Bạn đọc viết:

Gửi ngoại của con!

Chỉ còn một năm nữa thôi con sẽ tạm biệt giảng đường bước ra cuộc sống. Không biết lúc đó ngoại có còn khỏe, sống lâu với con để con có thể bù đắp cho ngoại những tháng ngày ngoại vất vả nuôi con ăn, con học hay không.

Đối với con giờ ngoại quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời. Mỗi khi nhớ về ngoại, là con nhớ đến cái vẫy tay cùng nụ cười móm mém của ngoại mỗi khi con chào ngoại đến trường, nhớ đến mỗi lần đi chợ bán con gà hay rổ rau ngót, rau mồng tơi, ngoại không quên mua về cho con mấy cái bánh rán, hay gói chè… Tháng ngày trôi qua, con lớn lên trong sự bao bọc, yêu thương của ngoại và lân đầu tiên con xa ngoại là khi con trúng tuyển vào trường Đại học KHXH & NV TPHCM. Cuộc sống nơi thanh phố với nhiều cám dỗ, nhưng chỉ cần nghĩ đến nụ cười của ngoại thôi là con lại cố gắng học tập thật tốt.

Suốt thời gian sống với ngoại, từ lúc năm tuổi đến chừ con luôn cảm thấy hạnh phúc, mặc dù đã nhiều lần con túm vạt áo của ngoại lắc lư, khóc lóc đòi mẹ. Lúc ấy khuôn mặt ngoại buồn buồn, ngoại ôm con vào lòng, vuốt lấy mái tóc con vỗ về “ có ngoại đây rồi, ngoại sẽ thay ba mẹ cháu chăm lo cho cháu như bao đứa trẻ khác”, khi nào buồn cháu cứ nghĩ có ngoại luôn bên cạnh con là được”. Lúc ấy không hiểu sao con lại càng khóc to hơn, cứ như là muốn ngoại dỗ dành con mãi vậy. Đã nhiều lần vì tiếng khóc đòi mẹ của con mà đã làm cho ngoại như cảm thấy có lỗi với đứa cháu tội nghiệp.

Còn nhớ ngày còn học lớp 3, con thường bị lũ trẻ con hàng xóm trêu chọc “đồ con mồ côi”, con đã rất  tủi thân và mong muốn được có mẹ như bọn chúng. Mỗi sáng đến trường thấy bạn bè được ba mẹ chở đi học, mua đồ ăn sáng, con đã ghen tị biết bao. Thế là con đã về và chỉ biết trách ngoại, làm cho ngoại buồn, mà không biết rằng ngoại đã cố gắng rất nhiều để bù đắp cho con. Lưng ngoại mỗi ngày một còng đi vì hằng ngày ngoại phải chắt chiu từng đồng từ những bó rau trong vườn đi chợ bán. Dẫu biết rằng lương hưu hàng tháng của ngoại đủ để nuôi hai bà cháu. Nhưng ngoại luôn bảo “ ngoại làm việc quen rồi, giờ ngồi chỗ thấy nhức mỏi cơ thể lắm”.

Ngày xưa ngoại tôi là giáo viên dạy văn cấp ba. Ngoài lời giảng sâu sắc, ngoại còn có biệt tài làm thơ rất hay. Có lẽ vì vậy mà đến bây giờ ngoại tuy đã ngoài 70 nhưng con vẫn nghe nhiều chú vẫn nghêu ngao những vần thơ của ngoại một thời. Không những thế con trở thành sinh viên báo chí là nhờ ngoại đã rèn cho con từ nét chữ đầu tiên cho đến những bài tập làm văn của con. Họ nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”,những bài làm văn của con luôn cao nhất lớp, và con thấy tự hào khi bài văn của con được cô giáo đọc cho cả lớp nghe mỗi lần trả bài”. Trong mấy bài văn, con nhớ nhất là bài tả về một người mà em yêu quý nhất và tất nhiên rồi người con yêu quý nhất không ngoài ai khác đó chính là ngoại của con”.Bài văn con viết về ngoại được 9 điểm tròn trĩnh, con về đọc cho ngoại nghe. Nghe xong ngoại nói “ ngoại cảm ơn con nhưng để như con viết thì ngoại còn phải cố gắng nhiều nũa”. Lúc đó tôi thấy thương ngoại chi lạ!

Thực  ra đôi lúc con vẫn nghĩ về mẹ, con nghĩ  đến một  lúc nào đó con sẽ đưa mẹ về sống với ngoại và con nhưng có lẽ không được. Vì bây giờ mẹ đã tìm cho mình một mái ấm riêng ở Sài Gòn rồi phải không ngoại. Con vẫn biết mẹ thỉnh thoảng lại gửi tiền về cho ngoại nhưng ngoại chỉ cất vào tủ khóa lại chứ không bao giờ dùng đến. Ngoại bảo để dành số tiền này, lúc nào ngoại không còn nữa thì con lấy mà dùng, chú bấy giờ ngoại vẫn đủ sức để lo cho con. Con biết, từ khi con vào đại học số tiền mẹ gửi về cho ngoại để lo cho con cũng ngày càng lớn hơn. Nhưng ngoại vẫn kiên quyết không đụng đến một xu nào.

 

Suốt thời gian học ở Sài Gòn, ngoại vẫn đều đặn gửi tiền cho con hàng tháng. Đó không phải là số tiền của mẹ, cũng chẳng phải số tiền vay vốn cho sinh viên mà số tiền từ chính sức lao động của ngoại. Đã nhiêu lần thấy ngoại vất vả con đã khuyên ngoại vay vốn sinh viên, nhưng ngoại lại gạt đi và bảo “ ngoại còn thừa sức để nuôi cháu đó chứ”, cố gắng học hành cho tốt là ngoại vui rôi”.

 

Xa ngoại, con nhận ra hạnh phúc mà con đang có thật lớn lao bởi vì con có ngoại. Bao giờ trong lòng con cũng luôn thấy biết ơn, và thương ngoại vô cùng, người đã nuôi con ăn học, lớn khôn. Ngoại hãy sống lâu ngoại nhé.

 

Trương Thị Bình