Hãy giảm nhẹ chiếc cặp cho con trẻ!

Tôi hoàn toàn đồng ý và cùng chia sẻ với phụ huynh học sinh trong bài viết phản ảnh trên Diễn đàn Dân trí về tình trạng trẻ em phải học ngày học đêm và cha mẹ phải học cùng…

Trong bài viết này tôi muốn đề cập 2 vấn đề:

Thứ nhất:  Các nhà giáo dục hãy giảm bớt cân nặng trên chiếc cặp đi học của các cháu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi cũng có 1 cháu trai học lớp 4 tiểu học. Mỗi lần đưa cháu đi học và đón cháu về thấy cháu rất tội nghiệp vì chiếc cặp quá nặng. Nặng hơn cả chiếc cặp đi làm hàng ngày của tôi. (Chiếc cặp của tôi đi làm ngoài giấy tờ còn có bộ quần áo và máy tính xách tay) nhưng vẫn nhẹ hơn cặp của cháu.

Buổi tối cả 2 vợ chồng tôi phải giúp thu xếp cặp cho cháu. Nào là bút mực, bút chì, thước kẻ đủ loại, kéo, dụng cụ học âm nhạc, kim chỉ học thêu, sách vở thì trung bình học 4-5 môn 1/ngày, mỗi môn thì ít nhất là 2 cuốn sách (sách học và sách bài tập) cộng thêm 1 tập vở để ghi chép cho môn học ấy, chưa kể các sách học nhạc, anh ngữ, thủ công mỹ thuật, sách nâng cao, nước uống ... tổng cộng gần 20 cuốn sách vở và các loại nêu trên, chiếc cặp của con tôi cũng đến gần 10kg. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Hàng ngày tôi đón cháu ở cổng trường thấy các cháu cùng lớp đi hàng một ra ai ai cũng thấy tội nghiệp, cháu trai thì còn cố gắng đeo được cặp chạy nhanh đến bố mẹ để đưa cặp cầm giúp, cháu gái thì thường dùng cặp có bánh xe để kéo (như đi du lịch máy bay), có nhiều cháu nhỏ con không thể mang nổi chiếc cặp, thông thường thì phụ huynh phải vào trong trường để trợ giúp cho các cháu. Tôi đã từng họp phụ huynh tại lớp và phản ánh vấn đề này với cô giáo chủ nhiệm, thì cô giáo trả lời là theo quy định của Bộ Giáo dục, học sinh tiểu học phải học chừng nấy môn, nên việc mang theo nhiều sách vở là để học, mà thời buổi bây giờ sách của ai thì nấy đọc, mấy ai đọc chung 1 cuốn sách học như thời bao cấp ngày xưa.

Tôi cũng chẳng hiểu được vì sao học sinh cấp tiểu học lại phải học nhiều môn học như thế, mà mỗi môn học thì ít nhất là 2 cuốn sách trở lên: nào là sách học, sách bài tập, sách nâng cao ..., đã thế lại tập 1, tập 2 (có khi 1 môn đến 6 cuốn sách). Tôi rất mong sao các nhà làm giáo dục hãy giảm nhẹ cân nặng chiếc cặp sách đi học của các cháu.

Thứ hai:  Tôi có ý kiến góp ý về môn ngoại khoá của ở cấp tiểu học đó là môn may thêu, đan rổ rá ... Môn may thêu theo tôi không nên cho các cháu học cấp tiểu học vì nguy hiểm. Các cháu hiếu động khi học có thể đùa giỡn, tay lại cầm kim rất dễ gây chấn thương cho mắt, chân tay chính cháu và các bạn. Vấn đề này khi trao đổi với cô giáo, bản thân cô giáo cũng không muốn dạy môn này, nhưng đó là quy định của Bộ giáo dục, bắt buộc phải dạy các cháu.

Cô giáo nói " tôi dạy môn học khổ lắm, 1 lớp 40 em học sinh, khi dạy môn này, tôi phải đi xâu kim cho ít nhất 38em/40em đã mất hơn 1 tiếng đồng hồ, còn thời gian đâu mà học". Về môn đan rổ rá, thì còn thật là quá sức của tôi. Gia đình chúng tôi ở thành phố lấy đâu ra tre, nứa mà đan. Thế là tôi phải lên xe về quê, nhờ các ông chú họ đi chặt tre, nứa vót sẵn thành nan, mất thời gian gần 1 ngày, tối đem về cho cháu đan.

Mà than ôi, đến cả tôi cũng không biết đan rổ rá nữa chứ là con của tôi. Thế là tôi phải học cách đan rổ rá để hướng dẫn cho cháu. Còn vợ tôi phải học may thêu để hướng dẫn cho cháu. Nói chung cháu học môn gì ở trường thì vợ chồng tôi phải học theo cháu môn đó. Tôi thiết nghĩ việc cho các cháu tiểu học học các môn mỹ thuật, thủ công ngoại khoá gì đó là tốt, thế tại sao không dạy các cháu việc giặt giũ quần áo, ủi là quần áo, rửa chén, lau nhà, chăm sóc bản thân để chính các cháu có cơ hội thực hiện hàng ngày có hay hơn không? Mà chúng ta lại đi dạy những môn học quá khó với các cháu cấp tiểu học (về độ tuổi và sự khéo léo), và thực tế các cháu (nhất là thành phố) sẽ chẳng bao giờ dùng đến môn học của mình, hoặc bố mẹ phải học thay cho con.

Quảng Bá Hải (TP Đà Nẵng)

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây, chúng ta thấy cộm lên những điều vô lý về chuyện học hành của con trẻ. Không biết chương trình nặng nề và có vẻ “toàn diện “ kiểu như vậy có giúp ích gì được cho con trẻ phát triển hài hòa các mặt hay chẳng qua là trò bày đặt phi lý, không sát với yêu cầu thực tế cũng như lứa tuổi làm cho cha mẹ các em phải nai lưng “học” cùng con hoặc làm thay con để không bị cô giáo của trách.

Thiết nghĩ trong giáo dục, từ việc soạn thảo chương trình sách giáo khoa cho đến cách dạy cách học, cần xác định rõ mục tiêu cũng như ý nghĩa thiết thực của từng môn học, từng tiết học (cho dù chính khóa hay ngoại khóa), đừng “tiêu xài” phí phạm thời gian qúy báu của con trẻ, vì chúng đâu chỉ cần học mà còn cần chơi, cần giải trí lành mạnh và có ích, cần phát triển cả tâm hồn và trí tuệ theo cách của trẻ thơ.

Đừng để những chiếc cặp nặng trịch đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của trẻ thơ!