Gửi bà Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương

Điều gì tôi được biết sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của bà Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn (Báo Tiền Phong, ngày 23/5/2006)? Đó là:

1- Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư đã làm đúng quy chế báo bão lũ và khi báo cáo tiến trình báo bão lũ thì chưa có ý kiến gì phê phán công việc của Trung tâm cả.

 

Lãnh đạo Chính phủ không phải là các nhà khí tượng. Tôi tin lãnh đạo Chính phủ ra quy chế trên cơ sở dự thảo của cấp ngành chủ quản, có thẩm định của các đơn vị khác. Không ai biết rõ hơn ngành chủ quản quy chế ấy có đủ hay chưa đủ đối với thực tế cuộc sống.

 

Có hiện thực là ngư dân Việt Nam (vào lúc này còn chưa rõ bao nhiêu) đã không thoát chết, kể cả khi họ qua sóng VOV vẫn nghe các bản báo bão ấy.

 

2- Trung tâm biết là quy luật phổ biến của các cơn bão sớm là không đổ bộ vào Việt Nam mà thường đổi hướng quặt lên phía Bắc, nhưng Trung tâm không thể và không dám chắc điều này, vì lẽ cũng có trường hợp hiếm gặp là bão không ngoặt lên phía Bắc (bà dẫn ra ví dụ là cơn bão năm 1989).

 

Và có hiện thực là ngư dân VN không thoát chết khi cơn bão số 1 đã làm đúng cái "thông lệ" của các cơn bão sớm, vì họ chạy về chỗ mà theo thông lệ bão sẽ ngoặt lên.

 

3- Các Trung tâm dự báo của quốc tế đều giống nhau là họ dự báo rất sớm khả năng bão Chanchu sẽ đổi hướng lên phía Bắc cao hơn là giữ hướng đổ vào Việt Nam, Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư biết các dự báo trên, nhưng không dám báo về khả năng này, vì như bà nói, các trung tâm quốc tế kia cũng không khẳng định chắc chắn bão sẽ chuyển hướng, mà Trung tâm Việt Nam thì muốn dự báo "có xác suất lớn nhất".

 

Điều này khá mỉa mai, thưa bà Phó giám đốc. Theo tôi, về bản chất, Trung tâm VN đã không dự báo cái gì cả, mà thực ra chỉ thông báo hướng bão đang đi, nó đi đến đâu thông báo đến đó. Tôi đã đọc thấy có trung tâm ngày 13/3 đã khẳng định xác suất bão đổ về phía Hồng Kông lớn hơn là giữ hướng vào Việt Nam. (Đây là những dòng nguyên gốc tiếng Anh mà người ta đã gửi cho tôi, trích từ đường dẫn của một trung tâm dự báo châu Á: About the track, the most probable track at this moment is that the typhoon later make a northward turn to move toward Hong Kong, than that the typhoon will keep its current track toward Vietnam-link: http://agora.ex.nii.ac.jp).

 

Đấy là dự báo. Còn Trung tâm khí tượng VN có hết các thông tin tham khảo này nhưng đợi đến ngày 15/5, khi bão rõ ràng chuyển hướng rồi mới báo, thì đó không là dự báo, đó là thông báo. Bão đi đến đâu,"dự báo" đến đó thì quả là cách dự báo có "xác suất lớn nhất"!

 

Và có hiện thực là ngư dân Việt Nam không thoát chết vì đài khí tượng nhà làm việc theo "xác suất lớn nhất".

 

4- Chanchu đổi hướng thước thợ ngoặt lên phía Bắc từ 1 giờ sáng đến 13 giờ cùng ngày. Trung tâm VN ra tin báo về sự đổi hướng này lúc 9 giờ 30 phút. Tức là 8,5 giờ kể từ lúc bão đã bắt đầu đổi hướng. 8,5 giờ để trung tâm của bà có thể "nhận thấy bão có nhiều khả năng chuyển hướng lên phía bắc" và "dự báo khả năng này". Lại dự báo - một từ tôi cho là dùng không đúng chút nào.

 

8 tiếng rưỡi, nếu thuyền ngư dân chỉ chạy được 3-4 hải lý/giờ, thì có thể vượt được 25,5-34 hải lý, hay 41-54 km. Cũng có thể chạy được nhanh hơn. Như vậy là gần thoát khỏi khu vực bán kính 400 km gió cấp 6-8 như bà nói. Đó là lúc mỗi km xa khỏi tâm bão đồng nghĩa xa khỏi cái chết.

 

Nhưng hiện thực là nhiều ngư dân đã không thoát chết, vì chỉ sau 9h30 ngày 15/5 họ mới có thể nhận được dự báo, không còn nghi ngờ gì cả, hết sức chắc chắn này của Trung tâm.

 

5- Có thể đưa ra dự báo về các khả năng khác nhau đường đi của bão (ví dụ như cảnh báo Chanchu có thể đi hướng Tây Tây Bắc - Tây Bắc nhưng cũng có khả năng ngoặt lên hướng Bắc), và bà Phó giám đốc cũng nói rằng "tôi đồng ý là có thêm thông tin ấy hẳn sẽ có ích hơn cho ngư dân”. Nhưng Trung tâm không làm thế vì sợ đưa ra hơn một khả năng thì các cơ quan có trách nhiệm "không biết xử lý thế nào". Và bà cho rằng "nói thế thì vô cùng lắm"!

 

Chúng ta đang nói đến chuyện dự báo hai khả năng, chứ không phải vô cùng các khả năng. Theo thiển nghĩ của tôi, nếu vấn đề đặt ra là có thể có họa từ hai phía, người ta sẽ biết cách chạy về phía thứ ba, chạy được chừng nào hay chừng đó. Và chạy được, bởi từ ngày 13 đến ngày 17 là khá xa.

 

Mỗi đứa bé không có "vô cùng" các người cha đi biển. Mỗi người mẹ không có "vô cùng" các người con đi biển. Và mỗi người vợ cũng không có "vô cùng" người chồng đi biển. Và hiện thực xảy ra là những người cha, người chồng, người con ấy đã không thoát chết.

Vâng, tôi đồng ý rằng: kể cả trong trường hợp cơ quan khoa học kỹ thuật,cơ quan quản lý làm hết sức mình, làm thật tốt công việc của mình, vẫn có thể họ không thoát chết. Nhưng trong trường hợp này, tôi vẫn xin được biết:

 

- Ai có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ  ra quy chế? Và ai có nhiệm vụ đề xuất sửa đổi quy chế, nếu rõ ràng nó lạc hậu? Bão vào đến biển Đông là bão xa, nhưng ngư dân lại đánh bắt cá ở ngoài biển Đông thì với họ bão - đồng nghĩa nguy cơ đối mặt với cái chết - là xa hay gần? Họ bắt đầu đánh bắt xa bờ từ bao giờ, từ hôm qua, từ năm ngoái hay sao? Chính phủ có cấm việc đưa ra một đề nghị sửa quy chế nhằm cho dân an toàn hơn? Sửa một quy chế mất bao nhiêu thời gian?

 

- Quy chế báo bão lũ có cấm việc đưa ra hơn một khả năng, nếu các thông tin của thế giới đưa ra hai khả năng khác nhau đường đi của cơn bão, và nếu quy luật bão sớm là thường đổi hướng?

 

- Tại sao, quy chế nào cấm chúng ta làm cái việc mà tâm trí chúng ta, kiến thức, hiểu biết của chúng ta mách bảo rằng đó là "hẳn sẽ có ích hơn cho ngư dân"?

 

Điều cuối tôi xin thưa với bà:

 

Không nói đến những người không muốn làm việc, không làm việc. Chỉ giới hạn trong những người tận tụy thật sự, cố gắng thực sự với công việc, thì vẫn có hai cách làm việc.

 

Cách thứ nhất: Làm việc sao cho không ai có thể nói mình có sai sót, mình có khuyết điểm. Mục đích đó dẫn đến cách nghĩ, cách hành xử: Làm như quy chế, không mạo hiểm, lấy cái không sai, cái đúng, đủ như quy chế làm nguyên tắc hàng đầu và duy nhất.

 

Cách thứ hai: Làm sao để lợi nhất cho mọi người, làm sao hiệu quả cuối cùng đạt được trong chừng mực tối đa có thể. Mục đích đó dẫn đến cách hành xử: Làm theo quy chế, nhưng thấy quy chế chưa đủ thì tích cực đề xuất một quy chế khác, chưa đề xuất được hoặc chưa kịp thì tận dụng mọi khả năng trong khuôn khổ quy chế đang có để làm hết những gì mình có thể, hoặc còn trên mức có thể thông thường chút nào hay chút đó. Bởi một ly vượt lên đó có thể rất đáng giá - có khi là giá sinh mạng - đối với người khác. Rồi ngay sau đó kiên trì đề xuất, kiên trì chứng minh cần đổi quy chế.

 

Sợ trách nhiệm và có trách nhiệm là hai cái không giống nhau. Khác ở chỗ cái thứ hai cũng là sợ, nhưng là cái sợ ở cấp độ khác.

 

Là quan chức, dù nhỏ dù to, sợ trách nhiệm là điều dễ hiểu. Tôi cũng thế. Viết bài này, tôi cũng có hai cái không hẳn là sợ, nhưng ngại:

 

- Ngại mình không những dốt, mà chính xác là không biết gì về khí tượng, nên viết những điều ngây ngô, người biết như bà vạch ra, thì tôi xấu hổ.

 

- Sợ có người quy kết: Thời điểm này cần khắc phục hậu quả, sao lôi chuyện này nọ ra để phân tâm.

 

Nhưng cái khiến tôi vẫn viết, là cái này: Chắc chắn không ai biết cơn bão số 2 sẽ bắt đầu lúc nào. Nếu nó bắt đầu ngay giờ đây, thì Trung tâm Khí tượng vẫn có trong tay quy chế hiện hành, và cách làm hiện hành. Có nghĩa là có những người vẫn có thể không thoát chết. Nhưng nếu như họ có thể thoát chết, trong trường hợp chúng ta có cách nghĩ, cách làm khác?

 

Còn nếu thực sự chúng ta đã không thể có cách làm khác, thì tôi - và nhiều người không có kiến thức gì về khí tượng thủy văn -cũng mong biết. Để nhẹ lòng hơn.

 

Theo Trần Chí Hiển

Thanh Niên