta tự hào về dân tộc ta đã sản sinh ra con người vĩ đại, đã kế thừa và phát huy những tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Cả cuộc đời của Người là hình mẫu nhân văn của con người thế hệ mới", PGS-TS Lê Doãn Tá nguyên GĐ Phân viện Hà Nội - HV Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên KH&DT.

Nhân dân, dân tộc, nhân ái

Quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm đã hun đúc nên truyền thống nhân ái của dân tộc ta. Lòng yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước đã gắn chặt vận mệnh của mỗi người với sự tồn vong của dân tộc, đất nước.

Bác sinh ra và lớn lên trong lòng một dân tộc có truyền thống nhân ái. Từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng nhân văn ở Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến bước ngoặt. Yêu thương con người gắn với lòng tin ở con người, dùng sức của con người để giải phóng con người, trọng nhân tài, vì con người và phục vụ con người.

Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh xuất phát từ tình yêu thương những người đồng cảnh ngộ, mất nước, bị nô lệ, cùng chung số phận bị áp bức bóc lột.

Xuất phát từ tình yêu thương ấy mà Người đã đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc khỏi mọi áp bức, bất công. Với đường lối đúng đắn mà Người đề ra, tập hợp xung quanh mình những nhân tài trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều độ tuổi, đoàn kết toàn dân tộc vào một Mặt trận thống nhất và tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế, nhân dân ta đã đánh đuổi đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc, nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất và xây dựng cuộc sống mới.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và diệt giặc dốt cùng với việc chống giặc ngoại xâm. Trước mắt, phải xoá đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển "làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm". Kinh tế có phát triển đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh.

Khoan thư sức dân

Bác Hồ tin tưởng vững chắc vào khả năng và phẩm giá tốt đẹp của con người. Hồ Chí Minh kế thừa tư tưởng kiệt xuất của các anh hùng, hào kiệt của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... về sức mạnh của nhân dân: "Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ"; "Đẩy thuyền cũng là dân, mà lật thuyền cũng là dân". Người còn kế thừa tư tưởng nhân văn "Lấy dân làm gốc" và chủ nghĩa nhân đạo hiện thực của học thuyết Mác - Lênin để hình thành tư tưởng nhân văn mới, tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và lòng tôn trọng, kính trọng nhân dân lao động.

Người từng nói: "Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".

Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người cũng rất toàn diện. Với Bác, con người không phải là thần thánh, có cả tốt và xấu. Ngay cả những người đã lầm đường lạc lối, Bác cũng tỏ rõ sự khoan dung, độ lượng: "Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ".

Đặc biệt chú trọng việc làm theo Bác

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà đảng ta phát động có quy mô ngày càng lớn hơn, với nhiều hình thức phong phú và sinh động.

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của suy thoái đạo đức, là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, hoặc là coi nhẹ, hoặc là học đạo đức của Bác chỉ mang tính hình thức mà thiếu tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình.

Nói đến học tập Bác, không thể chỉ vì lấy thành tích, số lượng hay nói suông. Theo tôi, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" muốn đi vào thực tiễn hơn nữa, phải dựa trên cơ sở có hướng dẫn, có những nghiên cứu cụ thể gắn với những bước phát triển hàng ngày của xã hội. Mưa dầm, thấm sâu. Đừng học tập theo phong trào để rồi lại ào ào trôi qua.

Chưa bao giờ việc đòi hỏi nâng cao đạo đức xã hội nói chung, phẩm chất đạo đức cách mạng nói riêng lại cấp bách như hiện nay. Giữa học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì phải đặc biệt chú trọng việc làm theo, việc thực hành về đạo đức; tuyệt đối chống nói mà không làm, nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm, chống phô trương hình thức ngay trong triển khai, thực hiện cuộc vận động.

Phúc Hưng (ghi)