Gs Ngô Bảo Châu - người đưa giấc mơ trở thành hiện thực

Giấc mơ mà nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước đã mơ trong những tháng qua, đặc biệt những ngày qua, đã trở thành sự thật: GS Ngô Bảo Châu đã được đại hội Toán học thế giới họp tại Hyderabad - Ấn Độ vinh danh với huy chương vàng Fields lịch sử.

Với Ngô Bảo Châu và chiếc huy chương Fields, người Việt Nam và dân tộc Việt Nam đã tìm lại được chính mình, tìm lại được niềm tin đã từng khẳng định nhưng rồi tưởng chừng đã mất giữa dòng lịch sử! Rằng dân tộc Việt Nam có thể đóng góp phần trí tuệ của mình vào kho tàng trí tuệ của thế giới, rằng “người Việt Nam cần cù, siêng năng và thông minh”, là những hạt giống của “con rồng cháu tiên”, chỉ cần một miếng đất tốt để phát triển, và có quyền phát triển đầy đủ mà không bị cản trở.

Một con người nhỏ nhắn nhưng có đôi mắt sáng của sự tò mò thiêng liêng và đầy nghị lực, đến từ một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, từ một đất nước mà toán học và khoa học là những ngành còn tương đối non trẻ, chỉ chừng 40 năm thôi, một đất nước không có truyền thống toán học hay khoa học tự nhiên, nay làm nên lịch sử trên diễn đàn toán học thế giới.

Đứng trước một tài năng được thế giới công nhận như Ngô Bảo Châu, những ai làm chính sách giáo dục và đại học quốc gia không thể nào không thay đổi thước đo đối với trí thức Việt Nam. Phải xem lại chính mình! Phải xem lại những chính sách đối với trí thức và với những nhà khoa học! Hãy mở cửa và nuôi dưỡng giới trí thức và khoa học Việt Nam như những tài nguyên vô giá của đất nước.

Một chương trình toán học cho giáo dục đáng lẽ phải được khởi động từ lâu ở cấp quốc gia. Humboldt, cha đẻ của nền đại học hiện đại thế giới, 200 năm trước đã biết lấy toán học làm nòng cốt cho giáo dục. Một viện nghiên cứu toán học cao cấp đáng lẽ được thành lập từ lâu. Nhưng, viện toán học ấy chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi có những đại học nghiên cứu hiện đại trong quỹ đạo của nền đại học hiện đại thế giới đi kèm, và sau cùng nhưng lại là điều cốt lõi, đó là người làm khoa học phải sống và có đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam, điều hãy còn xa vời. Một viện nghiên cứu lẻ loi tuy tốt nhưng vẫn không phát triển được tài năng Việt Nam. Ai sống được để làm toán và khoa học một cách “chân chính”?

Giới trẻ Việt Nam hãy tin vào tài năng và trí tuệ của mình, của dân tộc, hãy nuôi dưỡng ước mơ vươn lên những giá trị khoa học, nghệ thuật cao cả của thế giới đã vun bồi hơn hai ngàn năm, hãy dám đi con đường khó khăn hơn nhưng vinh quang hơn! Một đất nước mà các thế hệ trẻ chỉ biết “sống bằng tay cho ngay vào miệng” là một đất nước không có tương lai!

TS Nguyễn Xuân Xanh (theo SGTT)