Giá trị và giá cả

Giá sữa và chất lượng sữa đã trở thành chủ đề nóng của cả xã hội. Loại sữa nào cần có giá thấp, loại sữa nào có giá cao tương xứng với giá trị của nó, đang là một câu hỏi lớn đối với người tiêu dùng?

Các yếu tố quyết định chất lượng sữa

Để có sản phẩm tốt, phải đảm bảo được cả 4 yếu tố: Nguyên liệu cao cấp, công thức được nghiên cứu cẩn thận, công nghệ sản xuất tiên tiến và người sản xuất có kỹ năng cao, áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Do vậy, những sản phẩm tốt tất nhiên giá phải cao, đúng với câu “Tiền nào của nấy”.

Sữa cũng không phải là ngoại lệ. Nguyên liệu tốt có giá cao hơn nhiều nguyên liệu thông thường. Sữa bột nguyên liệu của Trung quốc giá tháng 8/2008 là 2.800 USD/tấn, trong khi giá sữa bột nguyên liệu của New Zealand cao gần gấp đôi (4.800 USD/tấn).

Việc nghiên cứu công thức cũng rất tốn kém. Các hãng sữa uy tín nhất thế giới đầu tư cả hàng chục triệu USD để tìm ra một công thức pha chế chuẩn, để các dưỡng chất có một hàm lượng cân đối và phù hợp nhất, được hấp thu tốt và phát huy tác dụng tối ưu.

Công thức hợp lý và kỹ thuật pha chế tiên tiến sẽ giúp đảm bảo các dưỡng chất, đặc biệt là các vi dưỡng chất với hàm lượng cực nhỏ, được phân bố đều, không bị giảm hàm lượng khi sấy khô và trong quá trình bảo quản, đem lại những lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.

Thêm vào đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt áp dụng ở các nước phát triển tại Âu Mỹ hay Nhật khiến chỉ những sản phẩm đạt chất lượng cao mới được phép đưa ra thị trường.

Một điều dễ nhận thấy là chất lượng xe ô tô Nhật khác với xe ô tô lắp ráp, mặc dù 90% linh kiện của xe lắp ráp vẫn là nhập ngoại. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng nước ta có tâm lý chuộng hàng sản xuất bởi các nước phát triển hơn hàng sản xuất ở các nước đang phát triển mặc dù giá cao hơn.

Vì  các yếu tố này, sữa sản xuất ở các nước phát triển, có công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ, được nghiên cứu kỹ lưỡng, sẽ có chất lượng và giá thành cao, khác với sữa được sản xuất ở các nước thế giới thứ 3.

Giá cả và chất lượng

Không phải các sản phẩm giá như nhau đều có chất lượng như nhau, mà giá cả phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiếp thị của mỗi công ty.

Ví dụ, mặc dù sữa sản xuất ở Malaysia hay Thái Lan có giá thành thấp, nhưng nếu hãng sữa muốn nhắm vào phân khúc thị trường cao cấp thì họ sẽ định giá cao như hàng Âu Mỹ và đầu tư lớn vào quảng bá nhãn hiệu để thu hút khách hàng, nhằm có lợi nhuận cao.

Nhiều khách hàng dùng sữa sản xuất ở Malaysia hay Thái Lan vẫn nghĩ đấy là hàng Âu Mỹ chính hiệu vì có giá cao, mặc dù giá bán ở chính nước sản xuất lại rất rẻ, thấp hơn 50 - 60% hay hơn nữa so với ở Việt Nam.

Giá sữa ở Malaysia, do thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đều bằng 0, có rẻ hơn Việt Nam nhưng cũng chỉ khoảng 20% là hợp lý.

Do đó, khi có điều kiện tài chính đủ để dùng hàng ngoại, người tiêu dùng thường chọn hàng sản xuất ở chính các nước tiên tiến và của các hãng tên tuổi. Cách tốt nhất là xem nơi sản xuất chứ đừng chỉ nhìn vào nhãn hiệu hay những dòng chữ “nguyên liệu của nước ABC” hay “nhãn hiệu của tập đoàn XYZ” nào đó.

Ở châu Á, nói chung chỉ có một số nước như Nhật Bản, Singapore… mới đạt được trình độ kỹ thuật tiên tiến và có các tiêu chuẩn khắt khe như Âu Mỹ.

Sữa mẹ - Tiêu chuẩn vàng cho trẻ

Cần tìm hiểu xem tác dụng của sản phẩm đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học sâu sắc và đầy đủ chưa, hay chỉ đơn thuần là quảng cáo của nhà sản xuất. Các hãng sữa nổi tiếng trên thế giới hết sức chú trọng vấn đề này.

Các bằng chứng khoa học cũng có nhiều cấp độ tin cậy, đáng tin cậy nhất là cấp độ 1, kém tin cậy nhất là cấp độ 4 theo như phân loại của Tạp chí Y học Anh Quốc.

Các nghiên cứu tin cậy cấp độ 1 là các nghiên cứu mù đôi, nhóm ngẫu nhiên và có kiểm chứng, tốt nhất là có so sánh với sữa mẹ, tiêu chuẩn vàng cho sự phát triển của trẻ.

Người tiêu dùng thông minh

Giữa một rừng quảng cáo, lóa mắt khuyến mãi và trùng điệp những thông tin như hiện nay, người tiêu dùng cần căn cứ vào các bằng chứng khoa học, xuất xứ của sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, uy tín của nhà sản xuất và kinh nghiệm của những người đã sử dụng trước đó để biết được giá cả có phản ánh đúng giá trị của hàng hóa hay không.

Không nên dựa vào những lời giới thiệu chưa có kiểm chứng, giá cả cao thấp, hay vẻ ngoài bắt mắt. Như vậy mới chọn được đúng những sản phẩm tốt thực sự, phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ.
 
Người tiêu dùng