Giáo dục phổ thông - “Hai không” và con thuyền không bến

(Dân trí) - Giáo dục phổ thông đang đi loanh quanh cùng bệnh thành tích và chống bệnh thành tích. Đây là sự thật mà bất kỳ những người trong ngành nào đều biết nhưng im lặng chấp nhận. Đến nỗi, khi nghe tin trường mình đỗ đến 98%, nhiều GV chủ nhiệm... không dám mừng.

Thực trạng giáo dục THPT đang đi về nơi “không bến” chẳng khác con thuyền đã mất phương hướng. Nhìn nhận một cách khách quan, giáo dục THPT trong nhiều năm qua, có những bước phát triển rất chậm chạp, không đáp ứng được sự mong đợi của toàn xã hội.
 

Nhìn lại phong trào “Hai không”

 

Năm 2006, nổi lên sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây (cũ). Khi đó, Bộ GD&ĐT phát động phong trào "Hai không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử). Phong trào được tiếp tục cho đến nay, trong đó có sự bổ sung thêm một số nội dung. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 và 2011, những con số báo cáo của các địa phương làm cho chúng ta phải suy nghĩ.

 

Thứ nhất, phong trào “Hai không” đang đứng trước nguy cơ “phá sản”. Không cần phải phân tích thêm nhiều khi so sánh kết quả tốt nghiệp năm nay với những năm trước. Thêm việc tiêu cực trong chấm thi của 11 Sở Giáo dục - Đào tạo đồng bằng sông Cửu Long làm cho mọi việc trở nên rõ ràng và bức tranh giáo dục thêm... nhem nhuốc. “Xấu hổ”! Đó là cảm nhận chung của hầu hết những mọi thầy cô giáo.

 

Nhìn ở góc độ pháp lý, phong trào "Hai không" được Bộ giáo dục – Đào tạo triển khai cũng chỉ là “phong trào”, tính cưỡng chế của nó thật sự không cao. Các địa phương và các trường hưởng ứng trên tinh thần tự giác là chính. Do tính cưỡng chế không cao nên phong trào không thể duy trì được lâu, nó phải được thay thế bằng một chủ trương khác để có thể chống bệnh thành tích hiệu quả. Tuy nhiên, từ 2006 đến nay không có sự đổi mới trong biện pháp chống tiêu cực dẫn đến tình trạng “kháng thuốc”, hậu quả sẽ khôn lường.

 

Thứ hai, ngành giáo dục có chống tiêu cực nổi hay không? Kết quả thi tốt nghiệp 2 năm học qua cho thấy bệnh thành tích không hề suy giảm. Chống thế nào khi lãnh đạo của 11 Sở GD&ĐT họp bàn với nhau để đạt được… thành tích cao? (đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn hay không những cuộc họp kín như vậy là câu hỏi không lời đáp). Ngay chính những người là lãnh đạo trong ngành còn chưa thể hiện được “quyết tâm chính trị” của mình đối với trách nhiệm trước xã hội, thì lấy gì làm niềm tin trong “cuộc chiến” chống tiêu cực?
 
Giáo dục phổ thông -  “Hai không” và con thuyền không bến - 1

Chống bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục là công việc nặng nề của toàn xã hội. (nguồn ảnh: internet)

 

Nhìn lại sự việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa năm 2006 và bê bối của 11 Sở GD&ĐT năm nay có 1 điểm chung. Đó là việc tố cáo tiêu cực do chính những người giáo viên có lương tâm với nghề, trách nhiệm trước xã hội thực hiện. Chúng ta có bao nhiêu là người là thanh tra của ngành, nhà quản lý giáo dục mà không phát giác? Hỏi năng lực của họ được đánh giá thế nào đây? Hay chính họ lại là một trong những nguyên nhân của tiêu cực (như trường hợp 11 Sở Giáo dục – Đào tạo đồng bằng sông Cửu Long)?

 

Đó mới chỉ nói đến công tác chấm thi, còn công tác coi thi thì sao? Giả sử (chỉ là giả sử thôi) khi Hội đồng coi thi và Thanh tra giáo dục “đồng ý” với tiêu cực, thì chỉ còn hy vọng vào “thanh tra nhân dân” là cán bộ coi thi – giáo viên để tố giác tiêu cực. Nhưng điều “tế nhị” là bây giờ rất khó có thể thu được chứng cứ vi phạm trong phòng thi, vì cán bộ coi thi không được quyền mang theo điện thoại, máy ảnh hay bất kỳ những phương tiện ghi âm, ghi hình nào (?!)

 

Xã hội đang dõi theo quá trình điều tra và xử lý vụ việc này của Bộ GD&ĐT. Giáo dục là ngành “nóng” của xã hội, do đó, ghế của ngành giáo dục cũng phải “nóng”. Nếu làm không xong thì nên để “chiếc ghế nóng” cho người khác có đủ năng lực giải quyết. Nếu không thể “tự giác” rời ghế thì chúng ta cũng cần thiết cưỡng chế để nền giáo dục nước nhà phát triển. Tin tưởng rằng, đất nước có 87 triệu dân và hơn 3 triệu kiều bào đang ở nước ngoài, nhất định sẽ có người tài đáp ứng kỳ vọng của xã hội.

 

Đâu là con đường đi tới?

 

Theo ý kiến của tác giả, cách chống tiêu cực trong giáo dục hiện nay của chúng ta giống như thu nhặt những tờ giấy trong phòng bị gió thổi bay vậy, đáng lẽ công việc phải làm lâu dài là “chế ngự gió” chứ không phải “thu nhặt giấy”. Chúng ta cần thiết xem xét lại toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông. Mục tiêu giáo dục phổ thông trong Luật Giáo dục 2005, theo tôi, là hoàn chỉnh. Vấn đề là nội dung và phương pháp của giáo dục chưa phù hợp, đặc biệt là nội dung quá nặng nề và cứng nhắc.

 

Việc học của học sinh sẽ nhẹ nhàng khi các em nhận ra ý nghĩa của việc học. Học, trước hết, giúp bản thân tốt hơn, kế đến là các quan hệ xã hội khác. Học từ đâu? Học từ trong cuộc sống là chính. Câu chuyện của học sinh trường THPT An Lạc Thôn, một trường vùng sâu, nghèo khó của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thực hiện đề tài “Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm” đạt giải nhất trong cuộc thi Quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” năm nay,  rất đáng để chúng ta suy nghĩ và thêm lo lắng về đề án cải cách giáo dục 70 nghìn tỷ đồng của Bộ GD&ĐT chẳng biết sẽ ra sao, hay lại thêm một vụ việc lãng phí tiền của.

 

Qua những gì đã và đang xảy ra trong ngành và xã hội, theo tôi, cần thiết nhất trong công tác giáo dục phổ thông hiện nay là giáo dục đạo đức. Trong đó, giáo dục tính trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Trước hết, các em trung thực với chính mình về năng lực thật sự để có thể tìm trường, ngành, nghề phù hợp cho mình. Để sau này, các em vào đời, các em sẽ trở thành công dân tốt, biết trung thực trong báo cáo, lời nói và việc làm trước Nhà nước, nhân dân và lương tâm chính mình.

 

Chống bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục là công việc nặng nề của toàn xã hội. Vì vậy, có thắng lợi hay không tùy thuộc vào sự chung sức, chung lòng của mọi người dân. Tất cả phải có quyết tâm cao và kiên trì xuyên suốt trong một thời gian dài, biết lấy cái tốt đẩy lùi dần cái xấu. Trong đó, Bộ GD&ĐT phải thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm của mình trước xã hội bằng hành động (chứ không phải là những lời hứa), trước hết, phải thể hiện được tinh thần nghiêm minh trong xử lý tiêu cực. Đó là cách củng cố niềm tin dư luận tại thời điểm này.

Trần Thanh Nhựt
Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng