Hà Nội: "Lá phổi" của làng "đầu hàng" dự án

(Dân trí)- Người dân làng Gia Thượng cho biết, ao Lão là hồ điều hòa thu gom nước thải của cả một khu dân cư rộng lớn, làm sạch môi trường và giúp người dân tránh ngập úng trong mùa mưa bão. Nếu ao Lão bị lấp sẽ gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe người dân.

Hà Nội: "Lá phổi" của làng "đầu hàng" dự án  - 1
Người dân bức xúc việc chính quyền địa phương quyết định lấp chiếc ao
cuối cùng của làng. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Dân bức xúc vì “khai tử” ao làng

Ao Lão có tổng diện tích trên 12.000m2 thuộc địa giới hành chính của tổ dân phố số 19 - một trong những ao lớn cuối cùng của làng Gia Thượng. Với người dân Gia Thượng, ngoài tính lịch sử và truyền thống lâu đời, ao Lão còn đóng vai trò là một hồ điều hòa thu gom nước thải, làm sạch môi trường và tránh ngập lụt trong mùa mưa bão. Theo người dân, nếu ao Lão bị san lấp không những khu dân cư mất đi cảnh quan thiên nhiên mà còn gây úng lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ.

Đến nay, những lo lắng của người dân Gia Thượng đang hiện hữu, khi có Công văn số 2963 (19/8/2011) của Sở TN&MT gửi cho UBND quận Long Biên về việc thực hiện thủ tục thu hồi đất để giao cho cho UBND quận thực hiện dự án Xây dựng tuyến đường nối từ tuyến số 4 đến hết khu đấu giá phường Ngọc Thụy kèm theo Quyết định 2918 của UBND quận Long Biên (5/7/2011) về việc phê duyệt dự án đầu tư. Theo như quy hoạch, toàn bộ khu vực ao Lão sẽ bị khai tử vào cuối tháng 12/2011 để dành đất làm đường và tái định cư. Những thông tin về dự án này khiến hàng trăm hộ dân nơi đây bức xúc.
Hà Nội: "Lá phổi" của làng "đầu hàng" dự án  - 2
Người dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên liên tục lên tiếng
bảo vệ lá phổi của quê hương mình. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, năm 2008, ao Văn và ao Bà Bầu cũng thuộc làng Gia Thượng đã bị "khai tử" một cách chóng vánh. Trong khi tổ dân phố hoàn toàn không hay biết về mục đích san lấp này, đất san lấp được dùng vào mục đích gì ? Tình trạng hiện nay, đất đã có chủ hay vẫn bỏ hoang? - những vấn đề được người dân Gia Thượng đặt dấu chấm hỏi trong suốt thời gian qua vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hai ao bị "khai tử" đã kéo theo hệ lụy nhãn tiền mà người dân Gia Thượng đến giờ ai cũng nhớ. Đó là trận mưa năm 2009 gây lụt lội lớn trong khu dân cư kéo dài đến hàng tuần vì không có chỗ thoát nước khiến cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân rất vất vả.

Nay, ao Lão lại nằm trong diện bị bị "khai tử", chung số phận với ao Văn, ao Bà Bầu, tâm trạng nơm nớp lo lắng của hàng trăm hộ dân nơi đây càng tăng lên và họ tự hỏi mỗi mùa mưa đến liệu cuộc sống của mình có biến thành "ốc đảo" giữa lòng Thủ đô?

Chính quyền địa phương bỏ qua chỉ đạo của Thành ủy?

Việc giải tỏa một số hộ dân không phải là vấn đề lớn, nhưng ngoài tính lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, những người cao tuổi làng Gia Thượng cho biết, Ao Lão còn là một hồ điều hòa thu gom nước thải của cả một khu dân cư rộng lớn, làm sạch môi trường và giúp người dân tránh ngập úng trong mùa mưa bão.

Bởi vậy, nếu chiếc ao bị lấp sẽ gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân. Cũng theo phản ánh của người dân tổ dân phố 19, năm 2008 hai chiếc ao trong khu vực tổ dân phố 19 là ao Văn và ao Bà Bầu cũng đã bị “xóa sổ”. Đáng buồn là, không người dân nào biết mục đích của việc san lấp hai chiếc ao đó, chỉ biết sau khi bị san lấp, miếng đất đó vẫn chưa được sử dụng. Hậu quả là, trong đợt mưa bão năm 2009, người dân quanh đây phải chịu cảnh lụt lội đến cả gần tháng trời…

Vì lợi ích thiết thực của người dân, tại Thông báo số 321 ngày 02/4/2008 của Thành ủy Hà Nội kết luận Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện quý I/2008, trong đó có nội dung yêu cầu: “Quan tâm phát triển hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa; quy hoạch hệ thống cây xanh trên các tuyến phố… Tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp hồ, ao trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành chức năng, các đơn vị quản lý để xây dựng cơ chế phù hợp, đồng bộ trong việc quản lý, đầu tư, khai thác, sử dụng các hồ nước và tham gia điều tiết việc cấp, thoát nước trên địa bàn, khu vực…”.

Tuy nhiên, thực tế tình trạng “một số doanh nghiệp, chủ đầu tư vẫn tiến hành san lấp hồ, chặt đốn cây xanh gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị”. Do đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng, UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Như vậy, việc gìn giữ cảnh quan, môi trường (khuyến khích trồng cây xanh, bảo vệ ao hồ…) đã được UBND cũng như HĐND TP. Hà Nội quán triệt và chỉ đạo. Nguyện vọng gìn giữ những giá trị văn hóa, truyền thống và phương tiện đảm bảo đời sống an sinh của người dân làng Gia Thượng lẽ nào chính quyền địa phương lại bỏ qua?.
 
Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm sáng tỏ các nội dung cử tri phường Ngọc Thụy kiến nghị để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp đang diễn ra tại đây.

Vũ Văn Tiến - Thu Hà