Hà Nội: Gian nan tìm kiếm đất mai táng cho người thân

Khả Vân

(Dân trí) - Bố mẹ đã đến tuổi thất thập nên mấy anh em tôi bàn nhau tìm mua 2 suất đất mai táng cho ông bà để có sự chủ động khi một trong hai người nằm xuống.

Khi mới bàn bạc, hỏi thăm một số người hàng xóm chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, các cụ đều là công dân có hộ khẩu quận nên kiểu gì cũng có suất ở nghĩa trang địa phương, thế nhưng khi đi "thực địa" mới thấy khó khăn nhường nào.

Ban đầu, chúng tôi bàn nhau về quê của bố xin 2 suất ở khu nghĩa trang nơi các cụ tổ tiên đã yên nghỉ, để sau này khuất núi bố mẹ tôi sẽ cùng sum vầy. Tuy nhiên nơi này đã kín chỗ, bác trưởng thôn cho biết nếu cố lắm cũng chỉ sắp xếp được 2 suất ở khu vực sát mặt đường, nhưng rất rủi ro là sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào do kế hoạch mở đường.

Phương án này chúng tôi xác định sẽ bỏ qua, một phần cũng vì quê xa với quãng đường hơn 100km, nên lựa chọn phương án về quê mẹ vì cũng nằm trong địa bàn quận mà đại gia đình tôi cùng sinh sống. Việc này sẽ thuận lợi hơn khi con cháu có thể dễ dàng tới thăm viếng, chăm sóc mộ phần bất cứ khi nào.

Hà Nội: Gian nan tìm kiếm đất mai táng cho người thân - 1

Nhiều nghĩa trang đã không còn đất để chôn cất nữa (Ảnh: Hoàng Ngọc).

Tại đây, kết quả có vẻ khả thi hơn vì nhờ có chút quan hệ nên chúng tôi được chủ nhiệm hợp tác xã rất nhiệt tình nói sẽ tìm giúp chỗ rồi xây trước. "Chỗ nào trống thì sẽ bố trí cho gia đình, nhưng để có 2 suất cạnh nhau là rất khó và khả năng cao là không được".

Sau khi tìm được chỗ trống sẽ tiến hành xây mộ giả, chờ khi nào sử dụng thì mới báo chính quyền phường để nộp tiền mua chỗ. Khi đó, gia đình sẽ phải làm đơn trình bày nguyện vọng của ông bà là người gốc ở địa phương, có mong muốn được trở về quê hương sau khi nhắm mắt xuôi tay và kèm thêm chi phí đóng góp khoảng 50 triệu/suất.

"Tại đây đã xảy ra tình trạng bị trộm mộ giả, mà cũng chẳng ai nghĩ đến việc canh chừng nên tôi cũng không bảo đảm chắc chắn đâu nhé", vị cán bộ nói.

Về nghĩa trang quận, thì người phụ trách trả lời rằng, chỉ khi có giấy báo tử mới xem xét và sắp xếp chứ không có chuyện đặt chỗ trước, nguyên tắc là chỉ cấp suất cho người đã mất chứ không cấp cho người còn sống. Tuy nhiên nghĩa trang đã gần như là hết chỗ chôn, nhiều người đủ điều kiện nhưng còn đang phải xếp hàng chờ được lên "chung cư người chết", bởi chung cư này chưa được đi vào hoạt động.

Vì vậy, trước yêu cầu của chúng tôi, người quản trang thẳng thừng từ chối.

Người này cũng cho biết, có nhiều trường hợp bố/mẹ đã mất và được hỏa thiêu, con cái nhờ cậy đủ các mối quan hệ để xin một suất đất chôn trong nghĩa trang nhưng cũng quá khó khăn nên phải gửi nhờ tro cốt ở đài hóa thân mấy tháng nay chờ kết quả. Cũng có trường hợp cùng nguyện vọng như gia đình tôi, là  muốn các cụ khi mất được chôn gần nhau, nhưng không xin được nên sau khi cụ bà mất, đành phải bốc tro của cụ ông đã an táng từ nhiều năm trước lên để đưa về quê cho thỏa ước nguyện cuối cùng của cha mẹ.

"Hiện nghĩa trang đã có khu chung cư cho người chết, theo tôi cô cậu nên khuyên các cụ sau này về đó, ở đây thì tôi đảm bảo thu xếp được 2 suất cạnh nhau. Các bạn cứ về hỏi ý kiến rồi thuyết phục các cụ đi, ở các nước văn minh, sau khi mất họ cũng đều lên chung cư như vậy, khi quỹ đất chôn không còn thì đâu có sự lựa chọn khác", vị này chia sẻ.

Hà Nội: Gian nan tìm kiếm đất mai táng cho người thân - 2

"Chung cư người chết" nằm trong khuôn viên nghĩa trang phường La Khê, quận Hà Đông.

Theo đó, chung cư dành cho người chết thực chất là nhà lưu giữ tro cốt được chia làm nhiều tầng với nhiều ô nhỏ cỡ khoảng 40-60cm2. Sau khi hũ tro cốt của người đi hỏa táng đặt vào ô, sẽ được xây thêm một bức vách nhỏ ở phía trước để gắn bia, di ảnh của người đã mất.

Xây vách đến đâu người ta sẽ cho cát khô đến đó, làm sao để phủ kín toàn bộ hũ tro cốt.

Các ô được sắp xếp theo nguyên tắc tuổi của người mất. Cụ thể, tầng trên cùng, trang trọng nhất sẽ đặt tro cốt của những người trên 80 tuổi, tầng thứ hai đặt tro cốt những người trên 70 tuổi, tầng thứ 3 đặt tro cốt của những người trên 60 tuổi và tầng cuối cùng sẽ đặt tro cốt của những người dưới 60 tuổi. Trong trường hợp người thân muốn đặt liền kề nhau mà quỹ đất chôn không còn thì chọn phương án này sẽ dễ dàng hơn.

Cũng có người khuyên nên tới các khu công viên nghĩa trang ở Phú Thọ hay Hòa Bình, nhưng tính đi tính lại chúng tôi thấy xa xôi quá và cũng đắt đỏ nữa.

Trước những khó khăn như vậy, chúng tôi đã phải trao đổi lại với bố mẹ để xin ý kiến. Do là người của thế hệ trước nên ông bà vẫn có nguyện vọng liên quan tới vấn đề tâm linh, phong tục tập quán rằng "sống ở trên trần, chết phải xuống đất", nên dù không được về đúng quê hương của mình cũng vẫn muốn được an táng theo cách truyền thống và gần con cái.

Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định về huyện ngoại thành với quỹ đất còn rộng, may mắn tìm mua được như đúng nguyện vọng của gia đình. 

Xót xa vì phải lén chôn tro cốt bố trong đêm...

Chia sẻ với một đồng nghiệp, anh cho biết, tính trước chuyện đất mai táng cho người thân nghe thì có vẻ nhạy cảm nhưng trải qua rồi mới thấy vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh đất nghĩa trang khan hiếm như hiện nay. Anh kể, bố mình mất cách đây 8 năm, trước đó trong nhà không ai tính toán trước việc này nên anh rất vất vả khi trong một tuần lễ phải lo các thủ tục ma chay, hỏa táng và tìm kiếm chỗ chôn cất ở quê nhà.

Do bố mẹ anh thoát li đã lâu, họ hàng cũng chẳng còn ai, cán bộ thôn xã ở quê là những người trẻ thuộc thế hệ của anh nên không nắm được nguồn gốc các cụ, vì vậy không tạo điều kiện để anh đưa tro cốt bố về mai táng ở nghĩa trang thôn. Cực chẳng đã, anh phải thuê người xây trộm mộ vào ban đêm và cũng âm thầm đưa cụ về chôn sau đó, giờ nghĩ lại gia đình anh vẫn cảm thấy xót xa.

Hà Nội: Gian nan tìm kiếm đất mai táng cho người thân - 3

Dù đã có quy định diện tích tối đa với các phần mộ nhưng tại nhiều địa phương, việc xây dựng phần mộ gia đình vượt quá giới hạn pháp luật cho phép đã làm lãng phí quá nhiều diện tích đất.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc an táng người chết đã trở thành thói quen lâu đời in sâu trong tiềm thức của người dân Việt. Nếu không quy hoạch nghĩa trang hợp lý thì việc lãng phí đất, ô nhiễm môi trường là tất yếu và nguy cơ thiếu đất cho người đang sống trong thời đại đô thị hóa như hiện nay. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật đất đai 2013, "đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất." Tuy nhiên, theo tình hình thực tế hiện nay, vẫn còn tồn tại rất nhiều khu nghĩa trang chưa được quy hoạch tập trung, người dân theo thói quen chôn cất ở phần đất của gia đình mình, hơn nữa, các khu nghĩa trang ở vùng đô thị cũng chưa thỏa mãn được điều kiện "xa khu dân cư".

Ví dụ như Thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc mặc dù đã có nghĩa trang nhân dân, với diện tích rộng hơn 7.000m2, được đầu tư quy hoạch khá quy củ với nhiều hạng mục, song một số hộ dân ở thôn thay vì đặt mộ ở nơi đã quy hoạch của địa phương thì lại xây mộ trên đất ruộng của gia đình. Dọc khu vực cánh đồng Vài, thôn Lâm Xuyên, nhiều ngôi mộ nằm rải rác trên đất sản xuất nông nghiệp, những ngôi mộ xây dựng lâu năm cũng có, mộ vừa mới được xây cũng chiếm khá nhiều.

Mặt khác, mặc dù đã có bộ máy quản lý theo các cấp chính quyền nhưng thiếu cơ chế quản lý, thiếu cán bộ chuyên trách tại các đơn vị quản lý dẫn đến tình trạng nhiều nơi xây dựng nghĩa trang thiếu đồng bộ và còn nhiều nghĩa địa nằm xen lẫn trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định diện tích tối đa đối với phần mộ cá nhân hung táng và chôn cất một lần không quá 05m2, còn đối với phần mộ cá nhân cát táng không quá 03m2. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều địa phương còn tồn tại tình trạng xây dựng phần mộ của gia đình vượt quá giới hạn pháp luật cho phép, chiếm nhiều diện tích đất.

Không những thế, có nơi nhiều phần mộ không nằm trong nghĩa trang được quy hoạch mà nằm cạnh phần đất canh tác, gây ảnh hưởng đến quỹ đất của địa phương.